Hai mẹ con tê giác trắng phương Bắc cuối cùng và cuộc chạy đua để cứu giống loài

Các nhà khoa học cho biết một trong hai con tê giác trắng phương Bắc cuối cùng trên thế giới đã được cho “nghỉ hưu” từ chương trình nhân giống nhằm cứu loài này khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Tê giác Najin (trái) và “con gái” Fatu, hai con tê giác trắng phương Bắc cuối cùng, được chăm sóc tại Khu bảo tồn Ol Pejeta ở Công viên Quốc gia Laikipia, Kenya. (Ảnh: Reuters)

Con tê giác vừa được cho “nghỉ hưu” có tên là Najin, 32 tuổi, là mẹ của Fatu, con tê giác cái duy nhất còn lại trong chương trình nhằm cấy các phôi đã phát triển nhân tạo vào một loài tê giác khác ở Kenya.

Hai mẹ con tê giác này hiện sống trong trong khu bảo tồn động vật hoang dã Ol Pejeta rộng 90.000 mẫu Anh ở Kenya. Cả hai đã cung cấp trứng cho dự án, trong khi tinh trùng sử dụng được lấy từ hai con tê giác đực đã chết.

Đây là một dự án hợp tác đa quốc gia gồm các nhà khoa học từ Viện nghiên cứu động vật hoang dã và vườn thú Leibniz của Đức, Cơ quan Động vật hoang dã Kenya, khu bảo tồn Ol Pejeta và phòng thí nghiệm Avantea của Italy.

Không còn con đực nào của loài tê giác trắng phương Bắc còn sống và cả hai con tê giác cái còn lại này đều không còn khả năng sinh sản.

Loài tê giác trắng phương Bắc (thực ra chúng có màu xám) trước kia từng sống hoang dã ở một số quốc gia ở Đông và Trung Phi. Tê giác có rất ít kẻ thù trong tự nhiên, nhưng số lượng của chúng đã suy giảm mạnh do nạn săn bắn trộm để lấy sừng từ những năm 1970.

Biorescue – nhóm các nhà nghiên cứu do Viện Leibniz dẫn đầu đã chạy đua với thời gian để cứu loài động vật có vú có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới này.

“Nhóm nghiên cứu đã đi đến quyết định cho một trong hai con tê giác, Najin 32 tuổi, được “nghỉ” việc cung cấp tế bào trứng”, nhóm Biorescue cho biết trong một tuyên bố và trích dẫn các cân nhắc về đạo đức.

Vấn đề tuổi tác của tê giác mẹ Najin và các dấu hiệu bệnh tật của nó cũng là lý do để nhóm nghiên cứu đưa ra quyết định trên.

Các nhà khoa học hy vọng có thể cấy phôi được tạo ra từ tế bào trứng của đôi tê giác này và tinh trùng đông lạnh từ những con đực đã chết, vào những con tê giác làm nhiệm vụ mang thai hộ.

Kể từ năm 2019, Biorescue đã thu thập được 80 quả trứng từ Najin và Fatu.

“Chúng tôi đã rất thành công với Fatu. Cho đến nay chúng tôi đã có 12 phôi tê giác trắng phương Bắc thuần chủng”, ông David Ndeereh, quyền phó giám đốc tại Viện nghiên cứu và đào tạo động vật hoang dã, một cơ quan nhà nước Kenya, cho biết. “Chúng tôi rất lạc quan rằng dự án sẽ thành công.”

Nhóm nghiên cứu hy vọng họ có thể tạo ra con tê giác trắng con đầu tiên trong vòng 3 năm và sẽ có một đàn tê giác trắng lớn hơn trong hai thập kỷ tới.

Trung Hiếu (Theo Reuters)