Khai thác tiềm năng ven biển Cà Mau (Kỳ cuối)

ThienNhien.Net – Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau chính thức khuyến cáo nuôi tôm theo mô hình sinh thái, hạn chế nuôi theo mô hình công nghiệp-bán công nghiêp (CN-BCN). Để quản lý đất bãi bồi ven biển, các tỉnh này từng bước quy hoạch lại các 10 hợp tác xã (HTX)nuôi nghêu, sò ven biển tại vùng Bán đảo Cà Mau (BĐCM); quy hoạch du lịch ven biển….Dẫu hơi muộn, nhưng viêc chăm lo đời sống cho dân nghèo ven biển được xem là một cách nhằm hạn chế việc khai thác bãi bồi quá mức.

Kỳ 1: Ngụp lặn những mảnh đời ven biển

Kỳ 2: Khai thác tiềm năng ven biển Cà Mau

Kỳ cuối: Đóm lửa cuối đường hầm

Năm 2006, tỉnh Bạc Liêu xuất ngân sách trên 400 triêu đồng hỗ trợ cho các HTX nuôi nghêu và can thiêp với Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cho các hộ dân vay vốn để góp vào HTX. Năm 2008, Bạc Liêu đã bỏ ra trên 300 triệu đồng để  “nuôi” những HTX nuôi nghêu này nhằm củng cố lại môi trường ven biển. 

Ông Sơn Kim Hùng, Chủ nhiêm HTX nuôi nghêu, sò Biển Đông A cho biết: Gọi là HTX cho oai chớ thực chất hoạt động không đúng luật. HTX có 1.024 xã viên, hầu hết là người dân tộc Khmer nghèo không đất sản xuất. Trước đây họ ra biển bắt nghêu, sò sinh sống”. HTX “sở hữu” 1.160 ha diên tích bãi bồi ven biển thuộc xã Vĩnh Trạch Đông. HTX hoạt động được tỉnh hỗ trợ con giống, đất và miễn thuế. Năm 2007 HTX hòa vốn, xã viên được ăn chia không nhiều. Trong khi đó, tại huyện Hòa Bình, 4 HTX nuôi nghêu ven biển gần như không hiệu quả.

 Ông Phan Trường Giang, Giám đốc Sở Thuỷ sản Bạc Liêu cho biết: “Chúng tôi khoanh nuôi nghêu, sò trên bãi biển mục đích chính là giúp dân nghèo có thu nhập ổn định và bảo vệ môi trường ven biển. Chính vì vậy so với luật thì sai vì họ không có vốn, không tài sản để góp vốn, nhưng giải quyết hết gần 4.000 người nghèo là viêc nên làm”.

Tại huyện Ngọc Hiển, một HTX nuôi nghêu thuộc xã Đất Mũi (từ Khai Long đến Vàm Xoáy được hình thành bước đầu đem đến hiêu quả cao, tạo công ăn việc làm cho trên 300 người dân nghèo mà trước đây được gọi là “nghêu tặc”. Ông Trần Thành Chen, Bí thư huyện uỷ huyện Ngọc Hiển cho biết: “Chúng tôi sẽ quy hoạch lại việc khai thác rừng hợp lý, quy hoạch lại bãi bồi; giải quyết mâu thuẫn giữa du lịch và những người địa phương nghèo ven biển ngay trong năm nay. Không thể để dân tự phát sản xuất rồi chính quyền mới chạy theo sau”.

 dientichmuoi
NTTS không có quy hoạch trong nhiều năm qua căn bản đã làm giảm diện tích rừng ngập mặn một cách nhanh chóng. Không những thế, diện tích bề mặt làm muối cũng giảm đi đáng kể. (Ảnh: Nhật Hồ)

Trong khi đó tại huyện Vĩnh Châu, huyện xây dựng các làng ven biển có đường, điện, nước sinh hoạt một cách đàng hoàng cho dân nghèo. Để những hộ này có thu nhập, huyện tạo điều kiên bằng cách cho mượn đất sản xuất, ưu tiên tuyển dụng lao động vào bảo vê các đầm tôm của huyện. Bạc Liêu cũng quy hoạch làng tái định cư tại xã Vĩnh Trạch Đông (Thị xã Bạc Liêu), Vĩnh Thịch, Vĩnh Hậu (huỵên Vĩnh Lợi) cho những người nghèo ven biển.

Tỉnh cũng quy hoạch các khu du lịch ven biển, đồng thời xây dựng các xóm dân cư dọc theo tuyến đê biển. Ông Cao Anh Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng định: “Bằng mọi cách phải làm cho người dân nghèo ven biển có công ăn việc làm, có thu nhập. Không thể nói họ là những lưu dân tỉnh khác, không có hộ khẩu thì “tránh”  họ được. Cũng không thể để họ lấn chiếm đất lâm phần làm nhà ở mãi được. Đã đến lúc phải thay đổi cách nghĩ về những người dân ven biển. Muốn bảo vệ được bãi bồi, trước tiên phải chăm lo đời sống của những người nghèo ven biển”.

HTX nuôi nghêu chưa phải là cứu cánh để bảo vê vùng bãi bồi ven biển, nhưng dẫu sao nó cũng giải quyết số lượng lớn dân nghèo ven biển có công ăn viêc làm mà không phải ra biển “đụng thứ gì bắt thứ ấy”. Để bãi bồi vùng BĐCM trở lại nguyên bản của nó, rất cần những nghiên cứu, quy hoạch. Bởi tại vùng đất này đâu chỉ có con tôm, con sò, con nghêu, hạt muối và những dự án du lịch sinh thái đơn lẻ. Sẽ ra sao khi đất bãi bồi ven biển bị băm nát bởi những cuộc mưu sinh nhọc nhằn của những người nghèo?