Tiết lộ về hiệu quả vaccine Covid-19 của Trung Quốc

Hãng dược Trung Quốc Sinopharm cuối cùng cũng công bố dữ liệu thử nghiệm vaccine Covid-19, sau khi hơn 200 triệu liều đã được sử dụng trên toàn thế giới.

Sự thật Vaccine Covid-19 của Trung Quốc hiệu quả đến đâu? (Ảnh: Reuters)

Kết quả tạm thời của Giai đoạn 3 cho thấy, hai sản phẩm của họ đều có tỷ lệ hiệu quả trên 50%, nhưng trong đó có rất ít dữ liệu về người cao tuổi và các nhóm dễ bị tổn thương khác.

Kết quả nghiên cứu trên được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ hôm thứ Tư (25/5). Cuối cùng, lời kêu gọi bấy lâu của giới khoa học về sự minh bạch hơn đối với vaccine Covid-19 từ một nhà sản xuất Trung Quốc đã được đáp lời, nhưng kết quả đã loại trừ một số nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Dữ liệu thử nghiệm cho thấy, loại vaccine do công ty con của Sinopharm tại Bắc Kinh sản xuất, đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt để sử dụng khẩn cấp, có thể cung cấp 78,1% khả năng bảo vệ chống lại Covid-19 có triệu chứng, nhưng tỷ lệ này đã giảm xuống 73,5% sau khi tính đến các trường hợp không có triệu chứng.

Một loại vaccine Covid-19 khác của công ty con ở Vũ Hán, đang trong quá trình xin cấp phép sử dụng khẩn cấp của WHO và đã được phê duyệt có điều kiện để sử dụng ở Trung Quốc, cho thấy hiệu quả 72,8% đối với các trường hợp có triệu chứng và tụt xuống 64% khi tính thêm những trường hợp không có triệu chứng.

Kết quả dựa trên dữ liệu thu thập từ 40.411 người tham gia tiêm ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain vào năm ngoái.

Những người tham gia thử nghiệm hầu hết đều khỏe mạnh từ 18 đến 59 tuổi, được chia đều thành ba nhóm được tiêm vaccine từ công ty con ở Bắc Kinh, công ty con ở Vũ Hán hoặc giả dược. Tổng cộng 142 trường hợp có triệu chứng đã được ghi nhận, 26 trường hợp từ nhóm vaccine Vũ Hán, 21 trường hợp từ nhóm vaccine Bắc Kinh và 95 trường hợp từ nhóm dùng giả dược.

Một số ít những người tham gia có độ tuổi trên 60, con số gần chính xác là khoảng 200 người trong mỗi nhóm. Chỉ có hai trường hợp nghiêm trọng được xác định trong nhóm giả dược và không có trường hợp nào trong hai nhóm được tiêm chủng. Đây là kết quả mà các nhà nghiên cứu cho rằng, không cung cấp đủ dữ liệu để đưa ra kết luận.

“Với một số lượng nhỏ các trường hợp nghiêm trọng, những kết quả như thế này nên được giải thích một cách thận trọng. Không thể đưa ra một kết luận như trong đó đã bao gồm việc ngăn ngừa được các trường hợp nghiêm trọng”, các chuyên gia nhận xét.

Phân tích về kết quả trên, nhà miễn dịch học Ashley St John, Phó Giáo sư tại Trường Y Duke-NUS của Singapore, cho rằng, số ca bệnh nặng thấp có thể do số lượng người cao tuổi và những người mắc bệnh đi kèm tham gia thử nghiệm thấp, nhưng số trường hợp nghiêm trọng cao hơn sẽ tạo ra sự tin tưởng lớn hơn.

“Chắc chắn họ không có đủ dữ liệu về các trường hợp nghiêm trọng và từ quan điểm thống kê, chúng tôi sẽ cần xem nhiều trường hợp hơn để có cách nhìn đúng hơn về cách vaccine này bảo vệ và chống lại các trường hợp bệnh nặng, St. John nói.

“Khi các kết quả chỉ có 2 hoặc 3 trường hợp nghiêm trọng trong số hàng trăm mẫu, thì chúng không thể đủ để người ta có thể tin tưởng đó là những con số ngẫu nhiên.

Có nhận định khéo léo hơn, nhà nghiên cứu vaccine Nikolai Petrovsky, Giáo sư tại Đại học Flinders, Australia cho rằng, thực tế là hai trường hợp nghiêm trọng duy nhất chỉ có trong nhóm dùng giả dược cho thấy một “hướng tích cực”, nhưng các con số không đủ lớn để đưa ra một “tuyên bố thống kê về sự khác biệt”.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, tình trạng này có xu hướng xảy ra đối với các thử nghiệm vaccine Covid-19 hiện có. GS. Nikolai Petrovsky cho biết, không có thử nghiệm nào đã được thực hiện cho đến nay được thống kê để xem xét về tình hình bệnh tật nghiêm trọng hoặc tử vong, số lượng các trường hợp như vậy là rất thấp”.

“Không có trường hợp tử vong nào được báo cáo ở bất kỳ nhóm nào nên không thể tính toán tỷ lệ bảo vệ khỏi cái chết. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là vaccine không thể bảo vệ con người khỏi cái chết”, GS. Petrovsky cho biết. Nhưng ông cũng cho biết, không thể đưa ra bất cứ kết luận gì từ dữ liệu ít ỏi trong thử nghiệm.

Những người tham gia đã được kiểm tra Covid-19 ngay trước khi tiêm và 14 ngày sau khi tiêm liều thứ hai. 47 trường hợp không có triệu chứng, bao gồm – 16 ở nhóm công ty con ở Vũ Hán, 10 trường hợp ở nhóm vaccine Bắc Kinh và 21 trường hợp ở nhóm giả dược – sau đó đã được xác nhận, nhưng không có đủ dữ liệu để đưa ra kết luận về cách vaccine sẽ làm giảm các bệnh nhiễm trùng không có triệu chứng.

“Nghiên cứu không thể giải quyết câu hỏi liệu vacine Covid-19 có ngăn ngừa được nhiễm trùng không triệu chứng hay không, điều này đòi hỏi sự giám sát chính thức trong toàn bộ nghiên cứu thông qua các xét nghiệm virus và huyết thanh học”, các chuyên gia cho biết. Họ nhận ra rằng, nghiên cứu có những hạn chế, bao gồm không có đủ dữ liệu về các nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất.

“Thử nghiệm chủ yếu được tiến hành ở những người đàn ông trẻ tuổi, khỏe mạnh ở Trung Đông và không có đủ năng lực để kiểm tra hiệu quả giữa những người mắc bệnh mãn tính, phụ nữ, người lớn tuổi, những người ở các quần thể địa lý khác và cả những người từng mắc Sars-CoV-2 trước đó”, các chuyên gia tiết lộ.

Giáo sư St John cho biết, một thử nghiệm thành công đối với những người trẻ, khỏe mạnh là một điểm xuất phát tốt để bắt đầu với vaccine, nhưng sẽ tốt cho nghiên cứu nếu có nhiều người tham gia hơn, trong đó có các nhóm có nguy cơ cao như người già hoặc những người mắc bệnh đi kèm. “Những nhóm như vậy có thể làm giảm tỷ lệ hiệu quả của vaccine, bởi vì họ có nhiều khả năng bị suy yếu hoặc kém hiệu quả hơn với những thứ như vaccine”, nhà miễn dịch học St John. cho biết.

Giáo sư Petrovsky giải thích rõ, vì người cao tuổi thường ít bị các phản ứng phụ hơn, dữ liệu an toàn được thu thập cho người lớn cũng có thể áp dụng cho nhóm này, nhưng khó ngoại suy dữ liệu về hiệu quả hơn, vì dữ liệu đó có thể không thuyết phục ở nhóm người cao tuổi.

WHO đã khuyến nghị sử dụng vaccine này cho những người trên 60 tuổi, nhưng cho biết, cần có thêm dữ liệu về nhóm tuổi đó.

Nghiên cứu cũng ghi nhận 201 tác dụng ngoại ý, phân bố gần như đồng đều trên cả ba nhóm thử nghiệm. Hai trường hợp bất lợi nghiêm trọng duy nhất được cho là có thể liên quan đến vaccine thuộc nhóm người Bắc Kinh. Một người đàn ông 30 tuổi – người sau đó được phát hiện mắc một chứng hiếm gặp, được chẩn đoán có thể bị tổn thương dây thần kinh và một phụ nữ 35 tuổi bị nôn mửa dữ dội và cần được điều trị tại bệnh viện.