Buôn bán ĐVHD bền vững góp phần ứng phó biến đổi khí hậu

Trong khi các nhà lãnh đạo thế giới chuẩn bị bước vào các cuộc đàm phán cấp cao tại COP26, TRAFFIC kêu gọi các chính phủ công nhận đóng góp quan trọng mà buôn bán động vật hoang dã bền vững có thể góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

Biến đổi khí hậu là mối đe dọa hiện hữu nhất đối với con người và thiên nhiên hiện nay. Tần suất ngày càng tăng của các cơn bão cực đoan, lũ lụt, hạn hán và cháy rừng là những cảnh báo ảm đạm về những gì chúng ta phải đối mặt nếu cộng đồng toàn cầu không hành động khẩn thiết. Cùng với đó, biến đổi khí hậu cũng đe dọa nghiêm trọng đến sinh kế và nền kinh tế toàn cầu, nhất là các cộng đồng dễ bị tổn thương và các nhóm yếu thế.

“Thúc đẩy buôn bán động vật hoang dã hợp pháp và bền vững cũng như giải quyết việc sử dụng tài nguyên bất hợp pháp và không bền vững có thể giúp các quốc gia chuyển đổi sang các nền kinh tế xanh, có khả năng phục hồi, mang lại lợi nhuận kinh tế và môi trường tích cực. Bên cạnh đó, những nỗ lực này cũng sẽ giúp bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái rừng và đại dương vốn là những bể chứa carbon cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và mang lại những lợi ích cần thiết cho con người trong cuộc chiến với những thách thức chưa từng có mà thế giới đang phải đối mặt”, Giám đốc điều hành TRAFFIC Richard Scobey cho biết.

Tê tê bảo vệ phần bụng mềm bằng cách cuộn tròn người lại, nhưng tập tính này khiến chúng là mồi ngon cho thợ săn. Ảnh: African Pangolin Working Group.

Rừng đóng một vai trò quan trọng trong việc loại bỏ carbon từ không khí. Bảo vệ rừng là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu khí hậu. Bên cạnh các hoạt động chống buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, TRAFFIC cũng hỗ trợ các nỗ lực giải quyết nạn phá rừng – nguyên nhân thứ hai gây phát thải carbon góp phần vào biến đổi khí hậu – thông qua việc chống khai thác gỗ trái phép và khai thác gỗ quá mức.

Những nỗ lực của chỉ một ngành không thể giải quyết hiệu quả các mối đe dọa toàn cầu do biến đổi khí hậu gây ra. Hợp tác liên ngành và quan hệ đối tác toàn cầu là điều cần thiết để thúc đẩy hành động chung trong các lĩnh vực khoa học khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, bảo tồn thiên nhiên và buôn bán động vật hoang dã hợp pháp, bền vững, TRAFFIC nhấn mạnh.

Ngay khi COP26 khai mạc vào ngày 31/10/2021 tại thành phố Glasgow, Anh, ngày 1/11/2021, WWF cũng ra thông cáo kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hãy biến cam kết của quốc gia thành hành động và hoàn thành các quy tắc để đẩy nhanh quá trình thực thi các cam kết quốc gia. Hiện cam kết của các quốc gia vẫn còn quá xa để đạt được mục tiêu Thỏa thuận Paris.

Chương trình Khí hậu của Liên hợp quốc vừa công bố bản báo cáo tổng hợp Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (UNFCCC NDC Synthesis Report), trong đó cảnh báo đến năm 2030 lượng phát thải khí nhà kính sẽ tăng 16% so với mức phát thải năm 2010, trong khi để hạn chế nhiệt độ tăng trên 1,5°C, thế giới phải cắt giảm 50% lượng phát thải vào năm 2030. Điều nay cho thấy các quốc gia phát thải lớn phải khẩn trương hành động nhiều hơn.

Với Việt Nam, tháng 9/2020, Việt Nam đệ trình bản Đóng góp do Quốc gia tự Quyết định (NDC), trong đó đặt mục tiêu giảm 9% lượng phát thải vào năm 2030 so với mức phát thải năm 2014 và giảm 27% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế. COP26 sẽ là cơ hội để Việt Nam thể hiện vai trò tiên phong trong việc thực thi các cam kết về khí hậu.