Gần 1/5 diện tích đất liền trên trái đất bị biến đổi trong 60 năm qua

Giá dầu cao cũng thúc đẩy việc chuyển đổi rừng sang cây trồng năng lượng sinh học.

Quang cảnh một khu vực bị phá rừng gần Sinop, Bang Mato Grosso, Brazil. (Ảnh: AFP)

Theo Nature Communications, từ năm 1960, 1/5 diện tích đất liền trên Trái đất, tương đương khoảng 43 triệu km2 đã bị biến đổi. Con số này lớn gấp 4 lần so với các ước tính trước đó.

Các nhà nghiên cứu cho biết, cho dù đó là biến đổi rừng thành đất trồng trọt hay chuyển đổi thảo nguyên thành đồng cỏ, con người đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong 60 năm qua với diện tích tương đương châu Phi và châu Âu cộng lại.

Cây cối và đất đai, đặc biệt là các khu rừng nhiệt đới hấp thụ khoảng 30% khí thải carbon do con người tạo ra. Vì vậy, những thay đổi cảnh quan quy mô lớn có thể dẫn đến sự thành công hay thất bại trong việc đáp ứng các mục tiêu làm giảm sự nóng lên toàn cầu của Thỏa thuận Paris.

Hiệp ước khí hậu năm 2015 yêu cầu các quốc gia kiềm chế sự tăng nhiệt trên toàn cầu ở mức thấp hơn 2°C và nỗ lực giới hạn ở mức tăng 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Nhiệt độ trái đất đã tăng thêm 1,2°C so với mức trong thời kỳ tiền công nghiệp. Điều đó dẫn đến một loạt thảm họa thiên nhiên như các cơn bão gây chết người, mực nước biển dâng và nhiều tác động khác.

Khu rừng nhiệt đới ở Công viên Quốc gia Kakum, Ghana. (Ảnh: AP)

Kể từ năm 1960, tổng diện tích rừng trên trái đất đã giảm gần 1 triệu km2, trong khi các diện tích được bao phủ bởi đất trồng trọt và đồng cỏ đã tăng lên ở mức gần như tương đương.

Tuy nhiên, giữa các khu vực có sự khác biệt khá lớn. Theo đó, diện tích rừng ở phía Bắc bán cầu gồm châu Âu, Nga, Đông Á và Bắc Mỹ đã tăng lên trong 60 năm qua, trong khi tình trạng mất rừng tại các nước đang phát triển ở phía Nam bán cầu đang ở mức cao đáng báo động. Ngược lại, đất trồng trọt đã giảm ở phía Bắc và mở rộng ở phía Nam bán cầu, đặc biệt là để đáp ứng nhu cầu của các nước giàu.

Nạn phá rừng nhiệt đới đã xảy ra trên diện rộng nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp như nuôi bò lấy thịt, trồng mía và đậu tương ở khu vực rừng Amazon của Brazil, trồng cọ lấy dầu ở Đông Nam Á, ca cao ở Nigeria và Cameroon.

Các nhà hoạt động của tổ chức Hòa bình xanh ở Vien, Áo tổ chức cuộc biểu tình phản đối nạn phá rừng nhiệt đới Amazon ngày 5.5. (Ảnh: Reuters)

Giá dầu thô tăng cao và đạt đỉnh ở mức 145 USD/thùng vào năm 2008 cũng là nguyên nhân thúc đẩy việc chuyển đổi đất rừng sang trồng cây phục vụ sản xuất năng lượng sinh học.

Việc thay đổi nhanh chóng mục đích sử dụng đất có khởi nguồn từ cuộc Cách mạng Xanh trong những năm 1960 – 1970, sau đó là sự mở rộng của thị trường toàn cầu hóa cho đến năm 2005. Tuy nhiên, sau một thời gian biến động trên thị trường toàn cầu, tốc độ chuyển đổi đất tự nhiên đã chậm lại.

Nghiên cứu cho thấy, khoảng 17% bề mặt đất của trái đất đã bị biến đổi ít nhất một lần kể từ năm 1960. Tổng diện tích đất bị ảnh hưởng tương đương tỉ lệ 32%.

Bề mặt của trái đất trải dài trên 510 triệu km2, khoảng 70% là nước, chủ yếu là đại dương (tương đương 361 triệu km2). Trong số 149 triệu km2 còn lại, khoảng 15 triệu km2 là diện tích bị băng bao phủ vĩnh viễn, 134 triệu km2 là đất liền không có băng.