Đại dịch do virus corona gây ra sẽ không chấm dứt

Một nghiên cứu cho thấy Trung Quốc là có nhiều điều kiện thuận lợi để virus corona lây lan từ loài dơi móng ngựa sang người, từ đó gây ra một đợt bùng dịch mới.

Một nhóm nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu về môi trường sống của dơi móng ngựa, sự thay đổi về sử dụng đất của con người, mật độ dân số và các nguy cơ khác để vẽ ra một bản đồ gồm các “điểm nóng” ở châu Á và châu Âu. Nghiên cứu của họ được công bố hôm 31/5 trên chuyên san Natural Food.

Nghiên cứu cho rằng các “điểm nóng” sẽ là nơi vừa có loài dơi móng ngựa sinh sống, vừa có các yếu tố để khiến rủi ro virus corona lây lan sang người và bùng phát thành dịch. Nghiên cứu này không đưa ra thêm thông tin về virus SARS-CoV-2, mà nó chỉ ra những địa điểm mà các virus corona tương tự có thể xuất hiện trên người trong tương lai.

Kết quả nghiên cứu cho thấy phía nam Trung Quốc là nơi có nguy cơ rất cao, đồng thời kêu gọi chúng ta giảm các yếu tố rủi ro, như giảm phá rừng, chứ không chỉ đối phó với virus khi nó đã bùng phát thành dịch.

Sự kết hợp “hoàn hảo”

Nghiên cứu của Nền tảng Khoa học – Chính sách Liên chính phủ về Đa dạng sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái (IPBES), một tổ chức phi chính phủ tại Đức, cho thấy số lượng các đợt bùng dịch do bệnh lây từ động vật đang trên đà tăng.

Theo đó, chính con người là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng trên, thông qua phá rừng và hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên.

Ít nhất 1/3 số dịch bệnh bùng phát từ năm 1960, gồm cả dịch Ebola, đều có liên quan đến sự thay đổi trong sử dụng đất của con người, báo cáo trên nhấn mạnh.

Phá rừng là một trong nhiều nguyên nhân khiến ngày càng nhiều các bệnh dịch trên động vật truyền sang con người. Ảnh: Greenpeace.

Khi con người lấn chiếm đất rừng tự nhiên, nguy cơ con người tiếp xúc với các loài động vật tự nhiên, cũng như các mầm bệnh chúng mang theo, tăng lên.

Nghiên cứu mới được công bố càng củng cố giả thuyết trên, khi nó cho thấy nguy cơ con người tiếp xúc với động vật hoang dã tăng lên nếu diện tích rừng nguyên sinh giảm đi 25%. Bên cạnh đó, việc phá hủy môi trường sống tự nhiên cũng khiến các loài mang mầm bệnh, như dơi và các loài gặm nhấm, trở nên đông hơn.

Các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng việc chiếm dụng đất rừng chỉ là một trong nhiều nguyên nhân khiến các bệnh dịch từ động vật lây lan sang người. Mật độ dân số đông, cũng như việc chăn nuôi gia súc quy mô lớn, là hai yếu tố khác khiến rủi ro tăng lên.

Đó là do các vật nuôi có thể nhiễm bệnh từ động vật hoang dã hoặc trở thành trung gian truyền bệnh sang con người. Rủi ro đối với các trang trại chăn nuôi công nghiệp còn lớn hơn, khi nơi đây có số lượng lớn vật nuôi chung sống trong không gian nhỏ, và những vật nuôi này thường có đề kháng kém.

Những “điểm nóng” bùng dịch

Paolo D’Odorico, giáo sư tại Đại học California, Berkeley và đồng tác giả nghiên cứu trên, cho rằng hầu hết nghiên cứu về virus corona hiện tập trung vào việc lây nhiễm giữa người với người, chứ chưa tập trung vào khả năng loại virus này chuyển từ động vật sang người.

Vì thế, ông cùng các cộng sự đã thu thập dữ liệu về chiếm dụng đất rừng, mật độ chăn nuôi, mật độ dân số và một số yếu tố khác và so sánh với môi trường sống của loài dơi móng ngựa ở châu Á và châu Âu. Dơi móng ngựa được xem là vật trung gian mang theo một lượng lớn virus corona, trong đó có cả một loài có liên quan chặt chẽ đến virus SARS-CoV-2.

Các “điểm nóng” về khả năng bùng dịch do virus corona được thể hiện bằng màu đỏ sẫm. Ảnh: Natural Food.

Các “điểm nóng” về khả năng bùng dịch do virus corona được thể hiện bằng màu đỏ sẫm. Ảnh: Natural Food.
Kết quả nghiên cứu được thể hiện bằng một bản đồ, trong đó những chấm màu đỏ sẫm thể hiện khu vực có nguy cơ virus corona lây sang người cao. Ngược lại, những chấm màu xanh làm cho thấy những nơi có tương đối ít điều kiện để dịch bệnh xảy ra.

Giáo sư David Hayma, một đồng tác giả khác của nghiên cứu, cho rằng điểm đáng lo ngại chính là nhiều vùng rộng lớn tại phía Nam Trung Quốc vẫn có nguy cơ cao để một dịch bệnh mới từ virus corona xuất hiện.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng chỉ ra một số khu vực, gồm Thượng Hải, Nhật Bản và Philippines, có nguy cơ trở thành “điểm nóng” nếu việc phá rừng tiếp tục diễn ra.

“Chúng ta cần giám sát tại các khu vực trên để đề phòng sự xuất hiện của các bệnh dịch mới”, ông Hayman nói.

Làm sao ngăn chặn một đợt bùng phát mới?

Các nhà khoa học ước tính rằng có đến 1,7 triệu loài virus chưa được phát hiện ở các loại hữu nhũ và chim, và một nữa trong đó có khả năng lây lan sang người.

Giáo sư Andrew Dobson của Đại học Princeton, cho rằng dịch Covid-19 là một lời cảnh tỉnh đến chúng ta. “Điều quan trọng nhất là tìm ra chúng ta phải làm gì để giảm khả năng các sự kiện tương tự diễn ra”, ông Dobson nói, cho rằng chúng ta nên bắt đầu từ việc ngăn nạn phá rừng.

Giáo sư Dobson cho rằng những người sống tại các “điểm nóng”, như tại phía nam Trung Quốc, nên “gây áp lực lên các chính trị gia” để đưa đến các chính sách và cơ chế phù hợp nhằm bảo vệ rừng. Chi phí bảo vệ rừng sẽ thấp hơn nhiều cái giá mà chúng ta phải trả cho mỗi lần đại dịch bùng phát, nghiên cứu của IPBES cho thấy.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng ngành chăn nuôi nên có biện pháp phù hợp để ngăn vật nuôi bị nhiễm bệnh. Đồng thời, họ cũng kêu gọi tập trung hơn vào hệ sinh thái trên trái đất.

“Chúng ta biết cách phóng tên lửa vào vũ trụ cách đây vài thập kỷ. Song, việc hiểu được dịch bệnh lây lan từ động vật sang con người ra sao lại là một bài toán khó hơn nhiều”, Giáo sư Dobson bình luận.