Quyết liệt bảo vệ chim trời khỏi bị “tận diệt”

Liên quan đến bài viết “giăng lưới “tàng hình” tận diệt chim trời”, chính quyền và lực lượng chức năng tại Quảng Bình cho biết, đã có các biện pháp nhằm ngăn chặn việc bẫy, bắt, mua bán, tiêu thụ các loại chim tự nhiên.

Ngày 24.10, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình khẳng định, tình trạng săn, bắn, bẫy, bắt động vật hoang dã một số nơi vẫn còn xảy ra. Đặc biệt vào mùa mưa bão việc bẫy bắt các loài chim hoang dã diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và suy giảm đa dạng sinh học.

Lực lượng chức năng đốt cò giả ở đồng để bẫy chim trời. Ảnh: CTV

Vì vậy, để tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động vật rừng và các loài chim hoang dã, di cư, Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm các địa phương thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương tổ chức kiểm tra tình trạng săn, bắt, mua, bán, nuôi nhốt, sử dụng, trưng bày, quảng cáo, vận chuyển, sử dụng trái pháp luật các loài động vật rừng và chim hoang dã để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Hàng ngàn bẫy chim được phát hiện, xử lý. Ảnh: CTV

Đồng thời, Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tham mưu UBND cấp xã tổ chức kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi sử dụng dụng cụ, lưới bắt chim để săn, bắn, bẫy, bắt, vận chuyển, mua bán trái phép các loài chim bản địa, chim di cư hoang dã và thu gom các dụng cụ nói trên tại các khu rừng, đồng ruộng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới chấm dứt tình trạng trên.

Theo đó, những ngày qua lực lượng chức năng tại các địa phương trong tỉnh Quảng Bình đã tiến hành kiểm tra và tháo gỡ hơn 50.000 bẫy chim trời, hàng ngàn mét lưới “tàng hình” trên các đồng ruộng cùng hàng ngàn con cò giả được dùng để bẫy chim, cò…

Lực lượng chức năng tại Quảng Bình đang phối hợp xử lý việc “tận diệt chim trời“. Ảnh: CTV

Trước đó, báo Lao Động đã có bài phản ánh “giăng lưới “tàng hình” tận diệt chim trời”. Phản ánh về việc tại một số địa phương ở Quảng Bình, hàng năm đến hẹn lại lên, cứ vào tầm tháng 8-9-10, sau khi người nông dân đã thu hoạch lúa xong, trời bắt đầu có những cơn mưa lớn cũng chính là thời gian thích hợp để các thợ săn chim đi săn, “tận diệt” chim trời.