Sống trong ô nhiễm

Nghề đồ gỗ phun sơn đã giúp nhiều hộ nông dân ở thôn Bến Trung, xã Bắc Hồng (Đông Anh – Hà Nội) thoát nghèo và làm giàu, nhưng bên cạnh sự phát triển của làng nghề, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng trở nên trầm trọng. Bụi sơn, tiếng ồn… đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe của người dân.

89,1% bệnh nhân mắc bệnh hô hấp

Đó là con số đáng báo động mà Trạm Y tế xã Bắc Hồng báo cáo. “Ô nhiễm môi trường làng nghề từ lâu đã là “vấn nạn” của nhiều địa phương trong cả nước, nhưng nếu cứ tiếp tục tình trạng chủ quan, coi thường sức khoẻ như những hộ làm nghề nơi đây thì chắc chắn số bệnh nhân mắc bệnh hô hấp và bị tai nạn lao động sẽ không dừng lại ở đó”, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, điều dưỡng viên Trạm y tế xã than thở.

Riêng tháng 11/2007, trong số 55 người ở thôn Bến Trung đến khám sức khỏe, đã có tới 49 người (trong đó có nhiều trẻ em) bị ho, viêm phổi, viêm đường hô hấp hoặc bị đứt chân tay, đứt gân.

Nếu không tận mắt chứng kiến công nghệ phun sơn, làm gỗ ép ở đây chắc hẳn ai cũng sẽ nghi ngờ sự chính xác của những con số trên. Thôn Bến Trung hiện có khoảng 500 hộ với trên 2.000 khẩu, diện tích đất thổ cư chỉ có 29ha nhưng có tới gần 50 xưởng sản xuất đồ gỗ phun sơn.

Như vậy, bình quân 1 xưởng /11 hộ dân, đó là chưa kể khoảng 10 hộ chuyên làm gỗ ép, đồ gỗ mỹ nghệ, nội thất. Máy móc vận hành cả ngày lẫn đêm, thậm chí ầm ĩ đến 2 giờ sáng. “Đó là lúc công nhân làm các khâu cưa, xẻ, ép gỗ… nghỉ ca nên họ thường phun sơn. Sơn phun nhiều tới mức nhìn trời như một màn sương”, anh Nguyễn Văn Hồng, người dân thôn Quan Âm (thôn giáp với Bến Trung) cho biết.

Đường vào trung tâm xã Bắc Hồng khá sạch sẽ, tấp nập xe tải, công nông chở gỗ. Vào sâu trong thôn, khắp các ngõ đều thấy gỗ chất đống hai bên đường, bụi bám trắng trên cánh cửa, mái nhà và cây cối. Tiếng máy cưa, máy xẻ gỗ kêu rào rào.

Có lẽ, thời gian vừa qua dịch bệnh xuất hiện nhiều, cán bộ các ban ngành kiểm tra thường xuyên nên hầu như các xưởng phun sơn đều đề cao cảnh giác, nhà nào cũng cửa đóng then cài.

Vào bên trong xưởng của gia đình chị Lan, trong góc nhỏ rộng chừng 2m2, giữa cảnh tranh tối tranh sáng có 4 công nhân đang hì hục sơn. Mùi sơn bốc lên đến ngạt thở, bụi sơn bám đầy vào chân tay, quần áo. Dưới sàn nhà đen cáu, vỏ thùng sơn, chổi quét, máy phun sơn, giấy ráp và những mảnh gỗ vứt lổng chổng. Không ai có thể chịu nổi mùi sơn đang xộc vào cổ họng như thế này.

Không chỉ có bụi, tiếng ồn, mùn cưa, bụi sơn còn ngấm xuống đất, ăn vào nguồn nước ngầm. Điều đáng lo ngại là hầu hết bà con trong thôn đều dùng giếng khoan. Mặc dù hệ thống cống thoát nước ở đây đã được kiên cố hóa nhưng do lượng nước thải ngày càng lớn, cộng với mùn cưa, rác rưởi nên cống thường xuyên tắc nghẽn, đen quánh. Những ngày mưa lớn, nước cống tràn cả ra đường, bốc mùi hôi thối rất khó chịu.

Buông lỏng quản lý?

Được biết, khi đăng ký sản xuất kinh doanh, các hộ phải ký cam kết về đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo phòng cháy – chữa cháy, an toàn lao động. Tuy nhiên, do chính quyền buông lỏng quản lý nên các hộ ngang nhiên xả thẳng nước thải ra cống thoát nước chung. Từ đây, nước thải chảy ra sông Cà Lồ hoặc ra đồng.

Anh Nguyễn Đức Nghị, y sĩ Trạm y tế xã Bắc Hồng khẳng định: “Lượng sơn PU được sử dụng hàng ngày rất lớn và gây ô nhiễm không khí, nguồn nước nhưng đa số các xưởng đều không dùng hệ thống phun nước vì tốn kém”.

Anh Nguyễn Văn Cương, một công nhân làm nghề phun sơn tại đây tâm sự: “Biết là có hại cho sức khỏe nhưng chúng tôi không hề có trang bị bảo hộ lao động nào ngoài chiếc… khẩu trang. Còn hệ thống phun nước trong xưởng thì không bao giờ hoạt động”.

Hai lần gọi điện xin gặp ông Nguyễn Duy Ly, Phó chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng ban phòng chống dịch nhưng ông đều… cáo bận! Mặc dù UBND xã cũng thành lập một tổ kiểm tra từ năm 2000 để xử lý các sơ sở kinh doanh không phép, gây ô nhiễm môi trường… nhưng chỉ hoạt động lấy lệ. Mỗi tháng, tổ kiểm tra 2 lần, mức phạt tối đa là 500.000 đồng nhưng nộp phạt xong, đâu lại vào đấy…

Thiết nghĩ, để nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, chính quyền xã Bắc Hồng cần đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền hoặc nâng mức xử phạt để tăng tính răn đe đối với các hộ vi phạm.