Ngồi tù, bị phạt tiền khi ngược đãi, hành hạ động vật

Nhiều quốc gia có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi bạo lực, lạm dụng động vật. Tuy nhiên, một số khác hiện chưa có hoặc vẫn trong quy trình làm luật.

Sự việc chú mèo bị tẩm dầu hỏa, thiêu sống ở quận Đống Đa (Hà Nội) hôm 27/10 đã gây nên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng.

Nhiều người không khỏi xót xa khi thấy tình trạng bị tổn thương cả thể chất và tinh thần của chú mèo, đồng thời lên án mạnh mẽ hành vi tàn ác của hung thủ. Họ cũng yêu cầu luật pháp can thiệp và đưa ra hình phạt nghiêm khắc nhằm cảnh cáo những kẻ ngược đãi động vật khác.

Chú mèo ở Hà Nội sau khi được cứu khỏi đám lửa. Ảnh: Trạm cứu hộ chó mèo Hà Nội.

Những sự vụ tương tự đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Theo Hội Nhân đạo Quốc tế (HSI), số lượng lớn động vật bị đối xử tàn nhẫn được công khai vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nhiều trường hợp khác không bao giờ được đem ra ánh sáng.

Chỉ tính riêng tại Mỹ, hơn 10 triệu động vật bị ngược đãi đến chết mỗi năm. Trung bình mỗi phút sẽ có một con vật bị lạm dụng, theo Tổ chức Bảo vệ Quyền lợi Động vật (PETA).

Khác với tội phạm chống lại con người, các trường hợp bạo hành động vật không được chú trọng ở tất cả quốc gia, khu vực. Hơn 70 khu vực pháp lý trên thế giới có luật chống đối xử tàn nhẫn với động vật. Song, một số khác hiện chưa có hoặc vẫn đang trong quy trình làm luật.

Chưa có chế tài xử phạt

Tháng 10/2020, tại thành phố Thái Nguyên (tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc), một người đàn ông đã dội nước sôi lên con mèo trong lồng. Dù nhanh chóng được đưa đến thú y, con mèo và 4 đứa con trong bụng không qua khỏi, theo SCMP.

Tuy nhiên, thủ phạm chỉ bị đuổi việc do Trung Quốc chưa có luật chống bạo hành, ngược đãi động vật.

Trước đó, vào năm 2017, một người phụ nữ có tên He Hengli đã bắt cóc một chú chó và tống tiền chủ nhân của nó.

Sau khi cuộc đàm phán đi vào bế tắc, người chủ cùng cảnh sát đến tận căn hộ của He để giải cứu vật nuôi. Song, cô ta đã ném chú chó từ tầng 6 xuống đất, khiến con vật tử vong.

Tuy nhiên, cảnh sát Trung Quốc cho biết họ không thể truy cứu trách nhiệm thủ phạm vì không có luật hiện hành.

Một con mèo cưng được mặc trang phục cầu kỳ ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Trường hợp thương tâm khác xảy ra tại thành phố cảng Busan (Hàn Quốc) vào năm 2018. Chú chó Jin-hui bị chôn sống, và thủ phạm không phải chịu hình phạt nào. May mắn thay, chú chó được kịp thời cứu chữa.

“Người chủ cũ bực mình và bảo con cái chôn sống Jin-hui đi. Người này không bị trừng phạt vì chú chó được công nhận là vật thuộc sở hữu của ông ta. Rõ ràng động vật không phải vật dụng vô tri vô giác”, Kim Gea-yeung (55 tuổi), quản lý của trạm cứu hộ động vật, nói với Reuters.

Tuy nhiên, những kẻ ngược đãi, bỏ rơi động vật ở Hàn Quốc sẽ sớm phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc bởi xứ kim chi đang lên kế hoạch sửa đổi bộ luật dân sự nhằm cấp quyền cho động vật, theo chia sẻ của cố vấn pháp lý của Bộ Tư pháp Choung Jae-min.

Việc sửa đổi sẽ đưa Hàn Quốc trở thành một trong số ít các quốc gia công nhận động vật là sinh vật, có quyền được bảo vệ, nâng cao phúc lợi và tôn trọng sự sống.

Luật bảo vệ động vật hiện hành của Hàn Quốc quy định rằng bất kỳ ai ngược đãi hoặc đối xử tàn nhẫn với động vật có thể phải ngồi tù tối đa 3 năm, hoặc nộp phạt 30 triệu won (25.494 USD).

Tuy nhiên, các yếu tố để quyết định hình phạt còn mơ hồ vì động vật được coi là vật sở hữu, ông Choung cho biết. Một khi Đạo luật Dân sự tuyên bố động vật không còn là vật dụng, các thẩm phán và công tố viên có nhiều lựa chọn hơn khi xác định mức án.

Jin-hui, chú chó bị chủ cũ nhẫn tâm chôn sống, hiện sống tại trạm cứu hộ của bà Kim. Ảnh: Reuters.

Ngồi tù, phạt tiền

Mặt khác, một số quốc gia có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với những hành vi lạm dụng, hành hạ động vật.

Áo nằm trong số những quốc gia tốt nhất cho động vật, theo Hiệp hội Bảo vệ Động vật Thế giới (WAP). Đạo luật Phúc lợi Động vật năm 2004 của nước này đề xuất rằng việc bảo vệ và chăm sóc động vật nên được coi có giá trị ngang bằng với loài người.

Luật chống đối xử tàn nhẫn với động vật của Áo cấm chủ sở hữu cắt tai hoặc đuôi của chó cưng, buộc người nông dân không được nuôi nhốt gà, đồng thời đảm bảo chó con và mèo con không bị ngột ngạt ở cửa hàng vật nuôi. Những cá nhân vi phạm sẽ bị phạt từ 2.420-18.160 USD và bị thu giữ vật nuôi.

Năm 1992, Thụy Sĩ trở thành quốc gia đầu tiên công nhận động vật theo hiến pháp, với điều khoản đảm bảo sự bảo vệ “phẩm giá của sinh vật”.

Luật pháp nghiêm cấm các hoạt động bị coi là hạ thấp phẩm giá động vật, chẳng hạn cấm chó sủa. Ngoài ra, chủ sở hữu được yêu cầu tham gia các lớp dạy cách chăm sóc vật nuôi của họ.

Một số động vật được giải cứu khỏi trang trại của Bennett. Ảnh: Telegraph.

Tại Vương quốc Anh, Luật Phúc lợi Động vật quy định mức phạt nghiêm khắc đối với hành vi ngược đãi, cẩu thả đối với động vật. Các hình phạt bao gồm cấm sở hữu vật nuôi suốt đời, án tù tối đa 51 tuần và tiền phạt lên đến 27.313 USD.

Tháng 10, Geoffrey Bennett (68 tuổi, Anh) nhận mức án tù 19 tuần và bị tước quyền sở hữu động vật suốt đời sau khi thừa nhận một loạt tội ngược đãi động vật, theo Telegraph.

Tổng số 204 con vật được cảnh sát giải thoát khỏi trang trại của Bennett, bao gồm chó, mèo, dê, ngựa… Tất cả đều trong trạng thái ốm yếu, kiệt quệ, bị bỏ đói trong môi trường ô uế, tạm bợ. Hơn 20 con vật không qua khỏi dù được tích cực chữa trị.

Trước tòa, Bennett thừa nhận đã không cung cấp đủ thức ăn bổ dưỡng cho động vật và không tìm cách chữa trị khi chúng mắc bệnh.

Án tù cũng được áp dụng tại Hong Kong (Trung Quốc). Những người bị phát hiện vi phạm Luật Phúc lợi Động vật, bao gồm lạm dụng, bỏ mặc, đánh đập và vận chuyển không phù hợp, sẽ phải chịu phạt 200.000 HKD (25.700 USD) và phạt tù 3 năm.