Cháy rừng “chủ động” lưu giữ phát thải carbon trong đất

Việc trồng thêm cây và dập tắt các đám cháy trong tự nhiên chưa hẳn đã là biện pháp tốt nhất để tối ưu hóa khả năng lưu trữ carbon của hệ sinh thái. Mới đây, một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Nature Geoscience đã cho thấy, việc chủ động tạo ra đám cháy một cách có kiểm soát thực sự có thể giúp lưu giữ hoặc tăng lượng carbon trong đất ở các khu rừng ôn đới, đồng cỏ và xavan.

Việc chủ động tạo ra đám cháy một cách có kiểm soát thực sự có thể giúp lưu giữ hoặc tăng lượng carbon trong đất ở các khu rừng ôn đới, đồng cỏ và xavan. (Ảnh: Adam Pellegrini)

Phát hiện này đã cho thấy tính khả thi của một phương pháp mới trong việc điều chỉnh khả năng thu nhận và lưu trữ carbon tự nhiên, đồng thời có thể giúp duy trì các chu trình của hệ sinh thái.

“Việc chủ động tạo ra các đám cháy rừng một cách có kiểm soát để giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của các vụ cháy rừng trong tương lai là một phương pháp đã tương đối nổi tiếng. Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới, chúng tôi phát hiện ra rằng các đám cháy ở khu vực rừng ôn đới, xavan và đồng cỏ có thể giúp giữ ổn định và thậm chí là làm tăng lượng carbon trong đất”, tiến sỹ Adam Pellegrini ở khoa Khoa học Thực vật của Đại học Cambridge, tác giả thứ nhất của nghiên cứu, cho biết.

“Hầu hết các đám cháy trong hệ sinh thái tự nhiên trên toàn thế giới đều là các đám cháy được kiểm soát, do đó chúng ta nên xem đó là một cơ hội và tìm ra cách vận dụng để tối đa hóa lượng carbon lưu trữ trong đất”, ông nói thêm.

Nghiên cứu mới của nhóm tập trung vào lượng carbon được lưu trữ trong lớp đất mặt – lớp đất không sâu quá 30cm.

Chúng ta đã biết, các đám cháy sẽ thiêu rụi lớp phủ thực vật và các lớp hữu cơ ở trong đất. Khi các đám cháy xảy ra quá thường xuyên hoặc quá dữ dội – giống như các vụ cháy ở những khu rừng được trồng dày đặc – chúng sẽ đốt cháy tất cả các vật liệu từ thực vật mà đáng nhẽ ra sẽ phân hủy và giải phóng carbon vào đất. Các vụ cháy lớn và nghiêm trọng cũng có thể làm đất mất đi sự ổn định, lấy đi các chất hữu cơ gốc carbon khỏi các khoáng chất, làm xói mòn và rửa trôi carbon, đồng thời tiêu diệt vi khuẩn và nấm có trong đất. Sẽ phải mất hàng năm hoặc thậm chí là hàng thập kỷ để đất có thể tích tụ lại được lượng carbon đã mất.

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, cháy rừng cũng có thể khiến cho đất biến đổi và có khả năng bù đắp lại lượng carbon vừa thất thoát, đồng thời giúp ổn định lượng carbon của hệ sinh thái theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, các đám cháy nhẹ hơn và ít thường xuyên hơn có thể làm tăng khả năng giữ carbon trong đất thông qua việc tạo ra than củi – chất có khả năng chống phân hủy rất tốt, và tạo thành tập hợp các khối đất để bảo vệ các chất hữu cơ giàu carbon ở bên trong. Đám cháy cũng có thể làm tăng lượng carbon liên kết chặt chẽ với các khoáng chất trong đất.

“Khi các đám cháy diễn ra với mức độ và tần suất phù hợp, hệ sinh thái có thể lưu trữ được một lượng lớn carbon. Điều quan trọng ở đây là sự cân bằng giữa lượng carbon đi vào trong đất từ sinh khối, và lượng carbon thoát ra khỏi đất từ các quá trình phân hủy, xói mòn và rửa trôi”, Pellegrini cho biết.

Theo các nhà khoa học, chúng ta có thể kiểm soát hệ sinh thái để tăng lượng carbon lưu trữ trong đất. Phần lớn carbon trong các đồng cỏ được lưu trữ ở dưới mặt đất, trong rễ của cây. Do đó, các đám cháy có kiểm soát sẽ khuyến khích cỏ phát triển, làm tăng sinh khối rễ và từ đó giúp tăng lượng carbon được lưu trữ.

“Khi nói đến cách thức quản lý hệ sinh thái để thu giữ và lưu trữ carbon từ khí quyển, thì các đám cháy thường bị xem là một yếu tố tiêu cực. Chúng tôi hy vọng rằng qua nghiên cứu mới, mọi người sẽ thấy hỏa hoạn trong tự nhiên cũng có thể đem lại lợi ích – cả trong việc duy trì đa dạng sinh học và lưu trữ carbon”, Pellegrini nói.

Nguồn: https://phys.org/news/2021-12-natural-environments-offset-carbon-emissions.html