Quy trách nhiệm cá nhân ở chính quyền cơ sở mới giảm xây dựng trái phép

Sau hơn 20 ngày triển khai, chính quyền huyện Đức Trọng, Lâm Đồng đã cưỡng chế, giải tỏa được 14 công trình xây dựng trái phép tại “làng biệt thự” trên đất rừng, ở chân núi Voi, thuộc tiểu khu 268, xã Hiệp An.

Làng biệt thự trái phép ở Lâm Đồng. Ảnh: Nh.B

Ra quân từ đầu tháng 3.2021, đến nay – 26.3, chính quyền huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đã xử lý được 14 công trình nhà ở xây dựng trái phép trên đất rừng đã cấp cho doanh nghiệp.

Trong đó, có 3 công trình phải cưỡng chế giải tỏa, 11 công trình còn lại người dân tự tháo dỡ sau vận động. Tuy nhiên, tại đây vẫn còn trên 35 công trình xây dựng trái phép khác chưa xử lý được.

Theo UBND xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, trong số những công trình trái phép còn lại có 10 nhà ở kiên cố xây dựng theo kiểu biệt thự, còn lại chủ yếu là lán trại, nhà ở tạm bợ do người dân địa phương dựng lên để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Việc xử lý, giải tỏa các công trình xây dựng trái phép này gặp rất nhiều khó khăn, song chính quyền địa phương sẽ kiên quyết thực hiện và dự kiến hoàn thành trong tháng 4 tới.

Việc xây dựng trái phép trên đất rừng, ở tiểu khu 268, xã Hiệp An, Lâm Đồng với quy mô lớn, gần 50 công trình lán trại, nhà cửa kiên cố mọc lên, hoàn thiện, đến nỗi có cả tên là “làng biệt thự”. Thực trạng này giống như chuyện voi chui lọt lỗ kim.

Thực tế, hệ thống cơ quan chức năng trong bộ máy chính quyền cùng với các quy định của pháp luật đã chặt chẽ, kín kẽ như “lỗ kim”. Nhưng để xảy ra xây dựng trái phép kéo dài, quy mô lớn đến cả “làng biệt thự” mọc ngang nhiên như ở Đức Trọng thì đúng là “lỗ kim” ở đây đã hỏng, gần không có sự giám sát nào của chính quyền.

Có rất nhiều nguyên nhân để xảy ra thực trạng xây dựng trái phép, nhưng không thể bỏ qua trách nhiệm của chính quyền cơ sở.

Nếu không phải buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm thì cũng là thiếu năng lực, thậm chí có dấu hiệu dung túng, làm ngơ, “bắt tay”, cho sai phạm.

Việc giải quyết hậu quả, cưỡng chế giải tỏa những công trình trái phép, xây dựng kiên cố không chỉ sẽ tốn rất nhiều công sức, tiền của, mà còn phải phải huy động cả công an, dân quân, y tế… các phương tiện cơ giới mới có thể cưỡng chế, đập phá, tháo dỡ. Trường hợp gặp phản đối, chống trả, xung đột thì càng phức tạp và sẽ để lại nhiều hệ lụy.

Đáng nói, không chỉ ở Đức Trọng, Lâm Đồng mà thực trạng xây dựng trái phép quy mô lớn tương tự xảy ra khắp nơi cả nước, như “làng biệt thự” trái phép ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, và cả những tòa nhà cao tầng khác ở các đô thị lớn… mà chính quyền các địa phương đang phải vất vả để giải quyết hậu quả.

Chắc chắn việc cưỡng chế sẽ khó khăn, tốn kém hơn rất nhiều so với công tác giám sát, ngăn chặn từ đầu. Vì vậy, nhất thiết phải xem xét trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu của chính quyền cơ sở – nơi để xảy ra xây dựng trái phép.

Nếu cứ đổ lỗi cho khách quan, không có người chịu trách nhiệm thì chắc chắn “voi” vẫn tiếp tục lũ lượt “chui qua lỗ kim”, tràn lan, khắp nơi.