Vinh danh nỗ lực các tổ chức bảo tồn và khơi thông nguồn lực bảo vệ đa dạng sinh học Việt Nam

Ngày 16/6, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức tọa đàm bàn về vai trò của các tổ chức khoa học công nghệ trong bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, đồng thời tôn vinh và trao tặng bằng khen cho ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã (SVW) – nhà bảo tồn đầu tiên của Việt Nam nhận được Giải thưởng quốc tế về môi trường Goldman 2021.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA và ông Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch VUSTA trao bằng khen cho ông Nguyễn Văn Thái và đại diện SVW

Ông Thái bày tỏ: “Tôi luôn tin tưởng công tác bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam sẽ ngày càng hiệu quả hơn. Tôi cũng đánh giá rất cao những cá nhân, tổ chức đang đồng hành, hỗ trợ chúng tôi trong việc thực hiện sứ mệnh bảo vệ động vật hoang dã. Tôi hy vọng giải thưởng không chỉ là niềm vinh dự lớn lao của riêng cá nhân hay SVW mà nó còn có thể truyền cảm hứng đến nhiều người Việt Nam, giúp người Việt yêu động vật hoang dã, yêu thiên nhiên Việt  hơn và quan trọng là cùng hành động để bảo vệ động vật hoang dã”.

Bên cạnh hoạt động tôn vinh ông Thái, tọa đàm còn trao đổi về đóng góp của các tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập trong bảo vệ bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), người từng nhận Giải Môi trường Goldman vào năm 2018 chia sẻ: “Vinh dự của cá nhân tôi và anh Thái là một sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam”. Giải thưởng đã giúp GreenID mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ quan, tổ chức chính phủ và liên chính phủ cùng các nhà hoạt động môi trường thế giới. “Chúng tôi rất vinh dự khi là hai thành viên trẻ của VUSTA được tham gia một diễn đàn lớn như vậy. Chúng tôi nhận thấy trách nhiệm lớn lao trong việc thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, thiên nhiên Việt Nam và hy vọng trong cộng đồng sau này sẽ có nhiều đại diện tham gia những sân chơi quốc tế khác để Liên hiệp hội có sự hiện diện trong các diễn đàn khoa học quốc tế”.

Từ trái sang phải: Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, ông Trần Xuân Việt – Phó trưởng ban Khoa học Công nghệ VUSTA, bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc điều hành GreenID và ông Trịnh Lê Nguyên – Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature)

Bàn về vai trò, đóng góp của các tổ chức bảo tồn Việt Nam, ông Trịnh Lê Nguyên – Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), thành viên Ban cố vấn SVW phát biểu: “Trước đây, các hoạt động cứu hộ, bảo tồn thường được triển khai bởi các tổ chức quốc tế như WWF, FFI, Birdlife. Tuy nhiên, với sự cởi mở của Việt Nam và sự lớn mạnh của các tổ chức trong nước, các tổ chức bảo tồn như SVW, ENV, GreenViet đang dần thực hiện những công việc mà trước đây chúng ta phải dựa vào nguồn lực quốc tế cả về mặt tài chính và nhân lực. Việc Giải thưởng Môi trường Goldman ghi nhận nỗ lực của các tổ chức trong nước là sự chuyển biến rất đáng ghi nhận”.

Tuy nhiên, ông Nguyên cũng chia sẻ một số khó khăn mà các tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập gặp phải trong việc thu hút nguồn lực cho mục tiêu bảo tồn. Ông cho rằng các tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực môi trường, bảo tồn thiên nhiên, sức khỏe, giáo dục, y tế của Việt Nam đều đủ tầm vươn ra khu vực Mê Kông, ASEAN, thậm chí châu Á nhưng một phần vì vướng nhiều quy định, phần vì gặp khó khăn về tài chính nên chưa có nhiều bứt phá. Hiện Việt Nam đã thoát khỏi danh sách nước nghèo, vì vậy, các nhà tài trợ dần bớt ưu tiên cho Việt Nam hơn, các tổ chức vì vậy cần hướng đến huy động nhiều nguồn lực trong nước.

“Nguồn lực trong nước của chúng ta không thiếu, các cá nhân và doanh nghiệp Việt sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động bảo tồn, vấn đề là chúng ta cần khơi thông các nguồn lực tài chính bằng những cơ chế cụ thể và tạo điều kiện cho việc thành lập quỹ. Chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng nguồn lực nội tại để xây dựng các hoạt động mà không quá phụ thuộc vào nguồn viện trợ quốc tế, ông Nguyên cho biết.

Nguồn:
Sơn Thủy/PanNature