“Điểm sáng” năng lượng tái tạo sau thảm họa hạt nhân Fukushima

An toàn vẫn là thách thức lớn nhất của điện hạt nhân.

Một trang trại trồng rau và năng lượng mặt trời ở Nihonmatsu, tỉnh Fukushima, Nhật Bản vào ngày 17.2.2021. Ảnh: The Japan Times.

Năng lượng tái tạo: Một phần không thể thiếu trong chính sách chính phủ Nhật

10 năm qua, kể từ khi trận động đất và sóng thần làm hư hại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, gây ra vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ, năng lượng tái tạo ở Nhật Bản đã không còn nằm ngoài lề của những cuộc tranh luận. Thay vào đó, nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong chính sách của chính phủ, chiến lược doanh nghiệp và lợi ích cộng đồng trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế, cũng như môi trường.

Khách tham quan triển lãm công nghiệp vào năm 2020 ở Trung Quốc xem một mô hình lò phản ứng năng lượng hạt nhân thông qua tai nghe thực tế tăng cường. Ảnh: VCG.

Một năm trước ngày “định mệnh” 11.3.2011, các nguồn năng lượng tái tạo chỉ chiếm 9,5% tổng lượng điện của cả nước Nhật. Trong năm tài chính 2019, năng lượng tái tạo đã mở rộng để cung cấp 18% sản lượng điện được tạo ra ở Nhật.

Theo chiến lược năng lượng dài hạn hiện tại của chính phủ Nhật, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 22 – 24% nguồn cung cấp điện của quốc gia vào năm 2030.

Thủ tướng Yoshihide Suga cho biết: Chính phủ Nhật dự định sử dụng nhiều hơn nữa gió ngoài khơi và hydro amoniac.

Tuyên bố của ông Suga về gió ngoài khơi được đưa ra sau cuộc họp giữa chính phủ và các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp, nơi họ công bố mục tiêu có các trang trại gió ngoài khơi tạo ra 10 gigawatt điện vào năm 2030 và khoảng 30 – 45 gigawatt vào năm 2040. Đó là mức điện tương đương được tạo ra bởi từ 30 – 45 lò phản ứng hạt nhân.

Hiện, Nhật chỉ có 9 lò phản ứng hạt nhân được chính thức phê duyệt để khởi động lại. Nhưng tính đến tháng trước, nước này chỉ có 4 lò đang hoạt động thực sự.

Giải pháp toàn diện

Sự chuyển hướng sang các nguồn năng lượng tái tạo ở Nhật bắt đầu tăng tốc từ tháng 8.2011. Nhiều quan chức nước này bắt đầu lên tiếng ủng hộ việc chuyển hướng từ điện hạt nhân và tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Ở tỉnh Fukushima, thảm họa nhà máy điện hạt nhân đã dẫn đến các sáng kiến ​​mới của chính quyền trung ương và quyết tâm của địa phương trong việc tiếp nhận các nguồn tái tạo ở mức độ vượt xa các mục tiêu hiện tại của chính phủ.

Thống đốc Fukushima Masao Uchibori cho biết: “Năng lượng tái tạo cung cấp 34,7% nhu cầu địa phương trong năm tài chính 2019. Chúng tôi đã đặt mục tiêu 40% vào cuối năm tài chính này, tăng lên 60% vào năm 2030”.

Ngoài Fukushima, tính đến tháng 1, hơn 100 tổ chức công và tư đã cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050.

Tuy nhiên, đối với những người ủng hộ năng lượng tái tạo, chính quyền trung ương cần thể hiện nhiều tham vọng hơn trong việc đặt ra các mục tiêu. Tổng cộng có 92 công ty, bao gồm nhiều công ty tài chính, sản xuất, xây dựng và bán lẻ quốc tế lớn đang kêu gọi chính phủ Nhật nâng mục tiêu năng lượng tái tạo từ 22% – 24% cho năm 2030 lên khoảng 40% – 50%.

Hiệp hội các nhà điều hành doanh nghiệp Nhật Bản (Keizai Doyukai) đề xuất mục tiêu 40% năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Tuy nhiên, việc mở rộng sử dụng năng lượng tái tạo vượt xa mức hiện tại trên khắp nước Nhật buộc chính quyền nước này với một số thách thức liên quan đến chi phí và khả năng của các nhà cung cấp năng lượng tái tạo tiếp cận điện lưới.

Bên cạnh đó, sự phát triển ồ ạt năng lượng tái tạo đã “vô tình” cạnh tranh trực tiếp với các nhà máy nhiệt điện và điện hạt nhân. Từ lâu, điều này đã trở thành một vấn đề cơ bản gây tranh cãi trong cuộc tranh luận năng lượng của Nhật.

Ô nhiễm tiếng ồn từ các tua bin gió là một vấn đề khiến công chúng ngăn cản năng lượng tái tạo. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, việc đổ xô sử dụng năng lượng tái tạo trong 10 năm qua cũng dẫn đến những phàn nàn của người dân địa phương về ô nhiễm tiếng ồn và cảnh quan từ các trang trại năng lượng mặt trời và tuabin gió.

Để giải quyết những lo ngại ngày càng tăng của công chúng và ngăn cản sự phản đối của địa phương, Bộ Môi trường Nhật có kế hoạch giới thiệu một hệ thống mới cho phép chính quyền địa phương thiết lập các khu năng lượng tái tạo.

Theo đó, những thay đổi trong một thập niên qua về thái độ của chính phủ Nhật và doanh nghiệp nước này đối với việc sử dụng năng lượng tái tạo đã rất đáng kể.