Còn phá rừng, còn thảm họa thiên tai

Tổn thất nặng từ bão lũ, hạn hán bất thường, sạt lở đất sẽ còn tiếp diễn với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn nếu nạn phá rừng tự nhiên không được ngăn chặn triệt để

Mưa bão gây nên lũ lụt dữ dội ở miền Trung trong những năm gần đây, đặc biệt là tình trạng sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng ở vùng núi cướp đi không ít sinh mạng, tài sản của người dân như đã thấy vừa qua là có nguyên nhân mất rừng tự nhiên. Thực trạng rừng tự nhiên bị tàn phá cũng đã làm “nóng” nghị trường Quốc hội (QH) tại kỳ họp thứ 10 vừa qua. Giải pháp nào để ngăn chặn hiệu quả nạn phá rừng?

Thiệt hại trung bình trên 2.000 ha mỗi năm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết diện tích rừng bị thiệt hại giai đoạn 2011-2015 là 13.239 ha, trung bình 2.700 ha/năm; giai đoạn 2016-2019, diện tích rừng bị thiệt hại là 7.283 ha, trung bình 2.430 ha/năm.

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, khai thác quá mức lâm sản (hợp pháp và bất hợp pháp) là nguyên nhân chính khiến diện tích rừng tự nhiên của Việt Nam bị suy giảm trong nhiều thập kỷ qua.

Một vụ phá rừng quy mô lớn trên địa bàn huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk vào tháng 6-2020 Ảnh: CAO NGUYÊN

Trước thực trạng suy giảm diện tích rừng tự nhiên đến mức đáng lo ngại trên, từ năm 2016, Chính phủ đã chỉ đạo “đóng cửa” rừng tự nhiên. Tuy nhiên, nạn khai thác lâm sản trái phép vẫn âm ỉ tiếp diễn.

Trong báo cáo gửi tới kỳ họp thứ 10 của QH vừa qua, Chính phủ cũng nhìn nhận vẫn còn những điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ. Cháy rừng, mất rừng vẫn tiềm ẩn rủi ro. Sự vào cuộc của chính quyền một số địa phương còn thiếu quyết liệt, nhất là tại một số vùng trọng điểm phá rừng như: vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.

Bảo vệ nghiêm ngặt, được không?

Giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đặt ra mục tiêu bảo vệ và phát triển bền vững đối với toàn bộ 14,609 triệu ha rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021-2025. Giảm tối thiểu 10%/năm về số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại so với năm 2020. Liệu có làm được con số này không là câu hỏi vẫn chưa có lời đáp.

Bộ trưởng NN-PTNT cho rằng bảo vệ rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Phải có trách nhiệm và cố gắng cao nhất. Phải bảo vệ rừng một cách nghiêm ngặt, phải tăng cường biện pháp quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, trong đó có trách nhiệm của từng cơ quan, từng địa phương, đặc biệt là phải áp dụng chế tài mạnh trong xử lý hình sự về những vi phạm rừng. “Năm 2019, chúng ta đã xử lý hình sự tới 373 vụ và khởi tố 48 vụ. Theo chúng tôi, vẫn phải kiên quyết làm, phải làm tích cực hơn nhiều” – bộ trưởng NN-PTNT nói.

Còn nhớ, tại hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên được tổ chức vào ngày 20-6-2016 ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ đã ra lệnh đóng tất cả rừng tự nhiên và Văn phòng Chính phủ ngay sau đó đã ban hành Thông báo 191/TB-VPCP, trong đó có thực hiện nghiêm túc đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên. Tuy nhiên, sau chỉ đạo của Thủ tướng, tình trạng phá rừng vẫn ngang nhiên diễn ra.

Đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định tại hội nghị này, mặc dù rừng đã được giao trách nhiệm quản lý nhưng thực tế đang rơi vào tình trạng vô chủ, “cha chung không ai khóc” vì không quy rõ trách nhiệm đến từng tập thể, cá nhân mỗi khi mất rừng. Thủ tướng cũng cho rằng lực lượng chức năng chưa làm tốt nhiệm vụ, số lượng vụ việc được điều tra, xét xử liên quan đến xâm phạm rừng còn rất ít. Tình trạng bảo kê lâm tặc của những người có nhiệm vụ đang diễn ra phổ biến. Nhận định này của Thủ tướng đến nay vẫn nguyên giá trị.

Báo cáo tổng kết 3 năm thực hiện lệnh “đóng cửa rừng tự nhiên” của Bộ NN-PTNT đã thừa nhận: Tình trạng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép vẫn diễn ra ở một số địa phương với các thủ đoạn ngày càng tinh vi (tuy quy mô không lớn). Một bộ phận cán bộ quản lý còn thiếu trách nhiệm trong công tác, thậm chí còn tiếp tay cho phá rừng, buôn lậu gỗ, lâm sản…

Vì sao nạn khai thác rừng tự nhiên trái phép vẫn diễn ra, bất chấp pháp luật? Không khó tìm câu trả lời…

Thấm thía cái giá phải trả

Báo cáo của NN-PTNT ghi nhận tổng diện tích rừng cả nước vào năm 1945 là 14,3 triệu ha, độ che phủ của rừng chiếm 43% diện tích đất tự nhiên. 30 năm chiến tranh (1945-1975) là giai đoạn rừng Việt Nam bị thu hẹp lại khá nhanh, do nhiều nguyên nhân.

Theo kết quả của Viện Điều tra và Quy hoạch rừng (năm 1995), trong thời gian 20 năm từ năm 1975 đến 1995, diện tích rừng tự nhiên giảm hơn 2 triệu ha, độ che phủ rừng chỉ còn khoảng 28,2% diện tích đất tự nhiên. Đặc biệt nghiêm trọng ở một số vùng, như Tây Nguyên giai đoạn 1975-1995 mất 440.000 ha rừng, vùng Đông Nam Bộ mất 308.000 ha, vùng Bắc Khu IV cũ mất 243.000 ha, vùng Bắc Bộ mất 242.500 ha. Thống kê cho thấy từ năm 1996-2000, ở các tỉnh Tây Nguyên, trung bình mỗi năm mất 10.000 ha rừng tự nhiên.

Đại biểu QH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng dù giải thích bằng bất cứ lý do gì về biến đổi khí hậu bất thường, lượng mưa kỷ lục, núi sạt lở hay ngập lụt lớn kéo dài… như vừa qua thì chắc chắn chúng ta có thể nhận ra là đã mất quá nhiều rừng tự nhiên.

Theo ông Thắng, câu chuyện hủy hoại về rừng không còn mới. Song nhìn lại lũ lụt, sạt lở miền Trung càng thấy thấm thía cái giá phải trả cho sự tàn phá này.

Trong hơn 20 năm qua, các dự án thủy điện nhỏ ồ ạt được xây dựng với những quy mô khác nhau, cùng với mưu sinh của người dân và nhu cầu phát triển hạ tầng, hàng chục ngàn hecta rừng đầu nguồn mất đi, chỉ tiêu phấn đấu về độ che phủ rừng hằng năm đều tăng. “Nhưng điều đó không nói được nhiều về chất lượng, khả năng giữ đất, giữ nước, sức chống chịu thiên tai khi mà diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ngày một giảm đi” – ông Thắng nhấn mạnh.