Cuộc đời bi đát của hổ

Loài động vật săn mồi ở đỉnh của chuỗi thức ăn sở hữu vẻ đẹp hoang dã và oai hùng, trở thành biểu tượng trong nền văn hóa cổ phương Đông với biết bao huyền thoại, từng sải bước trên khắp châu Á, từ đông Thổ Nhĩ Kỳ tới vùng Siberia và Indonesia nhưng ngày nay, “ở rất nhiều nơi, hổ thậm chí còn không được coi trọng như một loài động vật hoang dã thông thường mà chỉ đơn thuần là một món hàng tạo ra lợi nhuận, đáng chết hơn là sống”.

Simon Evans, giảng viên chính ngành du lịch sinh thái Trường Đại học Anglia Ruskin, Anh đã đưa ra lời nhận định đầy đau xót sau hơn một thập kỷ vi hành các “trại hổ” ở bốn quốc gia thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Ước tính hiện có khoảng 8.000 cá thể hổ bị nuôi nhốt trong điều kiện tồi tệ tại một loạt trang trại trên khắp Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Nhiều cá thể bị nhốt trong những chiếc chuồng bê tông nhỏ hẹp. Những cá thể hổ được nuôi để lấy xương thường bị suy dinh dưỡng và kết thúc bằng những cái chết thương tâm do bị bỏ đói có chủ đích. “Một bộ xương cuối cùng cũng chỉ là một túi cao mà thôi. Ai quan tâm nó trông như thế nào khi còn sống chứ!” – một công nhân làm việc tại công viên hổ ở miền bắc Trung Quốc nói với Simon.

Những cá thể được nuôi để lấy thịt cũng phải chịu số phận đầy thương tâm. Chúng thường xuyên bị bơm đầy chất lỏng vào cơ thể và ép ăn để đạt trọng lượng lớn nhất vì giá trị của một cá thể hổ làm thực phẩm chỉ được đo bằng trọng lượng. Vào cuối đời, chúng hầu như không thể đứng vững với dạ dày gần như chạm lết xuống đất. Dù vậy, chỉ cần không bị thương, da của chúng sẽ tiếp tục bị khai thác bất kể trọng lượng ra sao.

Chỉ cần hổ còn mang lại giá trị thì chúng sẽ bị khai thác tới bộ phận cuối cùng (Ảnh: Simon Evans).

Thật chua xót khi con người không từ bỏ bất cứ bộ phận nào của hổ để kiếm lợi. Ngoài rượu, thịt và da, còn có một thị trường cho nhãn cầu, râu, răng, móng vuốt và thậm chí cả dương vật của hổ. Và dù phần lớn giá trị của hổ có được sau khi chết nhưng những người điều hành trang trại nuôi hổ vẫn tìm mọi cách khai thác chúng từ khi hổ lọt lòng cho tới những bộ phận cuối cùng của hổ.

Ngay khi sinh ra, hổ con bị tách khỏi mẹ để hổ cái có thể trở lại trạng thái động dục nhanh chóng, sau đó chúng được chuyển đến các khu vực tương tác, nơi khách du lịch có thể trả tiền để cưng nựng và cho chúng bú bình, tạo cơ hội hoàn hảo cho việc chụp ảnh tự sướng và thu hút tương tác trên mạng xã hội. Đáng chú ý là hình ảnh phản cảm này lại được bọc dưới lớp vỏ “du lịch sinh thái” nên càng thúc đẩy du khách hiếu kỳ sử dụng dịch vụ.

Simon đã chứng kiến ​​điều này khi đến thăm “vườn thú” hổ ở Thái Lan, gần thành phố du lịch Pattaya, nơi sử dụng một số chiến thuật kỳ lạ để tối đa hóa giá trị giải trí của hổ. Trong một cái chuồng, hổ con được mặc áo khoác hình da lợn và đang bú một con lợn nái trong khi chỉ cách đó vài mét, một cá thể hổ cái lại đóng vai như vú nuôi của đàn lợn con đang mặc áo da hổ.

Lợn hóa trang thành hổ tại Thái Lan. Ảnh: Simon Evans

Ở những nơi khác, những cá thể đực lớn hơn và những cá thể trong giai đoạn vị thành niên bị buộc phải diễn xiếc trong khi những cá thể khác phải trình diễn theo nhóm quanh các khu vực nuôi nhốt lớn hơn, nơi du khách có thể mua động vật sống để thả làm mồi nhử – hình ảnh gây ám ảnh với không ít du khách. Cuối cùng, những cá thể cái trưởng thành hơn sẽ bị đưa lên dây chuyền giết thịt. Thậm chí tại Lào, một cuộc điều tra gần đây đã phát hiện một trang trại nuôi nhốt sản xuất đồ trang sức màu hồng được làm từ xương hổ và màu sắc này được tạo ra từ việc lọc xương hổ khi chúng vẫn trong trạng thái an thần nhưng còn nhiều sức sống. Rõ ràng yếu tố lợi nhuận đã vượt xa giới hạn đạo đức tại các trang trại nuôi nhốt hổ. Đã đến lúc con người cần dừng lại các hành vi tàn nhẫn với loài động vật quý hiếm này và hãy cứu hổ trước khi quá muộn bởi chỉ còn chưa đầy 3.500 cá thể hổ sống trong tự nhiên với phạm vi sinh cảnh bị thu hẹp chỉ còn 6% so với trước.

Ngọc Hiền (Theo theconversation.com)

Nguồn: