Đông Nam Á nỗ lực để không trở thành bãi rác thế giới

Trung Quốc từng là kho phế liệu của thế giới nhưng kể từ 1/1/2021, nước này sẽ đóng cửa với rác nhập khẩu. Thông báo này thổi bùng sự lo lắng ở các nước xuất khẩu rác thải và nỗi lo này cũng tương tự như khi Trung Quốc ban hành chính sách “Chiến dịch Quốc kiếm” vào năm 2018 cấm nhập khẩu 24 loại chất thải rắn, kể cả rác thải nhựa.

Một dòng kênh ở TPHCM ngập rác nhựa. (Ảnh: Sen Nguyen)

Việc chuyển đổi chính sách năm 2018 khiến các quốc gia xuất khẩu rác thải lớn trên thế giới – châu Âu, Anh, Mỹ và Úc – phải loay hoay tìm điểm đến thay thế, bao gồm các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam và Indonesia. Ngay sau đó, các quốc gia này bắt đầu áp đặt lệnh cấm riêng và hạn chế nhập khẩu rác thải.

Thông báo mới nhất của Trung Quốc về lệnh cấm rác thải hàng loạt khiến người ta lo ngại về những ảnh hưởng đối với các nước Đông Nam Á, nơi năng lực quản lý rác thải còn hạn chế.

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chính sách rác thải năm 2018 của Bắc Kinh và chưa sẵn sàng cho nhập khẩu nhiều rác hơn. Theo một báo cáo quốc gia công bố tháng 11, các loại chất thải rắn nhập khẩu phục vụ sản xuất không những không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bảo vệ môi trường mà còn gây thêm áp lực cho công tác quản lý rác thải trong nước.

Trong khi đó, hầu hết thiết bị xử lý chất thải rắn trong nước đều chưa đồng bộ, chưa hoàn thiện và chưa phổ biến – theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việt Nam cũng chưa có hướng dẫn cụ thể nào về việc sử dụng công nghệ nào để xử lý chất thải rắn đô thị ở cấp quốc gia.

Từ năm 2018, Việt Nam kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu bằng nhiều chính sách khác nhau, kể cả sửa đổi tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia để đảm bảo chỉ được phép nhập khẩu phế liệu đạt chất lượng đồng thời xử lý hàng nghìn container giấy, nhựa và phế liệu kim loại bất hợp pháp.

Tính đến cuối tháng 10/2020, Việt Nam có khoảng 3.300 container chưa có người nhận tại các cảng, giảm đáng kể so với hàng chục nghìn container tương tự trong năm 2018, theo Tổng cục Hải quan.

Theo báo cáo gần đây của Bộ Tài nguyên & Môi trường, Việt Nam đang phải vật lộn với vấn đề rác thải ngày càng gia tăng, lượng chất thải rắn sinh hoạt tăng 46% từ năm 2010 đến 2019. Chỉ riêng năm 2019, mỗi ngày Việt Nam cần xử lý 64.700 tấn rác thải sinh hoạt đô thị, trong đó hơn 2/3 được đưa đến các bãi chôn lấp, phần còn lại được đốt hoặc ủ cho phân hủy.

Theo Viện Chiến lược và Chính sách tài nguyên và môi trường, chỉ từ 8-12% lượng rác thải này được tái chế.

Việt Nam cũng là nước sản xuất và tiêu thụ nhiều nhựa với gần 1/2 lượng nhựa sản xuất trong nước là loại sử dụng một lần. Năm ngoái, Việt Nam thông báo sẽ cấm nhập khẩu phế liệu nhựa vào năm 2025 để giảm bớt gánh nặng về môi trường.

Tại Thái Lan – nước cũng đang đối mặt với làn sóng nhập khẩu rác thải từ các nước giàu, chính phủ đã cấm rác thải điện tử và tạm dừng cấp giấy phép mới nhập khẩu rác thải nhựa vào tháng 7/2018 trước khi tuyên bố cấm hoàn toàn rác thải nhựa nước ngoài từ năm 2021. Tuy nhiên, chính sách lại trái ngược với thực tế về rác thải nhựa nhập khẩu.
“Bởi vì giấy phép nhập khẩu hiện hành chỉ có hiệu lực trong một năm, không có giấy phép hợp lệ nào tồn tại sau tháng 7 năm 2019, do đó việc nhập khẩu rác thải nhựa đáng lẽ phải chấm dứt. Tuy nhiên, nhập khẩu rác thải nhựa vẫn tiếp tục”, học giả thỉnh giảng So Sasaki thuộc Đại học Chulalongkorn cho biết.

Giám đốc Quỹ Môi trường Ecological Alert and Recovery-Thailand (EARTH) Penchom Saetang chỉ ra rằng tham nhũng là nguyên nhân chính khiến Thái Lan nhập khẩu quá nhiều rác thải nhựa và các công ty tái chế thường hối lộ giới chức chính phủ để được cấp phép hoạt động.

Dữ liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan cho thấy có 323.000 tấn rác thải nhựa nhập khẩu trong năm 2019, bằng hơn 1/2 số lượng được ghi nhận vào năm 2018.

Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 10 trên tạp chí Science Advances, Thái Lan là nước gây ô nhiễm nhựa lớn thứ 5 trên thế giới, sau Mỹ, Anh, Hàn Quốc và Đức.

Penchom cho biết từ năm 2017, việc các công ty tái chế Trung Quốc chuyển đến Thái Lan đã biến nước này thành bãi rác phế liệu nhựa và rác điện tử, đồng thời lo ngại rằng nếu chính phủ không hành động quyết liệt sẽ có thêm nhiều cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng vào năm tới do ô nhiễm từ sử dụng hóa chất trong quá trình tái chế.

Chuẩn bị hệ sinh thái rác thải

Ở Indonesia, chính phủ không thể nhập khẩu rác thải thông thường và rác thải nguy hại từ nước ngoài vì hiến pháp không cho phép, theo giám đốc quản lý chất thải rắn Novrizal Tahar thuộc Bộ Môi trường và Lâm nghiệp.

Chỉ phế liệu tái chế với tối đa 2% tạp chất mới được phép nhập khẩu.

Một phụ nữ Indonesia thu nhặt nhựa tái chế ở gần Teluk Naga, Tangerang, tỉnh Banten. (Ảnh: AFP)

Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu đến năm 2026 cho ngành nhựa có thể tự sản xuất từ phế liệu trong nước mà không phải nhập khẩu từ nơi khác, trong khi mục tiêu tương tự đối với ngành giấy sẽ đạt được vào năm 2030.

“Nhưng mọi việc không hề dễ dàng. Cần phải chuẩn bị một hệ sinh thái, số lượng bãi rác có thể tăng lên, xã hội cũng phải được khuyến khích phân loại rác”, Tahar nhấn mạnh những trở ngại trong quản lý rác thải ở Indonesia.

Indonesia, quốc gia sử dụng bãi chôn lấp trong hệ thống quản lý rác thải đã xử lý thành công khoảng 80% tổng lượng rác thải sinh hoạt và chính phủ dự kiến 100% rác thải sẽ được xử lý vào năm 2025.

Theo Aretha Aprilia, giám đốc dự án tại chi nhánh Jakarta thuộc công ty toàn cầu cung cấp dịch vụ và giải pháp về môi trường, nước, năng lượng CDM Smith,“đối với những nước như Indonesia, điều thích hợp nhất là làm từng bước, trước hết là các bãi chôn lấp hợp vệ sinh; thực hiện những bước nhỏ thôi vì nếu muốn nhảy thẳng vào [công nghệ] biến rác thải thành năng lượng, khả năng tài chính của chúng tôi vẫn chưa đủ”, phương pháp đổ rác lộ thiên hiện vẫn đang được thực hiện tại các bãi chôn lấp.

Danny Marks, Phó giáo sư về chính trị và chính sách môi trường thuộc Trường Luật và Chính phủ, Đại học Dublin City, người đã dành nhiều năm nghiên cứu về quản lý môi trường ở Đông Nam Á cho biết: Tái chế rác thải có hại cho các nền kinh tế Đông Nam Á do tác động tiêu cực tới con người và môi trường xung quanh. “Tái chế rác không chỉ gây ra các vấn đề sức khỏe lâu dài do ô nhiễm không khí từ các nhà máy tái chế, mà ô nhiễm nhựa đại dương cũng gây tổn hại cho du lịch. Hơn nữa, những nhà máy này đang góp phần làm trầm trọng thêm nguồn nước thải gần Bangkok, gây thiệt hại cho ngành nuôi trồng thủy sản ở hạ nguồn”.

Theo Marks, đại dịch virus corona làm giảm một nửa nhu cầu về nhựa tái chế trong khu vực vì suy thoái kinh tế kéo theo giảm nhu cầu về dầu, do đó làm giảm giá nhựa.

“Nhu cầu thấp cộng với nhiều tác hại từ tái chế rác thải, các nước Đông Nam Á sẽ theo bước Trung Quốc cấm nhập khẩu toàn bộ rác thải”.

Thay đổi lớn lao

Khi bắt đầu cấm nhập khẩu một số loại rác thải nhất định vào năm 2018, Trung Quốc chuyển gánh nặng tiêu thụ rác từ các nước phát triển sang Đông Nam Á, đồng thời dẫn tới những thay đổi khác, bao gồm cả việc sửa đổi Công ước Basel điều chỉnh các hoạt động di chuyển xuyên biên giới của rác thải độc hại. Sửa đổi (được hầu hết các quốc gia trên thế giới đồng ý ngoại trừ Mỹ) quy định rằng rác thải nhựa không thể tái chế bị cấm vận chuyển đến các nước nghèo hơn nếu các quốc gia này không chấp nhận. Công ước sửa đổi sẽ có hiệu lực vào tháng 1/2021.

Trong khi đó, tác động theo thời gian thực của lệnh cấm nhập khẩu rác thải toàn diện năm 2021 của Trung Quốc đối với các nước như Đông Nam Á vẫn chưa hiển hiện.

Công nhân vác chai nhựa ở gần làng Dongxiaokou, ngoại ô Bắc Kinh. (Ảnh: Getty Images)

Abi Aguilar, nhà vận động khu vực Đông Nam Á thuộc Greenpeace cho biết sẽ không ngạc nhiên nếu nhiều rác thải nhựa sẽ lại tìm đường đến khu vực và “các nước phát triển lợi dụng các chính sách quản lý rác thải không nhất quán ở các nước Đông Nam Á để thúc đẩy xuất khẩu rác thải nhựa của họ”.

Những thách thức trong việc xử lý và giám sát thặng dư rác thải nhựa ở cả nước xuất khẩu và nhập khẩu đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bất hợp pháp trong buôn bán và xử lý rác thải, theo báo cáo về quản lý rác thải nhựa toàn cầu do Interpol công bố vào tháng 8/2020.

“Khi các quốc gia nhập khẩu rác thải trên thế giới đưa ra luật mới hạn chế nhập khẩu rác thải nhựa, Interpol ước tính rất có thể hoạt động buôn bán rác thải nhựa sẽ tiếp tục thích ứng và chuyển hướng sang các nước mới”, báo cáo cho biết thêm những điểm tiếp nhận rác mới sẽ có thể là các nước Đông Nam Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Aguilar thừa nhận rằng các nước Đông Nam Á đang nỗ lực để không trở thành bãi rác của thế giới, nhưng các biện pháp này có lẽ không hiệu quả hoặc đủ để giải quyết vấn đề.

”Vì những nỗ lực này là đơn phương, tái chế rác sẽ vẫn là một vòng luẩn quẩn và bị ảnh hưởng bởi các nước xuất khẩu phát triển đang tìm kiếm một điểm đến tiềm năng khác cho rác thải”, trong đó ASEAN cần phối hợp và đưa ra một tuyên bố chung khẩn cấp để chấm dứt buôn bán nhựa nhập khẩu rác thải từ nước ngoài, còn các nước xuất khẩu cũng nên thiết lập và nâng cao hoạt động tái chế rác thải nhựa trong nước.

Nhật Anh (Theo SCMP)

Nguồn: