Phát hiện mới về loại virus khiến 25-90% người nhiễm bệnh tử vong

Nghiên cứu đột phá từ nhóm chuyên gia tại Mỹ cho thấy virus Ebola có thể “ẩn náu” trong một số bộ phận cơ thể như dịch não và chờ ngày kích hoạt lại.

Phát hiện được công bố trên Tạp chí Science Translational Medicine ngày 8/2. Nó được đánh giá cao trong việc mang tới cảnh báo quan trọng về sức ảnh hưởng lâu dài của chủng virus bí ẩn với nhân loại – Ebola. Đây là căn bệnh đe dọa tính mạng với các đợt bùng phát thường xuyên và xuất hiện chủ yếu ở châu Phi, tỷ lệ tử vong trung bình là 50%

Virus Ebola trú ẩn trong não và gây bệnh dai dẳng

Theo Independent, một số nhà khoa học trước đây đã tìm thấy các ca nhiễm Ebola dai dẳng. Song, nơi “ẩn náu” chính xác của loại virus chết người này và cơ chế khiến bệnh tái phát vẫn là ẩn số.

Công trình từ nhóm chuyên gia Viện Nghiên cứu Bệnh Truyền nhiễm của Quân đội Mỹ (USAMRIID) đã dần giải mã bí ẩn này. Họ phát hiện Ebola là bệnh lý không dễ điều trị khỏi hoàn toàn và các bệnh nhân đều có nguy cơ tái phát, nhất là nhóm từng được điều trị bằng kháng thể đơn dòng.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học sử dụng một mô hình bệnh tật trên khỉ có dấu hiệu nhiễm Ebola tương tự người. Kết quả cho thấy hai con khỉ khỏi Ebola sau khi được điều trị bằng kháng thể đã tái phát bệnh và không thể chống chọi lại virus.

Tình trạng viêm và tải lượng virus Ebola rất lớn xuất hiện trong hệ thống não trái mà không có bệnh cảnh rõ ràng. Các cơ quan khác cũng có dấu hiệu bị virus tấn công.

Ebola được phát hiện ẩn náu trong não, tinh dịch, thủy tinh thể của người bệnh dù họ đã được điều trị khỏi. (Ảnh: NAIDS)

“Chúng tôi phát hiện khoảng 20% số khỉ khỏi bệnh nhờ liệu pháp kháng thể đơn dòng vẫn bị nhiễm Ebola dai dẳng, đặc biệt trong não trái, nơi sản xuất dịch não tủy” – GS Xiankun (Kevin) Zeng, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh nghiên cứu của họ là công trình đầu tiên tiết lộ nơi ẩn náu của virus Ebola “ngủ đông”, đó là não. Ngoài ra, các virus này gây ra tình trạng tử vong ở lần nhiễm thứ hai trên linh trưởng không phải người.

Bệnh do virus Ebola là bệnh truyền hiểm nguy hiểm nhất mà con người phải đối mặt. Tỷ lệ tử vong của nó dao động từ 25% đến 90%, trung bình là 50% trong các đợt bùng phát trước đó.

Nguy cơ tái mắc Ebola sau hàng năm khỏi bệnh

Ebola vẫn là mối đe dọa lớn với châu Phi sau 3 đợt bùng phát trong năm 2021. Loại virus này truyền từ người sang động vật hoang dã và đã lây lan giữa người với người khi tiếp xúc máu, dịch tiết cơ thể nhiễm bệnh.

Nhiều báo cáo trước đây cũng cho thấy tình trạng Ebola tái xuất hiện ở những người đã khỏi bệnh. Điển hình là trường hợp đã được tiêm vaccine và điều trị bằng kháng thể cũng tái phát và tử vong vào đợt bùng phát năm 2018-2020 tại Cộng hòa dân chủ Congo.

Theo Guardian, các chuyên gia nhận định đây là bằng chứng bổ sung cho luận điểm virus Ebola có thể ẩn náu rất lâu trong cơ thể sau khi người mắc khỏi bệnh. Vì vậy, người sống sót cần được theo dõi để bảo về sức khỏe và ngăn ngừa lây nhiễm trong thời gian dài.

Người đàn ông (không tiết lộ danh tính) 25 tuổi là cư dân tại Cộng hòa Dân chủ Congo, tái phát Ebola dù đã được tiêm vaccine phòng ngừa. Anh mắc Ebola lần đầu vào tháng 12/2018. Anh xuất viện sau 2 lần xét nghiệm âm tính với Ebola. Tháng 11/2019, bệnh nhân xuất hiện lại các triệu chứng và được chẩn đoán tái mắc Ebola.

Virus có thể tồn tại trong tinh dịch tới hơn một năm, vì vậy, nam giới được khuyến cáo nên kiểm tra định kỳ dù đã khỏi bệnh. Tháng 8/2019, người đàn ông 25 tuổi đã xét nghiệm tinh dịch và cho kết quả âm tính, tuy nhiên, anh không quay lại kiểm tra định kỳ.

Nhà virus học Michael Wiley, Trung tâm Y tế Nebraska, Congo, cho biết khả năng miễn dịch của người này mất đi sau 6 tháng hoặc trường hợp tệ hơn, anh ta chưa từng có miễn dịch với căn bệnh này.

Các xét nghiệm gene phát hiện chủng virus Ebola gây bệnh cho người này gần giống 100% với chủng mà anh ta nhiễm trong lần đầu tiên. Sau khi tái mắc, nam bệnh nhân lây nhiễm cho 29 người khác và tạo thành chùm dịch lên tới 91 trường hợp liên quan.

Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ làm việc tại một trung tâm điều trị Ebola ở Beni, miền đông Congo. (Ảnh: AP)

Một trường hợp khác là y tá người Anh khỏi Ebola sau khi dùng liệu pháp kháng thể đơn dòng vào đợt bùng phát 2013-2016 ở Tây Phi. Sau đó, nữ bệnh nhân tái phát bệnh với virus xuất hiện trong não, khiến cô bị rối loạn thần kinh nặng liên tục 9 tháng.

Đầu tháng 3/2021, các nhà khoa học đã ghi nhận virus Ebola âm thầm sống trong cơ thể một bệnh nhân tới 5 năm, sau đó, nó lây nhiễm cho người khác. Đây là thời gian lâu nhất virus ẩn náu trong cơ thể mà y văn thế giới từng ghi nhận.

Với những dữ liệu hiện có, các chuyên gia càng chắc chắn với giả thuyết virus Ebola có thể ẩn náu hàng năm trong những vùng cơ thể cụ thể như buồng chứa thủy tinh thể của mắt, ống bán nguyệt của tinh hoàn, hệ thống não trái. Ngay cả khi các phương pháp điều trị được xác nhận là đã đào thải sạch virus khỏi những cơ quan này, chúng vẫn có cách để “qua mặt”.

Đồng tác giả của nghiên cứu, GS Jun Liu, cho biết thêm: “Virus Ebola tồn tại dai dẳng có thể tái hoạt động và gây tái phát bệnh ở những người sống sót. Điều này dễ gây ra một đợt bùng phát mới”.

Các phát hiện nhấn mạnh sự cần thiết của việc theo dõi lâu dài người sống sót sau khi nhiễm virus Ebola, gồm cả nhóm được điều trị bằng kháng thể, để ngăn chặn nguy cơ tái phát.