Hơn 30 đại diện của Chi cục Kiểm lâm, Hạt kiểm lâm cấp huyện, Chi cục Chăn nuôi Thú y, Trạm Chăn nuôi Thú y cấp huyện thuộc tỉnh Đồng Nai, Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên tại tỉnh Đồng Nai đã tham gia tập huấn “Quy trình báo cáo ca mắc bệnh trên các loài động vật hoang dã (ĐVHD)” diễn ra trong 2 ngày 15, 16 tháng 8 năm 2019, nhằm nâng cao năng lực trong giám sát, báo cáo ca bệnh, chết trên các loài ĐVHD nuôi nhốt tại trang trại và quần thể ngoài tự nhiên cho các lực lượng.
Thời gian gần đây, các bệnh dịch truyền nhiễm trên ĐVHD xuất hiện ngày càng nhiều, gây ra thiệt hại cả về người và tiền của cho người chăn nuôi. Đại dịch SARS năm 2003-2004 truyền lây từ loài cầy, đã gây thương vong cho hơn 8.000 người và thiệt hại 32 tỷ đôla trên toàn thế giới; hay dịch Ebola có nguồn gốc từ linh trưởng đã gây ra nhiều tổn thất cho nhiều nước có liên quan.
Thêm vào đó, các bệnh dịch từ động vật nuôi thông thường (như gà, bò, lợn…) cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho các quần thể ĐVHD ngoài tự nhiên và tại các trang trại, ví dụ như bệnh do vi-rút Care thường thấy trên các cá thể chó nuôi trong hộ gia đình đã giết chết nhiều cá thể họ mèo lớn (Sư tử, Hổ, Báo) (Appel et al., 1994), gây thiệt hại cho những trang trại nuôi cầy tại Thái Lan (Techangamsuwan et al., 2014), và ảnh hưởng lớn đến hoạt động chăn nuôi cầy làm cà phê tại Việt Nam.
Gây nuôi ĐVHD ở Đồng Nai nói riêng hiện nay đang phát triển cả số lượng trại nuôi và số loài nuôi, cụ thể “từ 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có trung bình khoảng 1.100 cơ sở gây nuôi ĐVHD, với từ 39-70 loài. Cùng với việc phát triển hoạt động gây nuôi ĐVHD, các dịch bệnh từ ĐVHD gây nguy hiểm đến sức khỏe con người cũng được phát hiện.
Trong năm 2014, Chi cục Kiểm lâm và Chi cục Thú Y đã phối hợp với Tổ chức WCS tổ chức lấy 1.084 mẫu trên 539 cá thể thuộc 04 loài nhím, khỉ, cầy vòi hương, dúi”, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó trưởng phòng, Phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên cho biết.
Do đó, việc phát hiện và thông báo sớm các trường hợp động vật mắc bệnh và chết có ý nghĩa quan trọng trong việc khống chế sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời gia tăng cơ hội điều trị và phục hồi cho các cá thể ốm.
Trong những năm qua, hệ thống báo cáo Thú y của Việt Nam đã chứng tỏ sự nhanh nhạy, kịp thời trong việc xác định sớm, và khống chế hiệu quả dịch bệnh trên các loài động vật nuôi thông thường, ví dụ như Cúm gia cầm, hay Dịch tả lợn châu Phi; tuy nhiên hoạt động này còn một số hạn chế đối với các loài ĐVHD do: (1) chưa có sự quan tâm đúng mực với các dịch bệnh trên các loài hoang dã, (2) chưa có hệ thống thông báo dịch bệnh chung giữa ngành Thú y và Kiểm lâm, và (3) hạn chế trong việc nhận định nguyên nhân gây tử vong ban đầu, là do dịch bệnh hay các yếu tố tự nhiên khác như tai nạn, thú ăn thịt tấn công,…
Nhằm khắc phục những hạn chế đó, WCS Việt Nam đã tổ chức tập huấn cho đại diện các cơ quan quản lý về kỹ năng phát hiện, nhận diện các dấu hiệu của dịch bệnh trên ĐVHD, cũng như các kỹ năng trong việc thu thập, bảo quản mẫu sinh phẩm cho các hoạt động chẩn đoán bệnh. Trong thời gian tới, WCS Việt Nam sẽ từng bước hỗ trợ các cơ quan quản lý xây dựng một hệ thống thông báo các ca bệnh, dịch bệnh trên ĐVHD có sự chia sẻ thông tin giữa hai ngành Thú y và Kiểm lâm.
Trong hai ngày tập huấn, lực lượng Kiểm lâm và Thú y đã đưa ra thực trạng cũng như các thuận lợi, khó khăn trong công tác giám sát bệnh trên ĐVHD. Các đại biểu cho rằng, thời gian tới việc tổ chức các khóa tập huấn chuyên sâu về quản lý, giám sát bệnh trên ĐVHD là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách về công tác quản lý, giám sát bệnh trên ĐVHD cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong đó có ngành Kiểm lâm và Thú y. Cũng thông qua khóa tập huấn, lực lượng Kiểm lâm và Thú y được thực hành về quy trình giám sát để có thể áp dụng khi phát hiện ĐVHD ốm hoặc chết.
Tập huấn lần này nằm trong chương trình tập huấn hàng năm của WCS với sự hỗ trợ của dự án Giám sát dịch bệnh động vật hoang dã do Cơ quan Giảm thiểu đe dọa Quốc phòng Hoa Kỳ tài trợ.