Biến đổi khí hậu có thể tạo ra những “con sông bay” ở Đông Á

Một nghiên cứu mới dự đoán những ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu tới lượng mưa các khu vực miền núi ở Đông Á trong tương lai.

Biến đổi khí hậu có thể tạo ra những “con sông bay” trên bầu trời khu vực Đông Á. (Ảnh chụp màn hình)

Cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng sâu sắc đến các hệ thống thời tiết toàn cầu, làm thay đổi nhiệt độ, lượng mưa và độ ẩm ở một số khu vực. Một nghiên cứu mới đã đưa ra dự đoán những ảnh hưởng lớn tới lượng mưa các khu vực miền núi ở Đông Á trong tương lai, Science Alert đưa tin.

Các nhà khoa học dự báo tình hình biến đổi khí hậu sẽ dẫn tới sự hình thành của những “con sông bay”. Đây là những đám mây lớn tích tụ rất nhiều hơi nước, có thể nhanh chóng giải phóng một lượng lớn nước trong một khoảng thời gian ngắn và gây ra lũ lụt khi chúng chạm vào rào cản như một dãy núi.

Theo mô hình của các nhà nghiên cứu, các trận mưa ở Đông Á sẽ diễn ra thường xuyên với lượng mưa lớn hơn trong những thập kỷ tới khi hành tinh của chúng ta dần ấm lên. Lượng nước được vận chuyển trong không khí sẽ thành mưa và đổ xuống mặt đất nhiều hơn.

“Chúng tôi nhận thấy rằng cả quá trình vận chuyển hơi nước liên quan đến sông trong khí quyển và lượng mưa đều tăng lên trên các sườn núi phía nam và phía tây của khu vực Đông Á và các vùng khí hậu ấm hơn. Các con sông bay trong khí quyển sẽ mang lại lượng mưa lớn chưa từng có tại khu vực Đông Á trong điều kiện trái đất nóng lên”, các nhà nghiên cứu viết trong bài báo mới được xuất bản.

Về cơ bản, các dòng sông trong khí quyển lấy hơi ẩm từ các khu vực ấm hơn và lắng đọng nó thành mưa ở các khu vực lạnh hơn. Sự chuyển động của chúng được kiểm soát bởi sự thay đổi của gió và nhiệt độ, là kiểu thay đổi mà biến đổi khí hậu mang lại.

Theo báo cáo, khi đến các khu vực như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), đông bắc Trung Quốc và Bán đảo Triều Tiên, lượng mưa có thể đạt mức cao kỷ lục. Phần lớn mưa sẽ đổ bộ vào các sườn phía tây nam dãy Alps của Nhật Bản.

Để đưa ra kết luận, các nhà khoa học đã chạy một mô hình mô phỏng dựa trên dữ liệu khí tượng thu thập được từ năm 1951 đến năm 2010, mô hình hóa dữ liệu đó cho đến năm 2090 và giả định sự gia tăng nhiệt độ phù hợp với các kịch bản khắc nghiệt của biến đổi khí hậu.

“Chúng tôi đã sử dụng mô phỏng mô hình hoàn lưu khí quyển toàn cầu có độ phân giải cao cũng như mô phỏng giảm quy mô khí hậu khu vực”, Yoichi Kamae nhà khoa học môi trường từ Đại học Tsukuba ở Nhật Bản thông tin thêm.

Đã có rất nhiều nghiên cứu trước đây về những “con sông bay” trong khí quyển này, nhưng vẫn chưa rõ ràng hoàn toàn về việc các dải ẩm này sẽ thay đổi như thế nào khi biến đổi khí hậu xảy ra.

Các nhà nghiên cứu nói rằng mô hình này cũng có thể áp dụng cho các khu vực khác, nơi các con sông trong khí quyển có thể phát triển. Trong khi vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn, có vẻ như các nghiên cứu cho thấy một số khu vực nhất định trên toàn cầu sẽ có lượng mưa nhiều hơn trong những thập kỷ tới.

Ông Kamae cho biết: “Những phát hiện của chúng tôi cũng có thể áp dụng cho các khu vực khác ở vĩ độ trung bình, nơi tương tác giữa các dòng sông trong khí quyển và các dãy núi dốc đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra lượng mưa, chẳng hạn như ở phía tây Bắc Mỹ và Châu Âu. Những khu vực này cũng có thể trải qua các hiện tượng mưa cực mạnh thường xuyên hơn và dữ dội hơn khi khí hậu ấm lên”.