Nước rút, lũ lụt vẫn tiếp tục gây thương vong tại miền Trung

Đến thời điểm hiện tại, đã có 5 người bị thiệt mạng, 2 người bị mất tích do lũ lụt tại miền Trung.

Mưa lớn gây lũ lụt tại Quảng Nam. Ảnh: PCTT

Sáng 20.10, tại cuộc họp triển khai và rút kinh nghiệm về ứng phó với thiên tai do Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống thiên tai tổ chức, ông  Lê Quang Tuấn – Trưởng ca trực (Tổng cục Phòng, Chống thiên tai) cho biết: Thêm 1 người bị thiệt mạng do mưa lớn gây lũ lụt tại miền Trung, tăng 1 người so với ngày 19.10. 5 người thiệt hại thuộc các tỉnh: Nghệ An: 2 người; tại Hòa Bình: 1 người; tại Quảng Bình: 2 người.

Ngoài số người bị thiệt mạng, hiện nay có 2 người vẫn đang mất tích (Quảng Bình: 1; Quảng Trị: 1).

Mưa lớn gây lũ lụt đã khiến 121 căn nhà tại miền Trung bị hư hỏng, tốc mái (Quảng Bình: 5; Quảng Trị: 24; Đà Nẵng: 1; Quảng Nam: 63; Kon Tum: 28).

Về giao thông, các tuyến quốc lộ 1, đường sắt Bắc Nam và đường Hồ Chí Minh đã thông xe; còn 12 vị trí quốc lộ và tỉnh lộ còn ách tắc: (Quảng Bình: 1, Quảng Nam: 10, Thanh Hóa: 1), giảm 59 vị trí so với báo cáo ngày 18.10. Hiện chính quyền địa phương phối hợp với ngành giao thông đã lập rào chắn, điều tiết giao thông và tổ chức khắc phục sự cố.

Về nông nghiệp, có 2.004 ha lúa và 516ha diện tích hoa màu, 33ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, hư hại.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, Chống thiên tai, hiện nay, lũ sông Kiến Giang (Quảng Bình) tại Lệ Thủy lúc 6 giờ ngày 20.10 là 2,19m (dưới dưới báo động 2 là 0,01m); trên sông Bồ (Thừa Thiên Huế) tại Phú Ốc lúc 6 giờ ngày 20.10 là 2,58m (dưới báo động 2 là 0,42m). Các sông khác từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Tây Nguyên tiếp tục xuống và đang ở dưới báo động 1.

Tính đến thời điểm hiện tại, nước đã rút hết, không còn địa phương nào bị ngập, toàn bộ người dân sơ tán đã trở về nhà. Tuy nhiên, các địa phương vẫn không được lơ là, cần chủ động ứng phó với các tình huống nguy hiểm như lũ quét, sạt lở đất do hiện nay địa hình tại nhiều khu vực, đặc biệt là khu vực miền núi tầng địa chất đã bị “no” nước, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét là rất lớn.

Theo Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống thiên tai – ông Vũ Xuân Thành, các ca trực cần tiếp tục theo dõi thông tin, thông báo kịp thời đến người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh; tiếp tục xử lý thông các tuyến đường; khắc phục công trình đê điều, hồ đập, thủy lợi bị hư hỏng do mưa lũ gây ra; vệ sinh môi trường khu vực ngập lụt để phòng tránh dịch bệnh.