Biến chủng virus tồn tại lâu hơn trong không khí, ba biện pháp hữu ích nhất thời điểm này

Theo quan điểm của TS, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, virus SARS-CoV-2 biến chủng lần này tồn tại trong không khí dễ hơn và lâu hơn bình thường.

Việt Nam đang đối mặt với đợt dịch bùng phát lần thứ 4 nghiêm trọng hơn về cả số ca lây nhiễm, tốc độ lây nhiễm và mức độ tấn công của virus vào người bệnh. Theo đánh giá của Bộ Y tế, đợt dịch này nguy hiểm hơn vì virus biến chủng kép của Ấn Độ được đánh giá có tốc độ lây nhiễm 1,7 lần so với các loại virus trước.

Bộ Y tế cũng nhận định, hiện nay virus đã có sự lây nhiễm cao trong môi trường chật hẹp. Đó là lý do vì sao chỉ trong ba tuần qua, Việt Nam đã vượt mốc 1.900 ca nhiễm mới trong cộng đồng.

BS Khanh cho biết, virus này tồn tại trong không khí dễ hơn và lâu hơn bình thường. “Virus gây bệnh hô hấp nào cũng vậy chỉ lây qua giọt bắn. Virus SARS-CoV-2 cũng vậy đường lây truyền chính là giọt bắn. Tuy nhiên đối với biến thể Ấn Độ, rất có thể giọt bắn này có thể tồn tại ở dạng lơ lửng trong phòng kín, rơi xuống chậm. Vì vậy, khi người lành hít phải giọt bắn mang virus sẽ bị mắc bệnh”, BS Khanh nói.

Cũng theo PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế, biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh hơn. Thực tế hiện nay, qua một vài ngày tiếp xúc gần, các ca F1, F2 nhanh chóng trở thành ca F0. Đặc biệt, virus lây mạnh trong môi trường kín như quán bar ở Vĩnh Phúc, bệnh viện, địa điểm massage, nhà máy trong khu công nghiệp (điều hòa, tập trung đông người, ngồi sát nhau…).

Ông Phu nhấn mạnh, hiện nay đường lây truyền của virus không thay đổi, nhưng nhiều khi người dân đã quên mất cách phòng bệnh như phải mở cửa, thông thoáng khí. “Trong môi trường kín, điều hòa, virus lơ lửng trong không khí chứ không rơi xuống, virus lây mạnh hơn. Điều này có thể thấy rõ trong ổ dịch tại quán bar, nhà máy trong khu công nghiệp”, TS Phu phân tích.

Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay, bản chất lây truyền của virus SARS-CoV-2 vẫn là lây qua giọt bắn. Tuy nhiên, khả năng giọt bắn tồn tại trong không khí của các biến chủng là khác nhau.

Biến chủng trong đợt dịch này lây lan nhanh khiến nhiều người nghĩ đến giả thiết do triệu chứng bệnh nhẹ, người nhiễm virus đi lại tiếp xúc gần lây lan cho người khác. Hoặc có thể giọt bắn của virus biến chủng có khả năng bay xa.

Các ổ dịch của Việt Nam gần đây đều xuất hiện ở những không gian kín như bar, máy bay, quán karaoke… Điều này phù hợp với dịch tễ của biến chủng Ấn Độ dễ lây lan ở trong không gian hẹp, kín.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, để đối phó với biến chủng virus mới, tuân thủ 5K vẫn là cách tốt nhất để ngăn ngừa đại dịch. Trong đó, đặc biệt lưu ý với việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách hạn chế được nguy cơ lây nhiễm. Đối với những nơi không gian kín phải mở cửa thông thoáng, thường xuyên lau chùi bề mặt bằng dung dịch sát khuẩn để loại bỏ virus nếu có bám trên các bề mặt.

Về quan điểm virus lây trong không khí hay không, PGS, TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, hiện nay, Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về việc virus chủng mới có lây nhiễm trong không khí. Các nghiên cứu mới của thế giới chỉ ra chủng mới có khả năng lây trong không khí và có nguy cơ lây nhiễm cao trong bầu không gian chật hẹp. Tuy nhiên, mật độ lây như thế nào, mức độ nồng độ virus của người nhiễm phát tán không khí như thế nào chưa có nghiên cứu cụ thể.

Theo TS Trương Hữu Khánh, ba biện pháp hữu ích nhất thời điểm này đối với người dân để phòng, chống dịch chính là tuân thủ khuyến cáo 5K, tiêm vaccine và phải tăng tốc độ xét nghiệm thật nhanh mới khống chế được dịch.

“Không xét nghiệm nhanh, để phải đuổi theo dịch thì biện pháp 5K cũng không có giá trị nhiều. Và chúng ta cũng không biết phải thực hiện 5K tới bao giờ nếu không có vaccine. Không phải tất cả các bệnh nhân mắc Covid-19 đều nhẹ, không phải chỉ người có bệnh nền mới nặng lên khi mắc Covid-19. Nếu chúng ta không tự phòng ngừa, từ chối tiêm vaccine có thể phải trả giá”, BS Khanh nhấn mạnh.

Theo BS Khanh, vaccine vẫn có giá trị với biến chủng mới. Nếu vaccine không ngừa được bệnh thì sẽ ngừa cho người dân không nặng, không nhập viện. Do đó, chỉ có tiêm chủng, đạt được tỷ lệ miễn dịch cộng đồng thì mới giảm nguy cơ lây nhiễm, gây tình trạng nặng của virus SARS-CoV-2.