Nhiều tổ chức điện gió hàng đầu thế giới kêu gọi G20 “nghiêm túc” với vấn đề năng lượng tái tạo

Ngày 19/7, các CEO hàng đầu trong ngành điện gió toàn cầu đã thống nhất kêu gọi các thành viên của nhóm các nước G20 thể hiện vai trò lãnh đạo trong cuộc khủng hoảng khí hậu, bằng cách nâng cao tham vọng quốc gia và khẩn trương đưa ra các kế hoạch cụ thể để tăng sản lượng điện gió, nhằm thay thế nhiên liệu hóa thạch.

Đại diện cho Liên minh Điện gió Toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26, 25 CEO đã gửi thư ngỏ tới các nhà lãnh đạo của G20, tuyên bố rằng mặc dù đã đạt được một số tiến bộ trong quá trình chuyển đổi năng lượng, nhưng cam kết phát thải ròng bằng 0 của các nước G20 hiện tại vẫn khiến mức tăng nhiệt của thế giới ở ngưỡng 2.4 độ C, mức tăng nhiệt này là quá cao để tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, việc triển khai lắp đặt hệ thống năng lượng gió và năng lượng tái tạo hiện đang không đạt được tiến độ cần thiết để đáp ứng các mục tiêu khí hậu quốc tế, đòi hỏi phải có hành động khẩn cấp để cải thiện các chính sách về năng lượng.

Việt Nam là một trong các quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển điện gió

“Các quốc gia thành viên G20 chịu trách nhiệm về hơn 80% phát thải carbon từ các hoạt động sản xuất năng lượng trên toàn cầu, vì vậy các nhà lãnh đạo của các quốc gia này đang nắm trong tay quyền lực và có nghĩa vụ chuyển đổi hệ thống năng lượng của thế giới vì cộng đồng,” Giám đốc điều hành GWEC Ben Backwell cho biết.

Bức thư có chữ ký của lãnh đạo các công ty điện gió lớn nhất – bao gồm Vestas Wind Systems, Siemens Gamesa Renewable Energy, Ørsted, SSE, RWE, và Mainstream Renewable Power cùng các hiệp hội đại diện cho ngành điện gió tại các khu vực quan trọng như Vương quốc Anh, châu Âu, Brazil, Trung Quốc, Mexico, Đông Nam Á và Nam Phi.

Các bên ký kết nhấn mạnh lộ trình do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố gần đây cho thấy việc triển khai hệ thống gió hàng năm phải tăng gấp bốn lần, từ 93 GW vào năm 2020 lên 390 GW vào năm 2030, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 theo kịch bản năm 2050. Cả IEA và Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) đều thống nhất về công suất điện gió cần thiết, lần lượt là 8.265 GW và 8.100 GW vào năm 2050, để đạt kịch bản phát thải ròng bằng 0, tương thích với con đường tăng nhiệt lên 1,5 độ C.

Bức thư lập luận rằng, nếu tốc độ tăng trưởng điện gió vẫn giữ ở mức hiện tại, công suất điện gió toàn cầu sẽ thiếu hụt đáng kể, khoảng 43% vào năm 2050, so với lượng công suất cần thiết để tiến tới mục tiêu trung hoà carbon vào năm 2050.

“Các nước G20 có tiềm năng điện gió to lớn có thể đáp ứng một phần lớn nhu cầu điện của quốc gia nhưng hầu như họ mới chỉ gãi vào bề mặt của những gì họ có thể triển khai. Với tốc độ lắp đặt điện gió hiện nay trên toàn thế giới, các dự báo cho thấy rằng chúng ta sẽ chỉ xây dựng được chưa tới một nửa công suất điện gió cần thiết để đạt mục tiêu không phát thải vào năm 2050,” bà Rebecca Williams, Giám đốc COP26 của GWEC cho biết.

Để đạt được mức độ triển khai cần thiết này, thư ngỏ kêu gọi các quốc gia G20: Nâng cao tham vọng điện gió ở tầm cỡ quốc gia; Thực hiện hiệu quả các chính sách và khuôn khổ pháp lý cho quá trình mua bán và cung cấp năng lượng tái tạo; Cam kết đẩy nhanh việc lắp đặt cơ sở hạ tầng năng lượng sạch bao gồm lưới điện và hệ thống truyền tải; Đồng ý với các cơ chế định giá carbon hiệu quả và đáng tin cậy; Điều chỉnh các dòng tài chính quốc gia và khu vực phù hợp với tiêu chuẩn nhằm giữ mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng 1,5 ° C;  Xây dựng các chính sách gắn kết và toàn diện nhằm dành nguồn lực công cho công tác chuyển dịch sang nền kinh tế không phát thải.

Trong 20 năm qua, ngành điện gió đã chứng tỏ khả năng tăng sản lượng theo cấp số nhân, đồng thời đã giảm chi phí, tạo ra hàng triệu việc làm đòi hỏi tay nghề cao cũng như thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng quy ở mô lớn.

Tuy nhiên, bức thư nhấn mạnh rằng, việc đạt được quy mô và tốc độ triển khai cần thiết để tận dụng những lợi ích này cũng như đạt được tham vọng không phát thải, là không thực tế trong điều kiện “hoạt động như bình thường” hiện nay, và sẽ không thể đạt được nếu không có sự thay đổi chính sách cấp thiết và mang tính quyết định ở các nước G20.

Thư ngỏ gửi các nguyên thủ quốc gia G20 cũng được chia sẻ với một số lãnh đạo các chính phủ, các tổ chức về năng lượng, tài chính và các cơ quan, bao gồm các nhà lãnh đạo của COP26, UNFCCC, IRENA, IEA, IMF, WEF và một số ngân hàng phát triển đa phương.