Tác động tập thể trong giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí

Sáng 7/1, Tổng cục Môi trường phối hợp Tổ chức Winrock International tổ chức Hội thảo khởi động “Tác động tập thể trong giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí” khu vực phía Bắc với sự tham dự của gần 60 đại biểu.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án giảm thiểu ô nhiễm do USAID tài trợ trong 5 năm (2021 – 2026) nhằm thúc đẩy các sáng kiến giảm thiểu ô nhiễm không khí tại địa phương, đồng thời nâng cao năng lực các đối tác và mạng lưới thông qua phương pháp tác động tập thể tức huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, cơ quan chính phủ, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và cộng đồng.

TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường cho rằng hiện có 03 nguồn gây ô nhiễm không khí chính là hoạt động sản xuất, hoạt động nông nghiệp và phương tiện giao thông. Theo ông, cần chuyển đổi hệ thống quản lý ô nhiễm không khí sang quản lý chất lượng không khí theo ngưỡng ô nhiễm. Việc thực hiện dự án sẽ gặp phải một số khó khăn nhất định về hệ thống quy chuẩn hiện hành, mạng lưới quan trắc, trình độ chuyên môn chưa cao, số liệu khoa học và sự tham gia của cộng đồng còn thiếu.

Chia sẻ về thực trạng ô nhiễm không khí ở địa phương, bà Nguyễn Phương Nhung, tổ chức Live&Learn nêu số liệu thống kê về nồng độ bụi PM2.5 giai đoạn 2019-2020, từ đó chỉ ra rằng tuy nồng độ bụi PM2.5 năm 2020 trên toàn quốc có xu hướng giảm so với năm 2019, song nồng độ trung bình năm tại 10/63 tỉnh thành vẫn vượt quy chuẩn, tập trung chủ yếu ở khu vực Đồng bằng sông Hồng. Một số địa phương mặc dù nồng độ trung bình thấp hơn quy chuẩn song lại có những khu vực có nồng độ PM2.5 rất cao. Chất lượng không khí bị ảnh hưởng bởi các nguồn thải tại địa phương (đốt phụ phẩm nông nghiệp, đun nấu dân sinh, giao thông đường bộ,…) và tác động bên ngoài, yếu tố khí tượng.

Tại Hội thảo, các diễn giả đã thảo luận và làm rõ một số nội dung còn nhiều tranh luận như: tác động ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng, nhất là trẻ em; quy chuẩn đánh giá ô nhiễm môi trường; sự tham gia của địa phương trong phương pháp hành động tập thể và vai trò của doanh nghiệp trong giảm thiểu ô nhiễm không khí cũng như tính minh bạch thông tin môi trường. Các đại biểu cho rằng cần hoàn thiện, minh bạch hệ thống thông tin và dữ liệu môi trường, đồng thời xác định nguồn thải cụ thể và đề xuất phương pháp giảm thải để nâng cao chất lượng không khí, góp phần thực hiện dự án hiệu quả.

Thùy Dung

Nguồn: