Xây dựng các mẫu nhà an toàn trong phòng chống thiên tai

Kiến trúc sư cho biết xây nhà an toàn trong phòng chống thiên tai phải an toàn, bền vững tránh tính tạm bợ, bị động đồng thời phải đảm bảo môi trường sống trước, trong và sau thiên tai.

“Năm 2020, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các cơ quan chức năng ban hành hướng dẫn mẫu nhà ở phù hợp, an toàn trong phòng chống thiên tai để các địa phương tham khảo, cùng với đó Tổng cục phòng chống thiên tai phối hợp triển khai xây dựng mẫu nhà mới an toàn trong phòng chống thiên tai gồm: các nhà mẫu của dân, nhà mẫu của cộng đồng, tổ hợp nhà mẫu… theo hình thức xã hội hoá… Về lâu dài, cần tham mưu với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình về nhà ở an toàn trong phòng chống thiên tai.”

Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp tại cuộc họp về nhà ở an toàn phòng chống thiên tai diễn ra sáng 16/12, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc làm nhà ở an toàn phòng chống thiên tai phải tích hợp các yếu tố, đặc điểm, tham số của quy hoạch ngành vào quy hoạch không gian, lồng ghép quy hoạch xây dựng nhà ở an toàn gắn với giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào cho biết xây nhà an toàn trong phòng chống thiên tai phải mang tính khả thi, an toàn, bền vững tránh tính tạm bợ, bị động đồng thời phải đảm bảo môi trường sống trước, trong và sau thiên tai.

Giáo sư, Tiến sỹ, Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông, Chủ tịch Hội đồng kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết việc xây dựng nhà phải an toàn, bền đẹp, đảm bảo chất lượng sống cao. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà an toàn trong thiên tai cần phải có phải có chương trình quốc gia và có sự tham gia trực tiếp của người dân trong việc thiết kế, xây nhà chống thiên tai.

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Quảng Trị Bùi Đức Huy cho rằng cần phải tính toán kỹ để xây dựng nhà phòng chống thiên tai phù hợp đặc điểm của từng địa phương, vùng miền, có công năng sử dụng cao. Việc xây dựng nhà phòng chống thiên tai là một chủ trương lớn, đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

Ông Hoàng Thanh Tùng, đại diện Trường Đại học Thủy lợi, khẳng định Trường sẽ phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các đơn vị liên quan cung cấp các thông tin đầu vào (tình hình ngập lũ, thời gian lũ ngập tại các địa phương, mức độ ảnh hưởng và tác động của lũ, lũ quét, sạt lở đất…) để hỗ trợ trong việc xây dựng nhà an toàn phòng chống thiên tai.

Tiến sỹ, Kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cam kết sẽ phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai trong công tác thiết kế, xây dựng mẫu nhà ở an toàn trong công tác phòng chống thiên tai.

Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục phòng chống thiên tai Đoàn Tuyết Nga cho biết sẽ chủ động tham mưu cho Tổng cục phòng chống thiên tai và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai các mẫu nhà ở an toàn trong Dự án GCF – Dự án tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam do Quỹ khí hậu xanh tài trợ không hoàn lại thông qua Chương trình phát triển của Liên hợp quốc nhằm thiết kế, xây dựng nhà phù hợp, an toàn trong phòng chống thiên tai đạt hiệu quả nhất.

Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đã trao đổi, chia sẻ những vấn để liên quan đến thiết kế, xây dựng nhà ở an toàn trong phòng chống thiên tai.

Nguồn: