Tây Phi đối mặt thách thức lớn về y tế do nhiều dịch bệnh bùng phát

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, cùng với đại dịch COVID-19, Tây Phi đang phải đối mặt với các đợt bùng phát mới của dịch bệnh do virus Ebola và virus Marburg gây ra.

WHO lo ngại năng lực chăm sóc sức khỏe của Tây Phi trước dịch bệnh. (Ảnh: AP)

Theo Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti, các đợt bùng phát mới của dịch bệnh cho thấy vô số thách thức mà chính phủ các nước Tây Phi phải trải qua song song với đại dịch COVID-19. “Chúng tôi đặc biệt quan ngại về tình hình ở Tây Phi. Chống lại nhiều đợt dịch bùng phát cùng lúc là một thách thức phức tạp”, bà Moeti nói.

Theo bà Moeti, châu Phi phải đối mặt với nhiều đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm hàng năm hơn bất kỳ khu vực nào khác. Bên cạnh đó, hệ thống y tế ở Tây Phi yếu hơn so với các khu vực khác của lục địa, mặc dù WHO không đưa ra bất kỳ con số cụ thể nào về số nhân viên hoặc tỷ lệ sử dụng giường bệnh trên toàn khu vực.

Trong khi đó, dữ liệu của WHO cho thấy, trong tháng qua, Tây Phi ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao kỷ lục, số ca nhiễm mới tăng nhanh ở các nước như Bờ Biển Ngà, Guinea và Nigeria. Theo WHO, việc triển khai vaccine ở Tây Phi diễn ra khá chậm so với các khu vực khác của châu lục, với chỉ 38% trong số 29 triệu mũi tiêm được sử dụng cho đến nay.

Bờ Biển Ngà vào đầu tuần này đã bắt đầu tiêm chủng cho nhân viên y tế ở thủ đô Abidjan để ngăn ngừa dịch Ebola  sau khi có một trường hợp tử vong vì dịch bệnh nguy hiểm này vào cuối tuần trước. Vào ngày 14/8 vừa qua, quốc gia này đã tuyên bố ca nhiễm virus Ebola đầu tiên kể từ năm 1994. Bờ Biển Ngà cũng ghi nhận đợt bùng phát của dịch cúm gia cầm H5N1 gần thủ đô thương mại Abidjan. Nước này hiện đang thực hiện các bước để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Trong khi đó, tuần trước giới chức y tế Guinea cũng xác nhận 1 ca tử vong vì dịch bệnh do virus Marburg gây ra. Theo đánh giá của WHO, virus Marburg, được tìm thấy ở dơi, có liên hệ với virus Ebola và có khả năng lây lan từ động vật sang người qua giọt bắn, tiếp xúc. Sau khi phát hiện virus Marburg, WHO đã điều 10 chuyên gia tới hỗ trợ phía Guinea thực hiện đánh giá rủi ro, giám sát mầm bệnh. Bên cạnh đó, Guinea đã bị ảnh hưởng nặng nề từ năm 2013 đến năm 2016 bởi dịch bệnh Ebola khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Virus nguy hiểm này đã xuất hiện trở lại Guinea vào đầu năm nay.

K.G (theo Al Jazeera, Africa News)

Nguồn: