Tê giác trắng Bắc Phi có thoát được nguy cơ tuyệt chủng?

Chỉ còn lại 2 cá thể cái thuộc loài này trên trái đất nhưng giới khoa học nhìn thấy hy vọng từ những đột phá về tế bào gốc.

“Tôi nhìn những con vật xinh đẹp này đi trên con đường dẫn đến sự tuyệt chủng mỗi ngày… Tôi theo dõi số lượng chúng giảm từ 7 xuống còn 2”, người chăm sóc tên James Mwenda nói với nụ cười buồn, lộ rõ vẻ cam chịu khi phải chứng kiến sự suy giảm của tê giác.

Fatu và Najin là 2 cá thể tê giác trắng Bắc Phi cuối cùng trên hành tinh. (Ảnh: Gurcharan Roopra)

Cánh cửa để ngăn tê giác trắng Bắc Phi đi từ tuyệt chủng về mặt chức năng đến tuyệt chủng hoàn toàn đang đóng lại nhanh chóng. Nếu mọi thứ chỉ trông chờ vào tự nhiên thì 2 cá thể tê giác còn lại (Najin và Fatu) sẽ là những cá thể cuối cùng còn có thể sải bước gặm cỏ ở châu Phi. Sau cuộc nội chiến, mất môi trường sống và nạn săn trộm tràn lan, các nhà khoa học tuyên bố loài này tuyệt chủng trong tự nhiên vào năm 2008.

Giới khoa học hiện còn cơ hội vào phút cuối để đưa tê giác trắng Bắc Phi trở lại từ con số không nhờ vào những đột phá về tế bào gốc nhưng chỉ khi họ vượt qua được những trở ngại của đại dịch.

TS. Thomas Hildebrandt, chuyên gia về sinh sản động vật hoang dã nói: “Năm 2012, không có hy vọng nào đối với tê giác trắng Bắc Phi” nhưng lấy cảm hứng từ một hội nghị liên ngành về sự sống giữa các vì sao, Hildebrandt sử dụng tiền tài trợ để thành lập một nhóm quốc tế nhằm cứu loài này. “Chúng tôi nhận ra rằng vẫn chưa phải là kết thúc. Đột nhiên, có một chân trời mới mở ra”.

Hildebrandt lãnh đạo “BioRescue” – kết quả hợp tác giữa Viện nghiên cứu động vật hoang dã và Vườn thú Leibniz, Vườn thú Dvůr Králové ở Cộng hòa Séc, phòng thí nghiệm Avantea ở Ý và Cơ quan bảo vệ động vật hoang dã Ol Pejeta ở Kenya. Hildebrandt tin rằng tăng hợp tác quốc tế là tương lai của bảo tồn, chia sẻ tài nguyên mà không kỳ vọng được đền đáp. “Đó là điều đạo đức phải làm”, ông tâm niệm.

Covid-19 chặn đứng đà tiến từ năm 2019 của BioRescue, làm gián đoạn hoạt động du lịch và chuyển hướng tài trợ cho khoa học. Nhóm rất băn khoăn liệu họ có nên thu hoạch nhiều tế bào trứng hơn từ Fatu và Najin rồi đưa đến phòng thí nghiệm ở Ý giữa đại dịch toàn cầu hay không. Nhưng với chi phí đắt đỏ và tình hình phức tạp thì có được không?

Cách chúng ta trả lời câu hỏi này không chỉ xác định tương lai của tê giác mà còn định hình khả năng của mình trong việc tiên phong quá trình bảo tồn nhiều loài khác.

***

Khoản đầu tư vào tê giác là không nhỏ. Không còn bất kỳ cá thể tê giác trắng Bắc Phi đực nào nữa sau khi cá thể mang tên Sudan được chết nhân đạo ở tuổi 45 vào năm 2018. Ol Pejeta áp dụng các biện pháp an ninh nghiêm ngặt chống lại mối đe dọa săn trộm thường xuyên: kiểm lâm được trang bị vũ trang, hàng rào điện, camera cảm biến chuyển động, và giám sát bằng máy bay.

Năm 2014, các nhà khoa học phát hiện Fatu không thể thụ thai tự nhiên và mới đây Najin có một khối u lớn ở bụng bên cạnh buồng trứng trái, có khả năng ảnh hưởng đến quá trình thu hoạch trứng. Hai chân sau của Najin yếu và các bác sĩ thú y cho rằng quá trình mang thai kéo dài 16 tháng sẽ gây ra tình trạng căng thẳng đến mức suy nhược.

Tháng 12/2020, BioRescue thu hoạch 14 tế bào trứng của Fatu bằng cách sử dụng một đầu dò bằng sóng siêu âm. Mặc dù tinh trùng có thể đông lạnh được nhưng trứng chưa thụ tinh thì không. Vì vậy, trứng của Fatu được lập tức gửi qua một chuyến bay nhân đạo từ Nairobi quá cảnh qua Frankfurt rồi Milan, sau đó được đưa đến phòng thí nghiệm Avantea ở Cremona.

Khi đến Ý, trứng của Fatu đã trưởng thành và kết hợp với tinh trùng đông lạnh từ cá thể đực Suni sinh năm 1980 và chết vì nguyên nhân tự nhiên vào năm 2014. Do được thu thập khi cá thể này vẫn còn khá trẻ, tinh trùng của Suni được coi là khỏe mạnh hơn của Sudan. Sau khi 8 quả trứng của Fatu được thụ tinh, 2 quả được coi là có thể sống được và được đông lạnh vào đêm Giáng sinh, nâng tổng phôi đông lạnh lên con số 5.

Mặc dù Suni đã chết và Fatu không thể thụ thai nhưng khoa học vẫn đặt tên cho cặp đôi này là tương lai của tê giác trắng Bắc Phi.

***

BioRescue phải cân bằng các mục tiêu ngắn hạn – như tách trứng và đông lạnh phôi – với những kế hoạch dài hạn đầy tham vọng.

Hildebrandt nói: “Chúng tôi dự định sẽ có một cá thể non trong vòng 2-3 năm”.

Đầu tiên, giới khoa học sẽ cấy phôi của Suni và Fatu vào một cá thể tê giác trắng Nam Phi – phân loài tương tự đã phân tách từ tê giác trắng Bắc Phi khoảng một triệu năm trước. Owuan, cá thể tê giác trắng Nam Phi được triệt sản, đến khu bảo tồn vào đầu tháng 12/2020 để giúp chỉ ra thời điểm cá thể cái động dục, tăng tối đa cơ hội cho phôi.

May mắn thay, phôi đông lạnh không phải là cách duy nhất. Công trình nghiên cứu với chuột của nhà khoa học đoạt giải Nobel Shinya Yamanka cho thấy tế bào da có thể được biến nạp với tế bào gốc để tạo ra giao tử hay như quan niệm người ta nghĩ về nó: tê giác trong ống nghiệm.

Người chăm sóc James Mwenda cùng với 10 kiểm lâm nhiệt thành khác chăm sóc tê giác trắng cả ngày. (Ảnh: Gurcharan Roopra)

Theo Hildebrandt, có đủ mẫu tế bào da tồn tại để tạo ra đa dạng di truyền cần thiết cho một quần thể khỏe mạnh trong tương lai. Trong 20 – 30 năm, quần thể sẽ tăng lên trong các khu bảo tồn. Một ngày nào đó – có lẽ khi Fatu và các nhà khoa học ban đầu không còn nữa, tê giác trắng Bắc Phi sẽ quay trở lại Uganda – quốc gia khả thi nhất trong vùng phân bố ban đầu của tê giác.

Các phôi hiện đang được bảo quản trong bể chứa nitơ lỏng ở nhiệt độ -196C, có máy phát điện dự phòng để dự phòng an toàn. Về mặt lý thuyết, các phôi sẽ tiếp tục tồn tại trong hàng nghìn năm, chờ khoa học phát triển kịp.

Hildebrandt nói: “Nitơ lỏng giúp chúng ta có thêm thời gian”.

Bể nitơ lỏng cũng như Hầm chứa hạt giống toàn cầu Svalbard của Na Uy hay như một số người gọi là Hầm chứa ngày tận thế. Về một mặt nào đấy cũng tương tự ngân hàng tinh trùng và tế bào trứng của các loài có nguy cấp, một con tàu Noah đông lạnh, nơi phôi từ Fatu và Suni đặt cạnh với phôi cá heo vaquitas, báo gêpa và cá voi đầu bò. Đó có thể coi là một Ngân hàng sinh học.

Nhưng nitơ lỏng không thể thay thế thứ mà Hildebrandt gọi là “kiến thức xã hội”. Điều quan trọng là một cá thể tê giác trắng Bắc Phi con phải có thời gian ở cạnh Fatu và Najin để học tư thế cúi đầu thích hợp khi gặm cỏ. Hildebrandt phân tích: “Một cá thể tê giác trắng Nam Phi có thể cung cấp sữa cho tê giác trắng Bắc Phi nhưng không thể cung cấp kiến thức về loài cụ thể”.

***

Làm cách nào để chúng ta xác định loài nào đáng được cứu và hành động đến đâu? Làm thế nào để nhận ra khi chúng ta đang thúc đẩy các tiêu chuẩn bảo tồn phương Tây ở các quốc gia khác, chẳng hạn như trừng phạt những người dân địa phương đói khát săn bắt động vật để lấy thịt hoặc yêu cầu họ thay đổi tín ngưỡng văn hóa lâu đời và các tập quán y học? Bảo tồn có phải là mối quan tâm toàn cầu? Đây là những câu hỏi sẽ ngày càng được đặt ra khi hành tinh này trải qua đợt tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6.

Câu hỏi đặt ra với BioRescue là nếu nói về mặt đạo đức, có cách nào đó cộng đồng bảo tồn nghĩ về việc ưu tiên chi tiêu để ngăn chặn sự tuyệt chủng. Ví dụ, chúng ta có ưu tiên cho động vật có chức năng quan trọng trong vùng sinh thái của chúng không?

Hildebrandt chỉ ra rằng bảo tồn tính toàn vẹn của các loài và hệ sinh thái then chốt là một vấn đề sức khỏe cộng đồng: “Chúng ta có thể gặp nhiều đại dịch hơn khi các hệ thống tan vỡ” và lưu ý về HIV, Ebola, Covid cùng những đại dịch mà chúng ta chưa thể hình dung ra. Các hệ sinh thái không lành mạnh và không tự nhiên giải phóng mầm bệnh cũng như thúc đẩy dịch bệnh lây lan.

“Đây không chỉ là bảo tồn ngoại lai hay một bài tập khoa học (như dự án voi ma mút) mà còn là nỗ lực để sửa chữa một hệ sinh thái phức tạp. Chúng ta đang cung cấp giải pháp cho hành vi thiếu trách nhiệm. Sẽ khôn ngoan hơn nhiều nếu cứu các loài thông qua hành vi có trách nhiệm trong khi chúng ta vẫn còn có thể”, Hildebrandt giải thích.

“Hãy nghĩ về tất cả những thứ lố bịch khác mà con người đổ tiền vào. Nếu so sánh thì điều này có thể còn rẻ nữa”, theo Jan Stejskal, giám đốc các dự án quốc tế thuộc Sở thú Dvůr Králové. “Tôi tin vào giá trị của chính tê giác. Ai có thể gán giá trị cho một con vật? Nó không chỉ là sự tồn tại. Nó sâu sắc hơn thế”.

Hildebrandt nói: “Đó là sự tồn tại, một triết lý mới. Đối với tôi, Sudan không chết. Chết là gì? Nó đang cứu giống loài của mình. Đó là cuộc sống. Đó là một quá trình phức tạp nhưng có thể duy trì sự sống và trao cơ hội cho các thế hệ tương lai”.

Mwenda hy vọng tác động từ Covid có thể thúc đẩy người Kenya kết nối với động vật hoang dã thông qua các cơ hội thường dành cho khách du lịch. Anh muốn người Kenya coi tê giác trắng Bắc Phi không chỉ hấp dẫn với khách du lịch mà còn với cả châu Phi nữa.

“Những con tê giác này là gia đình tôi”, Mwenda nói. “Tôi dành nhiều thời gian cho chúng hơn cho gia đình. Tôi thực sự yêu chúng”. Ca của anh ấy sắp kết thúc khi buổi nói chuyện kết thúc. Ngay sau đó, anh sẽ hộ tống Najin và Fatu về chuồng vào buổi tối – thời gian yêu thích trong ngày của anh.

“Ngay bây giờ nghe có vẻ bất lực. Nhưng chúng ta có vẫn có cơ hội khá rõ ràng. Chúng ta chỉ cần hỗ trợ. Hành tinh này thật sự mong manh đến mức đáng kinh ngạc. Chúng ta phải hành động ngay bây giờ”, Hildebrandt khẳng định.

Nhật Anh (Theo Guardian)

Nguồn: