Hải Phòng: Khó kiểm soát chất lượng nước sạch

ThienNhien.Net – Ông Vũ Hồng Dương, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Hải Phòng cho biết khoảng chục năm nữa chất lượng nước sạch của thành phố khó có thể kiểm soát được do tất cả 4 hệ thống sông cung cấp nước cho việc sản xuất nước sạch của thành phố đều trong tình trạng bị ô nhiễm, hoặc có nguy cơ ô nhiễm cao.

Ô nhiễm nặng nhất là sông Rế, sông Đa Độ, tiếp đến là sông Chanh. Một dự án sân golf quy mô lớn đang dần được hình thành bên bờ sông Giá (sông được coi là sạch nhất của thành phố) cũng đang gây không ít những lo âu cho những nhà máy sản xuất nước sạch ở Thuỷ Nguyên.

Một loạt các nhà máy công nghiệp mới hình thành và sự tồn tại của các cánh đồng, nghĩa trang nằm ven sông và đổ trực tiếp nước thải vào các con sông cấp nước sinh hoạt cho thành phố Hải Phòng đang dần “giết” chết những nguồn nước sống của người dân thành phố.

Lãnh đạo Công ty cấp nước thành phố cho biết những năm gần đây, lượng hóa chất mà các nhà máy nước phải sử dụng tăng cao gấp nhiều lần so với trước kia thì mới đảm bảo độ sạch của nước sinh hoạt cấp cho nhân dân.

Theo số liệu giám sát chất lượng nguồn nước của các cơ quan chức năng cho thấy, gần đây chất lượng nước thô tại các con sông cung cấp nước cho các nhà máy nước của Hải Phòng ngày càng giảm, mức độ ô nhiễm ngày càng cao, nhiều chỉ tiêu đã vượt quá giới hạn mà tiêu chuẩn Việt Nam cho phép đối với nước mặt dùng làm nguồn cung cấp nước sinh hoạt. Điển hình nhất là chỉ tiêu vi khuẩn coliform đã vượt ngưỡng cho phép gần 5 lần; hay chỉ tiêu độ oxy hóa có sông vượt ngưỡng cho phép tới 8-9 lần.

Ông Nguyễn Đức Thiện, Phó Giám đốc nhà máy nước An Dương, cho biết để bảo vệ nguồn nước mặt, Công ty vừa mới đầu tư 4,7 tỷ đồng xây dựng 400m kè sông trong khu vực trạm bơm Quán Vĩnh – nơi cung cấp khoảng 80% lượng nước sạch cho các quận nội thành của Hải Phòng, nhưng cách hơn 200m về phía thượng nguồn lại có hệ thống nước thải của các cánh đồng phường Hùng Vương đổ ra sông nên nguồn nước thô vào trạm vẫn bị ô nhiễm nặng.

Ông Thiện cho biết thêm bình quân một tháng có tới 20 ngày nước thô ở trạm bơm Quán Vĩnh này có màu đen lờ lờ, bị nhiễm độc do các chất thải hóa chất nên việc lọc nước rất khó khăn và tốn kém. Theo quy định của nhà nước, khu vực I, II là vùng nghiêm cấm không được thải nước thải công nghiệp hay sinh hoạt, mặc dù đã được xử lý, thế nhưng trên các sông Đa Độ, sông Rế một loạt hệ thống nước thải công nghiệp, sinh hoạt vẫn theo các hệ thống cống dẫn đổ ra sông.

Bên cạnh đó, hàng trăm cơ sở sản xuất nằm rải rác như việc xả thải của 4 cơ sở chế biến rau câu ở xã Mỹ Đức (mới đây mới tạm đình chỉ hoạt động) hay cả làng “ve chai” ở phường Tràng Minh (Kiến An) hàng ngày thải một khối lượng lớn hóa chất ra sông Đa Độ là ô nhiễm nặng con sông này. Các nghĩa trang ở khu 4 phường Tràng Minh, phường Lê Lợi, xã Tân Tiến… nằm sát bờ sông vẫn tiến hành mai táng mới càng làm cho sông Rế, Đa Độ bị ô nhiễm nặng.

Lãnh đạo Công ty cấp nước thành phố cho biết để giảm thiểu độ ô nhiễm nguồn nước và đảm bảo độ an toàn cho nước sinh hoạt, phía công ty phải sử dụng một lượng hóa chất phù hợp, clo hóa sơ bộ để giảm thiểu hữu cơ, khử trùng diệt khuẩn coliform; đồng thời đầu tư xây dựng hệ thống kè bảo vệ nguồn nước tại các trạm thu nước, cắm mốc chỉ giới bảo vệ nguồn nước tại các khu vực lấy nước như Quán Vĩnh, Cầu Nguyệt, Vật Cách. Tuy nhiên, các biện pháp trên chưa đủ mạnh và tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt để sản xuất nước sinh hoạt cho thành phố vẫn còn tồn tại và diễn biết phức tạp, khó kiểm soát.