Cảnh báo trục lợi từ dịch bệnh COVID-19

Tình hình đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp khiến nhu cầu về thuốc điều trị COVID-19, bộ kit xét nghiệm hay vaccine ngừa COVID-19 tăng cao. Đây chính là mảnh đất màu mỡ mà những kẻ buôn bán thuốc giả muốn khai thác. Liên quan vấn đề này, PV Lao Động đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Nguyệt Minh – Phụ trách Văn phòng Cơ quan phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tại Việt Nam.

Ở Việt Nam gần đây đã xuất hiện tình trạng kit test nhanh COVID-19 không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm định và cấp phép được rao bán tràn lan trên mạng. Đây là dấu hiệu cho thấy một số người đã tìm cách trục lợi trên nỗi lo của cộng đồng. Là cơ quan chống tội phạm của Liên Hợp Quốc, UNODC có thể chia sẻ rõ hơn về thực trạng này trên toàn cầu?

– Là nơi tập trung nhiều nhà máy, khu vực Đông Nam Á đang nổi lên như một đại công xưởng của thế giới và cũng ngày càng dễ bị tổn thương trước vấn nạn vaccine hay thuốc điều trị COVID-19 giả.

Các hành vi này thường nhằm vào mục tiêu lừa đảo tiền bạc, lấy cắp thông tin cá nhân, kể cả thông tin về tài khoản ngân hàng để thực hiện các hành vi phạm tội khác, hoặc làm suy giảm lòng tin của người dân với hệ thống y tế và chương trình tiêm chủng vaccine quốc gia.

Một cảnh sát giữa đống thuốc giả bị tịch thu ở Bắc Kinh. Ảnh minh họa: Getty.

Tại Singapore, người ta đã phát hiện một công ty dược phẩm “ma” yêu cầu người có nhu cầu tiêm click vào một đường dẫn hoặc gọi vào một số điện thoại, khiến các thông tin cá nhân bị đánh cắp.

Ở Ấn Độ, những kẻ lừa đảo kêu gọi gửi tiền và thông tin, dữ liệu cá nhân (như số thẻ bảo hiểm y tế, thông tin tài khoản ngân hàng) để đăng ký tiêm vaccine COVID-19. Ở Ấn Độ đã xuất hiện trang web mạo danh Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình, tuyên bố cung cấp vaccine COVID-19 với giá 4.000-6.000 Rupies.

Mạng xã hội cũng được sử dụng để khuếch đại thông tin sai lệch. Ví dụ ở Hàn Quốc, một bài đăng trên mạng xã hội có nội dung sai sự thật là Chính phủ Hàn Quốc sẽ cung cấp miễn phí vaccine COVID-19 do hãng dược phẩm khổng lồ Celltrion sản xuất.

WHO cũng đã đưa ra cảnh báo về các trang web che giấu địa chỉ thực hoặc số điện thoại cố định, thường là nguồn cung cấp các sản phẩm y tế không được cấp phép, kém chất lượng và giả mạo.

Những người dân nghèo ở cả nông thôn và thành thị, những người ở xa hệ thống y tế, người không có thẻ bảo hiểm y tế là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước vấn nạn này.

Các cơ quan thực thi pháp luật và người dân cần đề phòng các hành vi bất hợp pháp này.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang rất rốt ráo và nỗ lực trong việc nhập khẩu vaccine để sớm đẩy lùi COVID-19. UNODC nhận định thế nào về các bước đi của Việt Nam trong việc nhập khẩu vaccine COVID-19?

– Đây là một bước đi rất cấp thiết, mang tính chiến lược giúp cuộc chiến chống COVID-19 của Việt Nam có thể chuyển từ phòng ngự bị động sang ứng phó chủ động.

Có một thực tế cần lưu ý là hiện nay các loại vaccine đã được sản xuất tại nhiều nước khác nhau theo các cơ chế hợp đồng, ủy quyền hay nhượng quyền. Bởi vậy, việc xác minh và thẩm định chất lượng sản phẩm được sản xuất theo đúng quy trình và chất lượng cho phép là rất quan trọng.

Do nhu cầu về vaccine COVID-19 là rất cao trong một vài năm tới, việc có nhiều công ty đủ điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng là một tín hiệu đáng mừng, giúp đa dạng hóa nguồn cung sản phẩm, đem lại nhiều lợi ích cho Nhà nước và người dân.

Tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng với các thế hệ vaccine COVID-19 hiện nay, việc vận chuyển và bảo quản sản phẩm luôn là thách thức lớn. Quá trình này cần được giám sát nghiêm ngặt, cần các thiết bị giữ lạnh ở nhiệt độ âm sâu trong suốt quá trình vận chuyển. Vì vậy, cần rất thận trọng trong việc thẩm định năng lực và nguồn lực của các công ty phân phối có nhu cầu tham gia chuỗi cung ứng vaccine COVID-19.

Bà Nguyễn Nguyệt Minh – Phụ trách UNODC tại Việt Nam. Ảnh: NVCC

UNODC có khuyến nghị gì trong các khâu cụ thể để việc nhập khẩu vaccine đạt hiệu quả tốt nhất?

– Do tuổi đời của các loại vaccine khá ngắn, các cơ quan hữu quan cần có các cơ chế đặc thù hỗ trợ và giám sát chặt chẽ toàn bộ quá trình nhập khẩu từ khâu đặt hàng, nhận hàng từ nhà sản xuất, vận chuyển, thông quan và bàn giao hàng cho cơ sở y tế.

Sau khi sản phẩm nhập khẩu được đưa vào sử dụng, Bộ Y tế cần tiếp tục theo dõi và đánh giá độ an toàn và hiệu quả của các sản phẩm để có thể truy xuất được thông tin sản xuất và phân phối sản phẩm trong các trường hợp cần thiết.

Cũng cần thiết lập các diễn đàn hay kênh trao đổi thông tin giữa các nhà sản xuất, cung cấp vaccine, các chuyên gia y tế, các địa phương/cơ sở y tế triển khai vaccine, các cơ quan quản lý chuyên môn và thị trường nhằm chia sẻ các thông tin về sản phẩm, kênh phân phối cũng như tháo gỡ các khó khăn trong quá trình nhập khẩu và phân phối sản phẩm.

Xin cảm ơn bà!