Bài toán xã hội hóa vaccine để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, đẩy lui đại dịch.
Việt Nam là nước đầu tiên ở Đông Nam Á nhận được vaccine từ AstraZeneca. Trong khi lô vaccine đầu tiên có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất và chuẩn bị tiêm chủng cho những đối tượng ưu tiên thì nhiều doanh nghiệp, trường học cũng rốt ráo tự bỏ tiền mua vaccine cho nhân viên.
Theo chia sẻ của bà Trần Thị Liễu Vinh, Giám đốc Quản trị nguồn nhân lực Coteccons, Công ty đã lên kế hoạch về chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 cho khoảng 8.000 người, gồm nhân viên và người thân của họ. Đây được xem là giải pháp phòng ngừa rủi ro, giúp người lao động an tâm làm việc cũng như Coteccons có thể duy trì hoạt động ngay cả khi dịch bùng phát.
Bà Vinh cho biết, Coteccons đã liên hệ với Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) và được xác nhận từ đơn vị này. Do liên hệ sớm nên lãnh đạo Coteccons hy vọng có thể tiến hành tiêm chủng ngay khi vaccine về. Coteccons không tiết lộ mức giá mua vaccine nhưng cho biết, Công ty dùng nguồn tiền từ quỹ phúc lợi của người lao động và sẽ ưu tiên vấn đề sức khỏe, hạn chế lây nhiễm cộng đồng hơn là quá chú ý tới giá cả.
Đại học FPT cũng lên kế hoạch mua 100.000 liều vaccine COVID-19 cho toàn thể nhân viên/giáo viên và học sinh. Trường đã lên kế hoạch từ cuối năm ngoái và ước tính số tiền chi ra khoảng 80-100 tỉ đồng. Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học FPT, cho biết đây là nguồn tiền từ quỹ phát triển và Đại học FPT sẽ tiêm vaccine miễn phí như một dạng hỗ trợ người học, cán bộ giáo viên. Ông Tùng tin tưởng: “Từ tháng 6 trở đi, khi việc mua vaccine trở nên dễ dàng hơn do các nước đã bắt đầu tiêm xong cho công dân mình và dư thừa xuất khẩu, kế hoạch của Đại học FPT có thể hoàn thành cuối năm nay”. Theo FPT, việc tiêm vaccine sẽ giúp sinh viên, giảng viên duy trì việc học tập trung nhằm đạt kết quả tốt nhất.
Về phần Công ty Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) ngoài nỗ lực tìm nguồn vaccine Covid để tiêm ngừa miễn phí cho gần 7.000 nhân viên khắp toàn quốc thì Công ty còn vận động gây quỹ mua vaccine 19 cho toàn dân. PNJ đã gởi đến Qũy chung một tấm lòng của HTV số tiền 268 triệu đồng. Đây là cách để những người khó khăn có thể được tiêm ngừa vaccine Covid.
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ, cho biết: “Để Việt Nam sớm đẩy lùi đại dịch, ổn định đời sống và phát triển kinh tế, PNJ luôn sẵn sàng là những đơn vị đi đầu trong các hoạt động chống dịch”.
Cũng như Coteccons, PNJ và FPT, các doanh nghiệp khác và nhiều tổ chức xã hội cũng lên kế hoạch tự lực vaccine để nhanh chóng đối phó với dịch bệnh. Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, xã hội hóa vaccine là một trong những giải pháp để đạt tới tiêm chủng diện rộng. Bởi vì, muốn đạt miễn dịch cộng đồng, theo lý thuyết về dịch tễ học, tối thiểu cần trên 80% dân số được chủng ngừa. Đối với dịch COVID-19, thế giới cũng kỳ vọng ngăn chặn được đại dịch nhờ vào vaccine phòng ngừa.
Về phía Việt Nam dự kiến sẽ nhận 60 triệu liều vaccine COVID-19 từ Liên minh Covax (30 triệu liều) và từ AstraZeneca thông qua VNVC (30 triệu liều). Ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam, cho biết: “AstraZeneca sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, Bộ Y tế và VNVC để cung cấp vaccine cho người dân nhanh chóng và an toàn nhất có thể”. Bộ Y tế cũng đang đàm phán với Pfizer và khả năng nhận 30 triệu liều từ Pfizer ngay năm nay. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị: “Việt Nam cần huy động thêm các nguồn xã hội hóa để đảm bảo đẩy nhanh tiến độ cung ứng vaccine, tăng độ bao phủ tiêm vaccine”.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, cho rằng xã hội hóa vaccine ở đây tức là xã hội hóa về nguồn tiền mua vaccine, còn điều kiện để nhập khẩu vaccine phòng ngừa COVID-19 vẫn phải tuân thủ các quy định về nhập khẩu, bảo quản, phân phối và sử dụng.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam cần 150 triệu liều (mỗi người tiêm 2 mũi) cho người dân trong năm 2021. Hy vọng, với việc tích cực nhập khẩu và tự sản xuất vaccine, Việt Nam sẽ sớm tiêm vaccine chống dịch cho mọi người dân. Thực tế, không riêng Việt Nam mà trên khắp thế giới, câu chuyện có đủ vaccine và phân phối vaccine ngừa COVID-19 là mối bận tâm hàng đầu khi dự báo tình trạng khan hiếm nguồn cung vaccine sẽ còn căng thẳng. Trả lời báo chí, đại diện của VNVC cho rằng, để được chấp nhận phân phối vaccine về Việt Nam, Công ty đã phải đặt cọc số tiền hơn 650 tỉ đồng.
Tiến sĩ Phạm Ngọc Đông, chuyên gia dịch tễ học, cho biết doanh nghiệp chủ động tìm mua, chi trả tiền mua vaccine phòng dịch sẽ lợi cả đôi đường, vừa thúc đẩy quá trình người dân Việt Nam được tiêm vaccine phòng chống dịch bệnh, trong khi Ngân sách Nhà nước cũng tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể. Tuy nhiên, nếu là nhập khẩu để thương mại thì khan hiếm dễ đẩy giá cả vaccine tăng vọt và càng thêm khó cho người dân trong tiếp cận vaccine. Đó là lý do một số doanh nhân đề xuất đến tinh thần thiện nguyện như lập quỹ minh bạch, liêm chính và thuyết phục cộng đồng cùng tham gia đóng góp.