Ngày đầu năm Quý Mão, nghe chuyện “nói không” với ngược đãi chó, mèo

Hội An (Quảng Nam) đang được biết đến là thành phố đầu tiên của Việt Nam “nói không” với ngược đãi động vật, “nói không” với tiêu thụ, mua bán chó, mèo. Điều đó đã khiến Hội An đón một Tết Quý Mão thật ý nghĩa, có thêm một lý do yêu thích đối với những du khách yêu động vật, coi vật nuôi như thành viên trong gia đình…

Hội An – Nhân tình thuần hậu

Có thể nói, bắt đầu từ sau năm 1999, Hội An bắt đầu “sống lại”, được người dân, du khách tìm đến nhiều hơn khi được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới. Ai nấy biết về Hội An, đều có chung nhận định, ban đầu có thể du khách đến tham quan vì di sản vật thể. Nhưng về sau, người ta trở lại Hội An du lịch, nghỉ dưỡng… phần lớn vì những giá trị văn hóa phi vật thể. Nói khác đi, những lễ hội, các hoạt động truyền thống, nếp sinh hoạt, ứng xử… và con người Hội An mới chính là điều hấp dẫn du khách. Trở về phố Hội với mái ngói rêu phong nhuốm đèn đường… luôn khiến nhiều người có cảm giác nôn nao, rạo rực là như vậy. Họ luôn nói, Hội An là phố cổ chứ không phải một con phố già nua dù thời gian có trôi đi mười năm, hai mươi năm, hay thậm chí lâu hơn nữa…

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, có những lúc Hội An đã quá tải trong “cơn sốt” du lịch. Sự phát triển “nóng” về lợi nhuận kinh tế, nguồn khách, đôi khi khiến Hội An trở nên nhàm chán, thất vọng với nhiều du khách. Người Hội An ít nhiều trở nên thực dụng hơn, các thông tin và hình ảnh thiếu tích cực về đời sống xã hội trở nên phổ biến hơn và những diễn biến xấu có nguy cơ lấn át sự tử tế trong văn hóa Hội An ngày càng được nhắc đến nhiều hơn.

Hiểu điều “được và mất” đó, Hội An đã nhanh chóng ra đời Đề án “Hội An – Nhân tình thuần hậu”, trọng tâm lấy con người theo phương cách ứng xử bao gồm 4 điểm chính: Ứng xử với bản thân, Ứng xử giữa con người với con người, Ứng xử giữa con người với gia đình, dòng họ, Ứng xử giữa con người với xã hội.

Cho đến nay, sau 4 năm sức lan tỏa và lợi ích của Đề án đã vượt quá hình dung ban đầu của chính những người trực tiếp tham gia triển khai. Không khó để thấy, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn, các khách sạn, các đoàn thể, tổ chức, trường học… đã nhanh chóng chuyển tải các thông điệp tốt đẹp trong ứng xử và để lan tỏa sâu bền trong đời sống một cách tự nhiên như chính nếp xưa nay.

Ngày càng nhiều cơ sở, cửa hàng, doanh nghiệp ở Hội An cùng vận động khách hàng thực hiện “nói không” với túi nilon, ly, ống hút nhựa dùng một lần. Công sở sử dụng chai thủy tinh, hàng quán chỉ bán khi khách mang theo cà-mèn, túi vải hay các phiên chợ sinh thái… là những điều ngày càng dễ dàng bắt gặp khi đến thành phố du lịch Hội An. Không chỉ người dân mà du khách cũng tích cực hưởng ứng phong trào “Một giờ vì Hội An sạch hơn”, lập quỹ “Vì Hội An sạch hơn” nhằm giảm thiểu túi nilon, bảo vệ nguồn nước, môi trường cho phố cổ.

Câu chuyện du khách Diquing Wu (Trung Quốc) đã gửi thư cảm ơn nhân viên Văn phòng hướng dẫn tham quan cùng với người dân, thành viên tổ xích lô ở Hội An đã giúp đỡ ông tìm lại được tư trang cá nhân bị mất như một minh chứng cho một Hội An nhân tình thuần hậu được ghi nhận. Hay như nhiều du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Hội An vẫn còn kịp để níu giữ những nét riêng “đậm chất Hội An”, đặc biệt qua việc chỉ đường. Nhớ lần đầu đến Hội An, không sử dụng bản đồ hay Google map, khách dừng lại quán sinh tố ven đường Nguyễn Trường Tộ nhờ giúp đỡ đã được cô chủ nhiệt tình dẫn đi. Cô còn bảo không biết cứ hỏi người dân Hội An bất kỳ sẽ được chỉ tận tình”.

Tuy nhiên, nguyên Bí thư TP Hội An, ông Nguyễn Sự cho biết, mục tiêu Hội An luôn hướng đến việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, để sự phát triển mang tính bền vững hơn, vốn đã đặt ra từ hàng chục năm trước. Theo ông Sự, chính môi trường tự nhiên khác lạ, con người thuần hậu, chẳng giống nơi nào như Cù Lao Chàm, Hội An… mới là sản phẩm độc đáo để thu hút khách du lịch. Ông đơn cử như người châu Âu, họ không thiếu khu nghỉ dưỡng cao cấp, không thiếu các dịch vụ chăm sóc cá nhân hiện đại, nhưng họ bị hấp dẫn bởi một Việt Nam xinh đẹp, hài hòa với môi trường và con người thân thiện. Đánh mất giá trị này, nếu có cung ứng nhiều resort cao cấp, dịch vụ hiện đại cũng khó thu hút được du khách và điều quan trọng hơn, là sẽ đánh mất chính mình.

Ông Võ Phùng, Nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa -Thể thao & Truyền thanh – Truyền hình TP Hội An chia sẻ thêm, Hội An từ xa xưa đến nay vốn thuần hậu, hội nhập và cởi mở, kín đáo nhưng không khép kín, không vượt quá ngưỡng cho phép. Vì thế, các bộ tiêu chí ứng xử xây dựng trên nguyên tắc hướng đến tất cả cộng đồng cư dân Hội An và cả những người ở nơi khác đến Hội An làm ăn sinh sống và với cả du khách. Vì thế, khi “khách” đến Hội An cũng sẽ hòa nhập, tuân theo những nguyên tắc ứng xử văn hóa của cộng đồng Hội An.

Nói không với nạn buôn bán, tiêu thụ thịt chó, mèo

Tiếp nối câu chuyện xây dựng con người Hội An “nhân tình thuần hậu” và thành phố du lịch thân thiện, Hội An mới đây đã trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam nói không với nạn buôn bán, tiêu thụ thịt chó, mèo. Tại lễ đón những du khách quốc tế đầu tiên “xông đất” ngày đầu năm mới 2023 của chính quyền và người dân TP Hội An, ông Nguyễn Thế Hùng Phó, Chủ tịch UBND TP Hội An chia sẻ, người Hội An chúng tôi vốn thuần hậu, không chỉ bây giờ mà đã từ nhiều năm nay Hội An đã nói không với tiêu thụ, ngược đãi chó, mèo. Chính vì thế, việc “Nói không với tiêu thụ, loại bỏ nạn buôn bán thịt chó, mèo và đưa TP Hội An trở thành điểm đến du lịch xanh” luôn nhận được sự đồng lòng ủng hộ rất lớn của người dân, phù hợp với định hướng xây dựng, phát triển thành phố sinh thái, văn hóa du lịch của chính quyền thành phố.

Là người nước ngoài sinh sống và làm việc tại TP Hội An được nhiều năm, anh Sam Potter (39 tuổi, quốc tịch Anh, chủ nhà hàng ẩm thực Việt tại số 30 Nguyễn Phan Vinh, phường Cẩm Nam, TP Hội An) cảm thấy rất vui mừng, thậm chí luôn kể với những khách hàng, bạn bè, du khách đến thăm quán ẩm thực của mình: “Hội An thật tuyệt vời, Hội An là phố cổ nhưng rất văn minh như những thành phố hiện đại ở nước ngoài”…

Theo Sam Potter, anh sống và làm việc tại Thủ đô Hà Nội hơn 4 năm, sau đó một lần công tác tại TP Hội An, Sam đã trải nghiệm những món ẩm thực Việt đặc trưng xứ Quảng như Cao Lầu, Mỳ Quảng, Bánh tráng đập, Hến xào… rồi yêu thích cả nét sống, con người ở Hội An lúc nào không hay. Thấm thoắt cũng đã là cái Tết thứ 3, Sam Potter ở lại “nhập tịch”, quyết định mở một nhà hàng ẩm thực tại ngay phố cổ.

Sam Potter chia sẻ: “Tôi sinh sống và làm việc tại Việt Nam nhiều năm, thưởng thức nhiều món ẩm thực của Việt Nam, nhưng tôi luôn “rùng mình” mỗi khi đi qua một số con phố ẩm thực thịt chó, mèo. Dù hiểu ăn thịt chó, mèo là văn hóa của các bạn, nhưng tôi hoàn toàn không ủng hộ. Rồi tôi thấy rằng, lựa chọn Hội An để gắn bó khi hay tin TP Hội An – thành phố đầu tiên của Việt Nam “nói không với thịt chó, mèo”, đã cho tôi một cảm giác rất tuyệt vời…”.

Hà Lương – một cô gái quốc tịch Úc (quê gốc Hà Nội), tính đến Tết Quý Mão 2023 này đã có 5 năm cùng chồng – anh Travis Fennell (49 tuổi, quốc tịch Úc) đón cả Tết Tây và Tết cổ truyền tại phổ cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam). “Chúng tôi rất yêu ngày Tết cổ truyền của Việt Nam, mong chờ hơn khi được đón ngày Tết Nguyên đán, được trải nghiệm nét nhân tình thuần hậu cùng người phố Hội. Đặt biệt năm nay, Hội An cũng chính là thành phố đầu tiên của Việt Nam nói không với ngược đãi động vật, nói không với tiêu thụ, mua bán chó, mèo. Điều đó đã khiến Hội An đón một Tết Quý Mão thật ý nghĩa, có thêm một sự lựa chọn yêu thích đến với thành phố đối với những du khách, người nước ngoài yêu động vật, coi vật nuôi như một thành viên trong gia đình như chúng tôi”…

Đó không chỉ là lời tâm sự của vợ chồng Hà Lương – Travis Fennell, mà còn của rất nhiều du khách nước ngoài đến với TP Hội An trong những ngày đầu xuân Quý Mão 2023 này. Không chỉ du khách quốc tế, nhiều du khách Việt, người dân tại phố cổ cũng rất ủng hộ với với cam kết không sử dụng thịt chó, mèo của chính quyền TP Hội An. Chú Võ Hưng Mạnh (SN 1955) và cô Nguyễn Thị Kim Thoa (SN 1959) đều cùng trú tổ 28, thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà, TP Hội An bộc bạch: “Người dân Hội An rất đồng tình khi thành phố tuyên truyền vận động không tiêu thụ chó, mèo. Cam kết này chúng tôi thấy rất đúng vì trên thế giới đa số mọi người đều yêu động vật. Tôi muốn không chỉ Hội An mà nhân rộng nhiều địa phương hơn nữa”.

Cô Thoa cũng bật mí về một trong những địa chỉ “mái ấm của những chú mèo bị bỏ rơi” hiện rất hút khách du khách châu Âu, du khách Hàn Quốc khi đến Hội An – quán cafe độc đáo Jack’s Cat Cafe Hội An (đường Lê Hồng Phong, Hội An). Thời gian gần dây, quán tạm dừng phục vụ để tôn tạo, nâng cấp. Nhưng Jack’s Cat Cafe Hội An từ lâu như một địa chỉ cứu hộ mèo thuộc Vietnam Cat Welfare và là ngôi nhà chung của hơn 70 chú mèo với những cái tên cá tính đáng yêu khác nhau.

Đáng chú ý, một chủ kinh doanh thịt chó, mèo, ông Nguyễn Văn Thành (trú phường Cẩm Châu, TP Hội An) cũng quyết định đóng cửa tiệm, chuyển đổi ngành nghề ủng hộ chủ trương của thành phố. Ông Thành mở quán từ năm 2003, là nguồn thu nhập chính của gia đình nhưng nay trở thành hội viên tích cực vận động các điểm, quán kinh doanh nói không với tiêu thụ thịt chó, mèo ở phố Hội. Ông Thành cũng mong rằng, sau tiên phong của Hội An, các địa phương khác trên cả nước sẽ nối tiếp và lan tỏa thông điệp “Những thành phố thân thiện, không tiêu thụ thịt chó, mèo” để tạo nên một đặc trưng riêng của du lịch của Việt Nam như một điểm đến an toàn, thân thiện và hiện đại thu hút du khách nước ngoài.