Quyền của các dòng sông

Việc coi dòng sông như một thực thể sống với đầy đủ quyền cơ bản như con người đã được một số quốc gia áp dụng từ lâu.

Thuyền đi lại trên sông Buriganga ở thủ đô Dhaka, Bangladesh vào năm 2018. Tháng 7/2019, tòa án cấp cao nhất của Bangladesh đã cấp cho tất cả các con sông của đất nước các quyền hợp pháp như con người. Ảnh: Munir Uz Zaman/AFP/Getty Images

Sông cũng có quyền như con người

Nhiều quốc gia trên thế giới đã tham gia phong trào “Quyền của Thiên nhiên” và lựa chọn giải pháp được kỳ vọng sẽ bảo vệ hiệu quả hơn các dòng sông: công nhận dòng sông là thực thể sống, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước pháp luật.

“Quyền của Thiên nhiên” là ý tưởng mà ở đó thiên nhiên sở hữu các quyền cơ bản giống như con người. Phong trào “Quyền của Thiên nhiên” có nguồn gốc từ xa xưa, khởi sinh và phát triển từ các giá trị truyền thống bản địa vốn luôn đối xử với con người như một phần của tự nhiên. Phong trào ngày càng phát triển với sự ủng hộ của cộng đồng bản địa, khối xã hội dân sự, các chuyên gia pháp lý và thanh niên – những cá nhân, tổ chức thúc đẩy cải cách có hệ thống về cách con người ứng xử với tự nhiên. Trong đó, bảo vệ các dòng sông là vấn đề trọng tâm của phong trào, nhất là trong bối cảnh nhiều hệ thống sông ngòi đang chịu sức ép lớn từ việc khai thác quá mức, ô nhiễm môi trường, xây đập, thay đổi chế độ dòng chảy tự nhiên và mất chất lượng nước… Hệ quả là khiến nhiều loài động vật nước ngọt suy giảm mạnh so với động vật trên cạn và động vật biển.

Ecuador có thể coi là quốc gia mở đầu phong trào “Quyền của Thiên nhiên” khi lần đầu tiên công nhận các quyền của thiên nhiên trong hiến pháp năm 2008. Bolivia cũng thông qua một đạo luật tương tự vào năm 2011. Năm 2017, New Zealand trở thành quốc gia đầu tiên cấp tư cách “pháp nhân” cho dòng sông. Cùng trong năm này, Tòa án Tối cao bang Uttarakhand ở miền Bắc Ấn Độ công nhận sông Hằng và sông Yamuna là những thực thể sống có đầy đủ tư cách pháp lý như con người nhằm bảo vệ hai huyết mạch quan trọng trước vấn nạn ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, Tòa án cũng ban hành chỉ thị thành lập một Ban giám hộ để bảo vệ nguồn nước của hai dòng sông. Những người giám hộ sẽ chịu trách nhiệm bảo đảm các con sông không bị “lạm dụng” hay sử dụng sai mục đích. Họ có thể đại diện cho hai con sông linh thiêng để kiện những tổ chức, cá nhân xâm phạm trái phép.

Năm 2019, thành phố Toledo ở bang Ohio, Mỹ cũng thông qua Tuyên ngôn về Quyền của Hồ Erie nhằm công nhận các quyền hợp pháp của giới tự nhiên. Đầu tháng 7/2019, Tòa án Tối cao Bangladesh đưa ra phán quyết công nhận các dòng sông của nước này có địa vị pháp lý như con người nhằm bảo vệ vùng đồng bằng lớn nhất thế giới trước sự suy thoái ngày càng tăng do ô nhiễm môi trường, nạo vét trái phép và sự xâm nhập của con người.

Mohammad Abdul Matin, Tổng thư ký Bangladesh Poribesh Andolon, một nhóm hoạt động vì môi trường có trụ sở tại thủ đô Dhaka cho biết: “Ở Bangladesh, sông được coi như mẹ của chúng tôi. Dòng sông được coi là một thực thể sống, vì vậy, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu bạn làm bất cứ điều gì gây tổn hại hay giết chết dòng sông”.  Theo phán quyết của Tòa án, bất kỳ ai bị cáo buộc có hành vi gây hại đến các dòng sông đều có thể bị xử lý bởi Ủy ban Bảo tồn Sông Quốc gia. Người vi phạm có thể bị xét xử như thể họ đã làm hại chính mẹ của mình vậy.

Tại Việt Nam, trong nhiều năm gần đây, các cơ quan chức năng cũng ban hành nhiều văn bản quy phạm nhằm đề cao nhiệm vụ bảo vệ các dòng sông. Nghị quyết số 24-NQ/TW năm 2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và Chỉ thị số 25/CT-TTg năm 2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường đều nhấn mạnh vai trò, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ các lưu vực sông; xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước; kiểm soát nguồn thải ra sông hồ; chấn chỉnh công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư… Bên cạnh đó, các Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, lưu vực sông Nhuệ – Đáy và lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cũng được phê duyệt và triển khai; các Ủy ban bảo vệ môi trường ba lưu vực sông cũng đã được thành lập từ hơn một thập kỷ trước. Đặc biệt, theo thông tin từ Tổng cục Môi trường, trong giai đoạn 2021 – 2023, đơn vị này sẽ tập trung xây dựng các quy định, hướng dẫn liên quan đến việc lập Kế hoạch quản lý chất lượng nước và triển khai xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng nước đối với các sông liên tỉnh thuộc ba lưu vực sông: Cầu, Nhuệ – Đáy, Đồng Nai[1].

Dù có nhiều nỗ lực, song công tác quản lý, bảo vệ chất lượng các con sông tại Việt Nam vẫn tồn tại bất cập: hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến môi trường nước chưa đầy đủ; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu hiệu quả; nhiều con sông vẫn bị ô nhiễm nặng do hoạt động xả thải và các hoạt động phát triển khác…

Hành động vì dòng sông

Ngày 14/3 hàng năm được chọn là Ngày Quốc tế hành động vì các dòng sông (vốn từng được biết đến với tên gọi Ngày quốc tế chống các đập vì các dòng sông, nước và sự sống), được thông qua bởi những người tham gia Hội nghị Quốc tế đầu tiên về Con người bị ảnh hưởng bởi các đập diễn ra vào tháng 3/1997 tại Curitiba, Brazil. Các đại diện từ 20 quốc gia thống nhất chọn Ngày quốc tế hành động vì các dòng sông là ngày 14/3 – ngày mà Brazil hành động chống lại các đập lớn.

Mục tiêu của Ngày Quốc tế hành động vì các dòng sông là cất lên tiếng nói chung để bảo vệ dòng sông trước các dự án phát triển dưới nước có nguy cơ phá hủy môi trường, đòi lại sức khỏe cho các lưu vực sông, đồng thời yêu cầu chính sách quản lý công bằng và bền vững cho các dòng sông.

Chủ đề của Ngày Quốc tế hành động vì các dòng sông năm nay là “Quyền của các dòng sông”, thu hút sự tham gia của nhiều cộng đồng đa dạng trên khắp thế giới với hơn 100 tổ chức đến từ 20 quốc gia tham gia ký vào bản tuyên bố về quyền của các dòng sông. Tuyên bố nhấn mạnh quyền hợp pháp của các dòng sông và trách nhiệm của cộng đồng trong việc đưa ra tiếng nói chung đối với các quyết định có nguy cơ ảnh hưởng đến các dòng sông. Trong đó, có một số nội dung chủ đạo như: tất cả các dòng sông là những thực thể sống và sở hữu quyền lợi hợp pháp (quyền được thực hiện các chức năng thiết yếu trong hệ sinh thái, quyền không bị ô nhiễm, quyền đa dạng sinh học tự nhiên, quyền tái tạo và phục hồi,…); các dòng sông có người giám hộ hợp pháp để đảm bảo thực thi đầy đủ các quyền của dòng sông, được chính phủ và các tổ chức tư nhân đánh giá và xem xét trong tất cả các hành động hoặc quyết định liên quan; kêu gọi các chính phủ đảm bảo cơ chế tài chính đầy đủ và kịp thời để thực hiện các quyền cơ bản của dòng sông;…

Sự suy thoái đáng báo động của các dòng sông trên toàn cầu cùng những tác động tiêu cực đến khí hậu, động vật hoang dã, sức khỏe cộng đồng và các nền kinh tế địa phương buộc các chính phủ cần hành động kịp thời và quyết liệt để bảo vệ các dòng sông, hệ sinh thái nước ngọt và những cộng đồng có sinh kế phụ thuộc vào chúng. Bảo vệ quyền được sống của các dòng sông cũng chính là bảo vệ sự sống của con người.

Ngày 1/12/2020, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã ký tên ủng hộ Chiến dịch “Rivers for Recovery” – lời kêu gọi toàn cầu bảo vệ sông ngòi vì sự phục hồi xanh và công bằng hậu đại dịch do Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (International Rivers) phối hợp với Liên minh sông ngòi không biên giới (Rivers Without Boundaries Coalition) và Mạng lưới toàn cầu của các nhà hoạt động địa phương (Global Network of Local Activists) phát động. Chiến dịch được triển khai trong bối cảnh hoạt động xây dựng đập thủy điện ngày một gia tăng tại nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình dưới chiêu bài phục hồi kinh tế “xanh”.

Các dòng sông và hệ sinh thái nước ngọt đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, trải qua nhiều thế hệ, các động mạch của hành tinh đã bị các hoạt động như xây đập, chuyển đổi và ô nhiễm ở nhiều cấp độ đe dọa, hệ quả là  khiến 1/3 loài động vật nước ngọt đứng trước bờ vực tuyệt chủng. Do đó, một mô hình mới trong quản lý sông ngòi là rất cần thiết, không chỉ giúp bảo vệ các nguồn nước quan trọng với cuộc sống và sức khỏe cộng đồng mà còn giúp các quốc gia đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19 tránh được khoản nợ xấu mới, tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và ứng phó hiệu quả với khủng hoảng khí hậu.

Lời kêu gọi toàn cầu bắt nguồn từ công lý khí hậu và bảo vệ các dòng sông như những huyết mạch quan trọng nhằm củng cố đa dạng sinh học, cung cấp nguồn nước, sản xuất lương thực, hỗ trợ các dân tộc bản địa và các nhóm dân cư đa dạng trên khắp thế giới thay vì nỗ lực xây đập và làm ô nhiễm chúng vì lợi nhuận và sự phát triển kinh tế.

Ngọc Hiền (tổng hợp)

[1] https://baotainguyenmoitruong.vn/xay-dung-ke-hoach-quan-ly-chat-luong-moi-truong-nuoc-3-luu-vuc-song-320737.html

Nguồn: