Quảng Trị yêu cầu thủy điện điều tiết, cắt lũ “phải rất nghệ thuật”

Tỉnh Quảng Trị yêu cầu các chủ đầu tư thủy điện thực hiện nghiêm túc việc điều hành xả lũ một cách khoa học, đặc biệt điều tiết, cắt lũ phải “rất nghệ thuật”.

Các nhà máy thủy điện ở Quảng Trị đã nộp trên 87,5 tỷ đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. (Ảnh: Công Điền)

Đã nộp trên 87,5 tỷ đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị về việc rà soát, kiểm tra, đánh giá các dự án thủy điện có chuyển mục đích sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh gửi UBND tỉnh Quảng Trị, đến nay ở địa phương này đã có 10 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động và 5 công trình thủy điện đang xây dựng.

Đối với các nhà máy thủy điện đi vào hoạt động đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng về Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Trị từ 2012 đến thời điểm hiện tại là 87.580.406.000 đồng.

Nguồn thu chi trả dịch vụ môi trường rừng từ các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh không nhiều nhưng đã góp phần tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng và xóa đói giảm nghèo đối với hơn 15 xã vùng sâu vùng xa nằm trong lưu vực thủy điện.

Qua đó, góp phần nâng cao đời sống cho hơn 1.718 hộ gia đình, cá nhân và 44 cộng đồng thôn dân cư, nhóm hộ gia đình là chủ rừng và 2.096 hộ gia đình thuộc các cộng đồng, nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng.

“Từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, các tổ chức, hộ gia đình và cộng đồng đã tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng, tình trạng cháy rừng, xâm lấn đất rừng… dần dần được hạn chế tại các vùng sâu, vùng xa”, báo cáo nêu rõ.

Để việc thực hiện chi trả dịch vụ rừng được thực nghiệm túc, tỉnh Quảng Trị yêu cầu các nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động, hàng tháng, quý phải nộp đầy đủ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng về Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng tỉnh để làm cơ sở chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng kịp thời đúng theo quy định.

Điều tiết, cắt lũ “phải rất nghệ thuật”

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, hiện nay, do biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến rất phức tạp, mưa lũ kéo dài, nên yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc việc điều hành xả lũ một cách khoa học, đặc biệt chú ý điều hành, điều tiết, cắt lũ phải điều hành “rất nghệ thuật”. “Thảm họa hay không là do công tác điều hành, vận hành ở các trục hồ rất lớn”, báo cáo nhấn mạnh.

Việc điều tiết, cắt lũ tốt của các thủy điện sẽ hạn chế tình trạng ngập lụt ở vùng hạ du. (Ảnh: Duy Hùng)

Các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ tiến hành giám sát chặt chẽ quy trình xả lũ của thủy điện nhỏ. Về mùa khô sẽ cân đối lại lượng nước tại các hồ thủy điện để phân bổ cho vùng hạ lưu để phát triển sản xuất.

Đối với các công trình thủy điện đang tiến hành xây dựng, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị yêu cầu tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ chủ đầu tư và các đơn vị thi công các công trình thủy điện. Yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị thi công không được làm ảnh hưởng đến diện tích rừng, thực hiện nghiêm túc công tác phòng cháy chữa cháy rừng, không được khai thác rừng trái phép, săn bắt, đặt bẫy động vật hoang dã… Nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và có thể đề xuất cơ quan chức năng tạm dựng thi công.

Đối với các dự án thủy điện mở mới, bắt buộc các chủ đầu tư phải thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo đúng quy định tại Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 (nếu dự án có rừng).

Đặc biệt, không thực hiện việc chuyển đổi rừng tự nhiên sang thực hiện các dự án thủy điện, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt.

Hạn chế xây dựng thủy điện nhỏ

Cũng theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, do địa phương này có địa hình hẹp về bề ngang, các con sông ngắn, dốc, nguy cơ sạt lỡ đất, lũ ống, lũ quét vào mùa mưa bão rất cao. Vì vậy, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị đề nghị nên hạn chế tối đa phát triển thủy điện nhỏ, nhất là các công trình thủy điện có ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, thay đổi dòng chảy tự nhiên các dòng sông.

Đối với các dự án thủy điện trong quy hoạch, triển khai thực hiện giai đoạn 2021 – 2030, thời gian tới chưa quy hoạch dự án thủy điện mà tập trung chỉ đạo hoàn thành 5 công trình thủy điện đang triển khai. Đồng thời, thống kê, đánh giá tình hình thực hiện trồng rừng thay thế tại các dự án thủy điện đã chuyển mục đích sử dụng rừng.