Huấn luyện viên lặn biển dành cả thanh xuân để nhặt rác ở đáy đại dương

Huấn luyện viên lặn biển Nguyễn Văn Đức mới chỉ 38 tuổi nhưng đã dành cả 15 năm thanh xuân đi nhặt rác ở đáy đại dương.

Chứng kiến cảnh nhiều rạn san hô, sinh vật biển bị “bức tử” bởi rác thải, hơn 17 năm qua, anh Nguyễn Văn Đức (38 tuổi, huấn luyện viên lặn biển ở TP Nha Trang, Khánh Hòa) đã khởi xướng hoạt động nhặt rác dưới đáy đại dương. Hành động ý nghĩa của anh dần lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng, đồng hành của nhiều bạn trẻ.

Những người bạn mới

Đam mê khám phá sự mênh mông của đại dương từ nhỏ, đến tuổi vào giảng đường, anh Đức chọn Trường Đại học Thủy sản Nha Trang làm nơi chắp cánh ước mơ, để được thoả sức ngắm nhìn bức tranh sống động của biển cả.

Anh Nguyễn Văn Đức.

Mới chỉ 38 tuổi nhưng anh Đức đã có 15 năm làm nghề lặn biển nhặt rác. Mỗi lần lặn xuống nước, anh Đức luôn mang theo thiết bị quay để ghi lại đời sống dưới đáy đại dương. Quà tặng sau mỗi lần lặn biển là những bức ảnh từ cuộc sống dưới đáy đại dương – nơi không phải ai cũng có thể nhìn thấy.

Từ rạn san hô đến đàn cá cùng bao sinh vật biển khác như những “người bạn” của anh Đức. Đó có thể là một con cá mao ếch giỏi ngụy trang, một con cá bọ cạp sặc sỡ hay một con cá chình quen bọt khí của anh Đức và đồng nghiệp, thường bơi ra khỏi hang để “chào hỏi” nhóm lặn của các anh.

“Trong quá trình nhặt rác ở đáy đại dương, có những chú cá nhận ra tôi, nó bơi lại để được tôi vuốt ve, nó thích lắm”, anh Đức hào hứng chia sẻ.

Anh Đức vui đùa cùng những người bạn đặc biệt ở đáy đại dương. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Bên cạnh những bức ảnh thể hiện hệ động thực vật phong phú, rực rỡ dưới đáy đại dương còn có nhiều góc xám màu của biển cả được anh Đức ghi lại, khiến người xem phải xót xa bởi môi trường biển đang dần bị hủy hoại.

“Tôi bị ám ảnh lúcnhìn lại những bức ảnh ghi lại sự chết chóc nơi đáy biển do rác thải nhựa, có những đêm mất ngủ. Cảm giác môi trường bị tổn thương quá nhiều do con người gây ra làm tôi đau đớn lắm”, anh Đức chia sẻ.

Những bức hình ghi lại mảnh bao nilon kẹt giữa rạn san hô, những mớ lưới rối tung khiến cá, rùa mắc kẹt không thể thoát ra được và chết dần. Từ đó, ý tưởng nhặt rác dưới đáy biển của anh Đức được bắt đầu.

(Ảnh nhân vật cung cấp)

“Ban đầu, việc nhặt rác của mình là tự phát. Khi thấy rác, mình chủ động nhặt bỏ vô túi hoặc khi đang trên tàu, nhìn thấy nhựa trôi nổi trên mặt nước thì mình nhảy xuống nhặt. Nhưng dần dần mình… nghiện nhặt rác lúc nào không hay”, anh Đức nói.

Lan tỏa được hành động ý nghĩa

Những ngày đầu nhặt rác dưới đáy đại dương, nhiều người nói anh Đức là “làm màu”, nhưng mưa dầm thấm lâu, hành động ý nghĩa đó đã, đang dần lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng, đồng hành của nhiều bạn trẻ có khả năng bơi lội.

Đến nay, học viên tham gia khóa học của anh Đức đã có hơn 500 người và phần lớn đều thường xuyên cùng anh Đức đi nhặt rác dưới biển.

Nhiều loài cá bị chết mòn bởi “lưới ma”.

Anh Đức cho biết thêm, trong mỗi khóa học, anh cũng đưa hoạt động ý nghĩa này vào bài giảng. Sau khi hoàn tất kỹ năng cho học viên, anh tổ chức hoạt động nhặt rác dưới biển để mọi người nhìn thấy thực tế, cùng hành động, đưa ra các thông điệp bảo vệ môi trường biển.

“Không có cách tuyên truyền nào hiệu quả hơn việc xắn tay lên và dọn rác. Sẽ hạnh phúc biết bao khi quay lại vùng biển mình đã từng lặn, quan sát thấy rạn san hô và cư dân biển nơi này có ít nhiều thay đổi, chỗ này lớn lên, chỗ kia thêm kỳ ảo. Và cũng đớn đau biết bao khi phát hiện những rạn san hô bị biến mất hoặc bị rác quấn chặt”, anh Đức nói.

Không chỉ lan tỏa cho những học viên, việc làm ý nghĩa của anh Đức đã nhận được sự đồng hành của nhiều bạn trẻ. Mỗi người mỗi việc cùng chung tay làm sạch biển như lặn nhặt rác, thu gom rác tới việc ở trên tàu hỗ trợ mọi người đưa rác lên hay tham gia vận động gia đình, hàng xóm không vứt rác thải bừa bãi ra biển.

Ban đầu, hoạt động nhặt rác đáy biển của anh Đức chỉ được thực hiện quanh Khu bảo tồn biển Hòn Mun (TP Nha Trang, Khánh Hòa) thì nay đã được mở rộng ra các vùng biển của Phú Quốc, Hội An, Côn Đảo…

Những tấm lưới ma được anh Đức và học viên đưa lên bờ, giải cứu cho những rạn san hô.

Theo anh Đức, lặn và nhặt rác dưới đáy biển vất vả gấp mấy chục lần nhặt trên bờ nhưng bù lại, khi ở dưới lòng đại dương được ngắm san hô cùng nhiều sinh vật biển khác vô cùng thú vị. Hay mỗi khi cắt xong mớ dây dính vào “rừng nguyên sinh” dưới biển, nhìn thấy cả đàn cá sum vầy, cảm giác mệt nhọc được xua tan.

“Mục đích của tôi là giúp cộng đồng nhận thức được rác thải ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sức khỏe của chúng ta, của những sinh vật đang sinh sống ở đáy biển”, anh Đức nói.