Thái Lan dùng kinh tế sinh học để phát triển đất nước

Thái Lan đang phát triển nền kinh tế sinh học để sử dụng các tài nguyên tái tạo và phế thải, tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng hỗ trợ cho kế hoạch trở thành trung tâm sinh hóa ASEAN vào năm 2027.

Một góc Thủ đô Bangkok của Thái Lan. Ảnh: Ngọc Quang – PV TTXVN tại Thái Lan

Khi ngành công nghiệp nhựa tiếp tục mở rộng, kinh tế sinh học có thể tạo ra doanh thu cao cho các nhà sản xuất, nhưng có mối quan tâm lớn về môi trường vì hầu hết các loại nhựa đều không thể phân hủy sinh học.

Điều này khiến một số nhà sản xuất tìm ra những cách sáng tạo để sản xuất nhựa, cũng như phát triển các sản phẩm khác dựa trên sinh học và năng lượng sinh học.

Kinh tế sinh học không chỉ nhấn mạnh quan điểm phát triển kinh tế thân thiện với môi trường mà còn hứa hẹn doanh thu lành mạnh cho nông dân và các cơ hội kinh doanh cho những nhà sản xuất nhựa và các doanh nghiệp nông nghiệp khác.

Viện Nhựa Thái Lan (PITH), một cơ quan nhà nước trực thuộc Bộ Công nghiệp Thái Lan, đang dự báo triển vọng tươi sáng cho ngành này trong năm tới, nhờ nhu cầu mạnh mẽ trong các phân khúc như thực phẩm và đồ uống, chăm sóc cá nhân, máy tính và điện tử.

Truyền thông sở tại dẫn lời Chủ tịch PITH Veera Kwanloetchit tin rằng thị trường nhựa toàn cầu, đặc biệt là phân khúc bao bì, sẽ mở rộng trong năm tới khi bao bì nhựa và các sản phẩm làm từ nhựa khác đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày.

Lượng tiêu thụ nhựa đã tăng lên trong thời kỳ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và điều này có vẻ trái ngược với chiến dịch chống rác thải nhựa.

Chính phủ Thái Lan đã phát động chiến dịch giảm sử dụng nhựa vào ngày 1/1/2020, yêu cầu các cửa hàng không phát túi nhựa sử dụng một lần cho khách hàng.

Nhưng gần một năm sau, nhu cầu về hạt nhựa, một nguyên liệu thô cần thiết trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, đã tăng lên. Theo PITH, kinh tế phục hồi sẽ chỉ làm tăng nhu cầu về nhựa.

Thái Lan là nước sản xuất nhựa lớn nhất ASEAN. Các nhà máy, chủ yếu đặt tại Khu công nghiệp Map Ta Phut ở tỉnh Rayong, sản xuất nhiều loại vật liệu nhựa từ polypropylene (PP) và polyethylene (PE) đến polyethylene mật độ cao (HDPE) để bán trong nước và nước ngoài.

PITH ủng hộ những đổi mới mà sẽ đưa ngành công nghiệp nhựa Thái Lan phát triển bền vững. Một sứ mệnh là kết nối sự phát triển của ngành nhựa song song với ngành mía đường.

Ekapat Wangsuwan, Tổng thư ký Văn phòng Ủy ban Mía đường (OCSB), cho biết Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu hỗ trợ nông dân trồng mía bằng cách tăng giá mía và phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Việc sản xuất nhựa sinh học sử dụng đường mang lại nhiều hứa hẹn.
Thái Lan là nước sản xuất đường lớn thứ tư thế giới và là nhà xuất khẩu đường lớn thứ hai sau Brazil. Các đồn điền mía bao phủ 11,4 triệu mẫu Thái (1.824.000 ha) ở 47 tỉnh của Thái Lan. Cả nước có 57 nhà máy đường với công suất 983.587 tấn/ngày.