Bộ TN&MT phê duyệt đóng cửa một phần mỏ than Phấn Mễ

Bộ TN&MT vừa ban hành Quyết định đóng cửa một phần mỏ than Phấn Mễ để bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.

Nhiều vết nứt trên bề mặt bãi thải số 3, mỏ than Phấn Mễ, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Ảnh chụp năm 2020)

Theo đó, Bộ TN&MT phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản (thời hạn 1 năm) khu vực khai thác than mỡ bằng phương pháp lộ thiên mỏ Bắc Làng Cẩm (khu Âm Hồn), xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (Đề án) theo Quyết định giao mỏ số 17/TTg ngày 10/1/1979 của Thủ tướng Chính phủ cho Công ty Gang thép Thái Nguyên (nay là Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên) do Công ty Cổ phần Tư vấn và Hoạt động khoáng sản Geminco thành lập.

Mục đích đóng cửa mỏ nhằm bảo vệ tài nguyên, khoáng sản thuộc phần diện tích chưa khai thác (dưới mức -230m); thanh lý tài nguyên thuộc phần diện tích đã khai thác hết trữ lượng (đến thời điểm đóng cửa mỏ); bàn giao diện tích đất khu vực đóng cửa mỏ khoáng sản cho UBND tỉnh Thái Nguyên quản lý theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan; cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai khu vực đã khai thác.

Diện tích khu vực đóng cửa mỏ là 185,83 ha, trong đó, diện tích moong khai thác là 92,65 ha; diện tích bãi thải 3 là 93,18 ha. Khối lượng đóng cửa mỏ thực hiện theo Đề án đã được Hội đồng thẩm định Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và thông qua.

Theo Quyết định, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên có trách nhiệm thực hiện đầy đủ khối lượng của từng hạng mục công việc theo tiến độ Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản đã phê duyệt và nêu trong Quyết định này; bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ môi trường, thực hiện đầy đủ công tác quan trắc môi trường trong quá trình thực hiện Đề án theo quy định của pháp luật liên quan.

Đồng thời, quản lý, bảo vệ trữ lượng, tài nguyên than mỡ còn lại (dưới mức -230m) chưa được huy động vào khai thác trong phạm vi ranh giới khu vực khai thác đã được cấp phép; nghiêm cấm việc huy động trữ lượng, tài nguyên nêu trên vào khai thác; thu hồi, quản lý, sử dụng khối lượng than mỡ nằm xen kẹp trong đất, đá trong quá trình san gạt, cải tạo các tuyến đường và các hạng mục thi công Đề án, thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan theo quy định của pháp luật.

Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên cũng có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản gửi Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam khi hoàn thành toàn bộ khối lượng của Đề án và khối lượng than mỡ được thu hồi (nếu có), quản lý và sử dụng để tổ chức kiểm tra, nghiệm thu kết quả thực hiện Đề án theo quy định.

Ngoài ra, thực hiện thủ tục đề nghị đóng cửa mỏ khoáng sản khu vực khai thác than mỡ Bắc Làng Cẩm (khu Âm Hồn) sau khi kết quả thực hiện Đề án đã được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam kiểm tra, nghiệm thu theo quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các nội dung trong Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản.

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tổng cục Môi trường, các cơ quan có liên quan của UBND tỉnh Thái Nguyên để kiểm tra, nghiệm thu kết quả thực hiện Đề án; xác nhận hoàn trả tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật về khoáng sản, pháp luật về bảo vệ môi trường sau khi Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên hoàn thành Đề án theo quy định của pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các cơ quan có liên quan của tỉnh giám sát quá trình thực hiện công tác đóng cửa mỏ và giám sát việc thu hồi khối lượng than mỡ nằm xen kẹp trong đất, đá trong quá trình san gạt, cải tạo các tuyến hào và các hạng mục thi công Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản; kịp thời ngăn chặn và xử lý nếu có hiện tượng khai thác, thu hồi và huy động khối lượng than mỡ còn lại (dưới mức -230m) trong khu vực đóng cửa mỏ; giải quyết các thủ tục có liên quan để công tác đóng cửa mỏ thực hiện đúng khối lượng và tiến độ của Đề án.