Buôn bán động vật hoang dã làm giảm sự phong phú của loài

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Ecology & Evolution cảnh báo tình trạng buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và hợp pháp làm giảm tới 61,6% sự phong phú của loài, làm dấy lên lo ngại về tác động của vấn nạn này đối với đa dạng sinh học trên cạn. Đặc biệt, con số sụt giảm loài lên tới 81% đối với các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Hàng ngàn loài bị buôn bán để làm thú cưng, thuốc và thực phẩm xa xỉ nhưng điều này ảnh hưởng như thế nào đến sự phong phú của các loài trong tự nhiên thì chưa được làm rõ. Thêm vào đó, hầu hết các nghiên cứu về buôn bán động vật hoang dã hiện mới đa phần tập trung vào vấn đề thị trường thay vì sự phong phú của các loài trong môi trường sống của chúng. Do đó, nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Sheffield đã tổng hợp dữ liệu từ 31 nghiên cứu thực địa uy tín để so sánh mức độ phong phú của các loài trong môi trường sống bị khai thác với mức độ phong phú của loài ở các khu vực chưa bị khai thác.

Trong số 31 nghiên cứu này, hầu hết đều được thực hiện ở vùng nhiệt đới Nam Mỹ và châu Phi, chỉ có 04 nghiên cứu xem xét tình hình ở châu Á, 01 nghiên cứu ở Bắc Mỹ và không có nghiên cứu nào ở khu vực châu Âu. Đa phần các nghiên cứu mới xem xét các loài động vật có vú và có xu hướng bỏ qua các nhóm phân loại khác vốn bao gồm một số loài được buôn bán nhiều nhất như động vật lưỡng cư, bướm, nhện, lan và xương rồng.

Tê tê, hoa lan và tắc kè hoa chỉ là một trong nhiều loài thường xuyên bị mua bán trên thị trường động thực vật hoang dã trong nước và quốc tế.Trong ảnh là cá thể tê tê tại một trung tâm cứu hộ ở Campuchia, ảnh: Rhett A. Butler.

Nhóm tác giả nhận thấy tác động của thương mại quốc tế đến sự phong phú của loài lớn hơn nhiều so với hoạt động thương mại tại địa phương. Theo quy luật chung, loài nào bị buôn bán thương mại càng xa thì sự suy giảm càng lớn.

“Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi Trung Quốc có kế hoạch thúc đẩy y học cổ truyền của nước này thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm tạo ra các liên kết thương mại với 62% dân số thế giới. Việc mở rộng này được coi là mối đe dọa chính đối với đa dạng sinh học, làm tăng khả năng tiếp cận và nhu cầu sử dụng đối với các loài được đánh giá cao về mặt y học bao gồm gấu nâu (Ursus arctos) và báo tuyết (Panthera uncia)” – nhóm tác giả cho biết.

Một con tắc kè hoa đực (Furcifer pardalis). Ảnh: Rhett A. Butler

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng số lượng các loài sống trong khu bảo tồn chỉ nhỉnh hơn một chút so với các loài ở khu vực bên ngoài vốn không được bảo vệ với mức sụt giảm do thương mại lần lượt là 56% và 70,9%. Tuy nhiên, theo Oscar Morton, trưởng nhóm nghiên cứu và là tiến sĩ tại khoa Khoa học Động thực vật thuộc Đại học Sheffield, “một khu bảo tồn còn tốt hơn là không có khu vực nào được bảo vệ”. Nhóm tác giả kêu gọi các biện pháp bảo vệ tốt hơn cho các loài và quản lý tốt hơn các khu bảo tồn.

Hiện có khoảng 100 triệu động thực vật bị buôn bán trên thị trường quốc tế mỗi năm, “đóng góp” vào một ngành công nghiệp toàn cầu có giá trị ước tính từ 4 đến 20 tỷ USD mỗi năm.“Đây là một hồi chuông cảnh báo cho chúng ta biết hai điều. Thứ nhất, đây là một lĩnh vực cần phải chú trọng nhiều hơn và kiến thức của chúng ta về mảng này vẫn còn nhiều lỗ hổng lớn. Thứ hai, những dấu hiệu ban đầu cho thấy thực trạng khá khủng khiếp và chúng tôi chưa tìm thấy tín hiệu lạc quan nào từ việc này”, Morton cho biết.

Các chợ thực vật ở miền Nam Trung Quốc bán các loại lan hài tự nhiên như Lan hài lông (Paphiopedilum hirsutissimum). Ảnh: Wikimedia Commons (CC BY-SA 3.0).

Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng cảnh báo hai thành kiến tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến nghiên cứu của họ. Thứ nhất, động vật hoang dã ở các khu vực bị khai thác có thể biểu hiện nhiều hành vi bí ẩn hơn khiến các nhà khoa học khó đo lường mức độ phong phú của chúng. Thứ hai, một số nghiên cứu được trích dẫn có thể có những thành kiến cố hữu mà nghiên cứu tổng hợp này cũng chưa phát hiện ra.

Ngọc Hiền (Mongabay)

Nguồn: