Giải quyết những bất cập trong sản xuất, kinh doanh dăm gỗ

Dăm gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của ngành gỗ Việt Nam. Thế nhưng, việc sản xuất, kinh doanh mặt hàng này đang gặp những khó khăn, bất cập cần tháo gỡ mới có thể phát triển ổn định, bền vững.

Cán bộ kiểm lâm và người dân kiểm tra rừng cây keo lai tại xã Ðồng Vương, huyện Yên Thế (Bắc Giang). Ảnh: VĂN SINH

Còn nhiều bất cập

Theo tính toán của các nhà kinh doanh mặt hàng gỗ, đối với gỗ có đường kính 15 cm trở lên sẽ được sử dụng làm gỗ xẻ. Gỗ đường kính từ 10 – 15 cm được sử dụng làm ván bóc. Gỗ đường kính dưới 10 cm và các sản phẩm phụ như cành, ngọn được sử dụng làm dăm gỗ, viên nén và ván gỗ MDF.

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay đang có sự mâu thuẫn trong việc sử dụng gỗ rừng trồng giữa các vùng miền do phụ thuộc vào năng lực chế biến từng khu vực. Tại khu vực miền trung (bao gồm các tỉnh Bắc Trung Bộ và ven biển miền trung), nơi diện tích rừng trồng chiếm 40,8% trong tổng diện tích rừng trồng của cả nước, các cơ sở chế biến sâu chỉ chiếm 23,2% trong tổng số cơ sở chế biến sâu của cả nước trong khi các cơ sở chế biến dăm lại chiếm tới hơn 60,5% tổng cơ sở chế biến dăm cả nước. Xu hướng này tương tự ở khu vực Ðông Bắc, diện tích rừng trồng chiếm 36,1%, các cơ sở chế biến sâu chiếm 11,5% và các cơ sở dăm chiếm 27,7%.

Theo một số chuyên gia lâm nghiệp, hiện vẫn có quan điểm cho rằng, ngành chế biến và xuất khẩu dăm gỗ không những xuất khẩu sản phẩm thô và không đem lại giá trị gia tăng mà còn sử dụng nguyên liệu đầu vào là gỗ nhỏ, từ đó làm hạn chế việc tạo nguồn nguyên liệu gỗ lớn cho ngành chế biến sâu, vốn đem lại giá trị gia tăng cao hơn dăm gỗ. Các cơ chế chính sách hiện nay của Nhà nước đang đi theo hướng hạn chế sự mở rộng của dăm sản xuất thô. Nhưng trên thực tế hiện nay vẫn tồn tại việc mất cân đối mang tính chất hệ thống giữa các vùng nguyên liệu rừng trồng và năng lực chế biến. Những vùng có các diện tích rừng trồng lớn nhất cũng chính là vùng có năng lực chế biến sâu hạn chế nhất, và sự hình thành, phát triển của lĩnh vực sản xuất, chế biến dăm là kết quả tất yếu của việc mất cân đối này.

Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam Ðỗ Xuân Lập nhận định, mặc dù đóng góp khá lớn vào hợp phần chung của ngành gỗ xuất khẩu, nhưng sản xuất dăm gỗ không thể tồn tại như hiện nay mà các doanh nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm (như sản xuất viên nén, bột giấy, ván gỗ MDF…) thay vì chỉ trọng tâm vào duy nhất sản phẩm dăm thô. Có như vậy mới nâng cao được hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển từ sản xuất thô sang tinh, các doanh nghiệp cũng mong muốn Nhà nước tạo cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế để thúc đẩy sản xuất dăm gỗ phát triển ổn định.

Cùng với đó, theo ý kiến một số chuyên gia, việc áp dụng thuế xuất khẩu dăm 2% như hiện nay không những không đạt được kết quả như kỳ vọng là hạn chế lĩnh vực dăm sản xuất thô mà còn tác động tiêu cực đến thu nhập của nông dân.

Bãi bỏ thuế xuất khẩu dăm là cần thiết bởi sẽ đem lại lợi ích trực tiếp cho 1,1 triệu hộ trồng rừng. Bên cạnh đó, cần thực hiện các cơ chế chính sách theo phương thức dễ tiếp cận với người dân nhằm nâng cao năng suất và chất lượng của rừng trồng cho các hộ dân. Xã hội hóa công tác khuyến lâm, huy động nguồn lực từ cả phía Nhà nước và các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ các hộ dân tiếp cận với kiến thức khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong khâu trồng và chăm sóc rừng trồng là thiết thực và cấp bách. Năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng tăng sẽ góp phần làm tăng nguồn thu cho người trồng rừng, đem lại lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường.

Phát triển hài hòa lợi ích

Việc đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn là chủ trương đúng của ngành lâm nghiệp, nhất là trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay. Muốn vậy, bên cạnh việc tăng cường năng lực đầu tư tài chính để xây dựng các vùng nguyên liệu rộng lớn, đủ sức phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ hiện đại thì các chính sách liên quan để hình thành các chuỗi liên kết đối với hoạt động sản xuất cũng được thực hiện triệt để, bảo đảm cuộc sống của người trồng rừng. Tuy vậy, trên thực tế, cả nước hiện vẫn còn rất nhiều hộ gia đình đang sử dụng đất để trồng rừng manh mún, nhỏ lẻ tại các vùng sâu, vùng xa không thể một sớm, một chiều tham gia ngay vào chuỗi cung cầu để sản xuất lớn được. Việc tiếp cận của các hộ gia đình trồng rừng, đặc biệt là các hộ ở vùng sâu, vùng xa, với thông tin về cơ chế chính sách, thị trường, khoa học kỹ thuật… hiện còn rất hạn chế.

Các tổ chức tín dụng hiện đã có chính sách tạo nguồn vốn vay ưu đãi và nguồn hỗ trợ để trồng rừng, bao gồm cả trồng rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, nhìn chung nguồn vốn này hạn chế và hầu hết các hộ chưa tiếp cận được. Ðối với nhiều hộ, thông tin thị trường đầu ra sản phẩm, bao gồm cả giá gỗ nguyên liệu, chủ yếu được cập nhật thông qua tư thương, hoặc từ các hộ khác. Thiếu thông tin khoa học kỹ thuật cũng hạn chế việc tăng năng suất rừng trồng. Trong bối cảnh này, các hộ trồng gỗ nguyên liệu cho ngành dăm gỗ không có sự lựa chọn về đầu ra cho nguồn gỗ của mình.

Ông Triệu Văn Ta, ở thôn Nà Vai, xã Kim Ðồng, huyện Thạch An (Cao Bằng) cho biết, gia đình ông hiện trồng và chăm sóc hơn 30 ha rừng, gồm ba loại cây thông, keo và mỡ. Với chu kỳ từ ba đến sáu năm hộ gia đình ông thu hoạch một lứa keo, thông và mỡ, thay vì khoảng năm đến bảy năm so với trước đây.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, mỗi dịp thu hoạch keo để bán cho các doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ, gia đình có thu nhập từ 30 – 40 triệu đồng/ha (trừ chi phí); sau khi trang trải cuộc sống, gia đình trích lại khoảng 30% số tiền để tiếp tục mua cây giống về trồng mới và đầu tư cho diện tích rừng gỗ lớn. Theo đó, nếu không có khoản tiền bán “cây non” làm nguyên liệu sản xuất dăm gỗ thì hộ gia đình ông không có tiền để lo cho cuộc sống và đầu tư sản xuất. Trồng cây ngắn ngày phục vụ nguyên liệu làm dăm để nuôi cây dài ngày, trồng rừng gỗ lớn là hướng đi đúng của hầu hết các hộ gia đình nghèo có rừng ở miền núi. Tuy vậy, các hộ trồng rừng vẫn thường xuyên phải đối mặt với các rủi ro về thiên tai, bị tư thương ép giá do chưa có cơ chế quản lý đồng bộ, mang tính chiến lược ổn định.

Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dăm gỗ đang có những tín hiệu của sự không bền vững. Giá dăm xuất khẩu luôn có xu hướng giảm trong những năm gần đây và thường dao động ở mức từ 120 – 140 USD/tấn (tùy thuộc thị trường xuất khẩu), trong khi giá gỗ nguyên liệu rừng trồng đầu vào tăng, từ khoảng 1,1 – 1,2 triệu đồng/m3. Ðiều này có nghĩa lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất dăm đang có xu hướng giảm. Do đó, để phát triển ổn định, bền vững mặt hàng dăm gỗ các doanh nghiệp phải tăng quy mô sản xuất và tìm cách giảm chi phí.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có những thay đổi đột phá trong cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư chế biến sâu vào các địa phương có các diện tích rừng trồng rộng lớn; ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao các loại hình dịch vụ hỗ trợ chế biến sâu, bao gồm cả dịch vụ công, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Các cơ chế, chính sách cần ưu tiên đa dạng hóa đầu ra sản phẩm sử dụng gỗ nguyên liệu rừng trồng, dựa trên thế mạnh của từng vùng sinh thái, từ đó góp phần tạo môi trường cạnh tranh về nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng…

Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, năm 2020 cả nước xuất khẩu 11,3 triệu tấn dăm gỗ, đạt 1,45 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu dăm gỗ lớn nhất, chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu. Riêng trong năm 2020, thị trường nước này đã nhập khẩu 7 triệu tấn dăm gỗ của các doanh nghiệp Việt Nam, đạt hơn 950 triệu USD. Tiếp đến là thị trường Nhật Bản với giá trị nhập khẩu đạt hơn 390 triệu USD…