Khó khăn trong khắc phục hậu quả mưa lũ ở miền Trung

Công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên – Huế) phải tạm dừng do ảnh hưởng mưa bão. Trong khi đó, công tác cứu trợ ở Quảng Trị, Quảng Bình cũng khó khăn do nhiều địa phương vẫn bị cô lập.

Tạm dừng tìm kiếm người mất tích ở Rào Trăng 3

Ngày 25/10, ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết địa bàn tỉnh đang có mưa to do ảnh hưởng của bão số 8. Vì vậy, Ban chỉ huy đã yêu cầu lực lượng cứu hộ thu xếp hiện trường để phòng chống bão, tạm thời không đưa người vào Rào Trăng 3 do nguy cơ sạt lở, lũ qua tràn sẽ cao.

Các lực lượng rút khỏi Rào Trăng 3 trước nguy cơ do mưa lớn.

Theo Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên – Huế, lực lượng tìm kiếm bằng chó nghiệp vụ tạm thời ở lại TP Huế để cơ động lên tìm kiếm khi thời tiết thuận lợi hơn. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng Đài khí tượng thủy văn cập nhật thông tin thời tiết từng giờ, nếu có nguy hiểm sẽ cảnh báo để rút lực lượng cứu hộ rời khỏi Rào Trăng 4.

Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, để đẩy nhanh việc tìm kiếm nạn nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3, dự kiến ngày 25/10, một tổ công tác tăng cường của Quân khu 4 và đội chó nghiệp vụ có mặt tại hiện trường để hỗ trợ tìm kiếm các nạn nhân mất tích còn lại.

Trước đó, ngày 24/10, lực lượng chức năng của Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên – Huế tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân mất tích ở Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3. Đến nay đã tìm thấy 5/17 thi thể tại hiện trường sạt lở núi. Sau nhiều nỗ lực, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể thứ 5 cạnh chiếc xe ben bị vùi lấp ở công trường thủy điện Rào Trăng 3.

Theo người thân và các công nhân thì đây là thi thể của anh Trương Văn Nội, quê ở xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Các công nhân cho biết, đêm xảy ra sự cố, anh Nội nghỉ lại trên xe ben, khi lở núi, anh bị đất đá hất văng ra ngoài và bị vùi lấp cùng chiếc xe.

Nhiều khu vực ở Quảng Trị vẫn bị cô lập

Ngày 25/10, do ảnh hưởng của cơn bão số 8, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có mưa trở lại sau 3 ngày tạnh ráo, gây khó khăn cho công tác tiếp cận những địa bàn còn bị chia cắt, cô lập để cứu trợ người dân bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng do lũ lụt vừa qua.

Mưa lũ san phẳng nhiều vùng ở xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị.

Từ chiều 24/10, điểm sạt lở tại Km166 trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đi từ tỉnh Quảng Bình vào hai xã bị cô lập hoàn toàn là Hướng Lập, Hướng Việt, huyện Hướng Hóa đã được khắc phục và thông xe tạm thời. Xe ô tô bán tải có thể đi vào được xã Hướng Lập nếu trời không mưa. Tuy nhiên, sáng 25/10 do ảnh hưởng của bão số 8, ở hai xã Hướng Lập và Hướng Việt đã có mưa to. Đồn Biên phòng Hướng Lập thuộc Biên phòng Quảng Trị khuyến cáo: Các đoàn cứu trợ hoãn chuyến đi đến hai xã Hướng Lập, Hướng Việt do có nhiều điểm sạt lở núi.

Xã Hướng Lập có hơn 1.640 dân, Hướng Việt có gần 1.750 người, phần lớn là đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống, bị cô lập hoàn toàn và mất liên lạc từ ngày 17/10, do đường vào các xã này là đường Hồ Chí Minh nhánh Tây bị sạt lở nghiêm trọng. Đoàn công tác 23 người gồm lực lượng Biên phòng Quảng Trị và cán bộ y tế huyện Hướng Hóa đã băng rừng 30km để tiếp cận xã Hướng Việt, nhằm hỗ trợ người dân hai xã bị cô lập. Đoàn đã cấp phát khẩn cấp 5 tấn gạo, 1.000 thùng mì cứu trợ cho người dân hai xã nói trên.

Đến nay, nhiều xã ở hai huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa vẫn bị chia cắt, cô lập. Tại huyện Hướng Hóa, ngoài hai xã Hướng Việt, Hướng Lập vẫn đang bị chia cắt còn có các xã Hướng Sơn, Húc, Ba Tầng, Hướng Linh, Hướng Lộc phương tiện cơ giới không vào được trung tâm xã do đường bị sạt lở. Tại huyện Đakrông, nhiều thôn ở 4 xã: Hướng Hiệp, A Vao, Tà Long, Ba Nang bị chia cắt do sạt lở đất, ô tô không vào được, xe máy cũng rất khó khăn. Mưa trở lại do ảnh hưởng của bão số 8 khiến nguy cơ sạt lở đất ở vùng miền núi, đường thêm lầy lội, nước sông, suối có thể dâng cao… khiến việc tiếp cận để cứu trợ người dân thêm khó khăn và nguy hiểm.

Về ứng phó với bão số 8, tỉnh Quảng Trị có trên 2.300 tàu cá với hơn 7.000 thuyền viên, đều đã nhận được thông tin về diễn biến và hướng di chuyển của bão để vào nơi tránh trú an toàn.

Công tác cứu hộ diễn ra khẩn trương tại Quảng Bình.
Ngày 24/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã vào Quảng Bình để trực tiếp kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lụt và thăm hỏi, động viên, tặng quà cho người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Sau đó Thủ tướng có cuộc làm việc với các tỉnh miền Trung.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đợt lũ lần này ở Miền Trung là lũ lịch sử, tuy nhiên chúng ta đã chủ động chỉ đạo kiên quyết, kịp thời nên giảm thiểu thiệt hại (lũ năm 1999 làm 818 người chết, mất tích). Biểu dương tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, Thủ tướng bày tỏ, qua lũ lụt, thiên tai, nhiều tổ chức, cá nhân với tấm lòng nhân ái đã hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân, đây là truyền thống quý báu của dân tộc ta, rất đáng trân trọng, tự hào.

Cần rút một số kinh nghiệm sau đợt mưa lũ này, Thủ tướng nêu rõ, trước hết cần tăng cường nhận thức và sự hiểu biết của chính quyền, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức xã hội là chìa khóa then chốt trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh, trong đó nhận thức của cộng đồng và người dân về trách nhiệm và tác động của biến đổi khí hậu là quan trọng nhất, “có ý thức từ khi đặt móng nhà cho đến chọn vị trí là rất quan trọng”. Thứ hai, là phải cải thiện năng lực dự báo thiên tai và chủ động ứng phó, nhất là công nghệ dự báo trượt đất, hiện là một khâu yếu của chúng ta.

Kinh nghiệm nữa là Việt Nam đã lồng ghép các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển, thực hiện nghiêm túc cam kết cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030 bằng nguồn lực trong nước để có thể giảm tới 25% nếu nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của quốc tế. Đặc biệt, các thành phố lớn ở Việt Nam cần đi đầu, tiên phong cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính, góp phần quyết định vào việc hoàn thành mục tiêu của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Từ đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế đánh thuế phát thải để khuyến khích cắt giảm thải khí nhà kính, đồng thời qua đó giúp huy động nguồn lực hỗ trợ địa phương bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu.

“Biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi các mô thức sản xuất, ảnh hưởng đến kinh tế và sinh kế của hàng triệu người dân ở miền Trung và Việt Nam cũng như tương lai con cháu chúng ta, song xét cho cùng nó không nghiêm trọng bằng sự dao động của ý chí, bản lĩnh và niềm tin của chúng ta trước các thử thách của tự nhiên và tạo hóa”, Thủ tướng bày tỏ và nhấn mạnh: Nếu chúng ta vẫn giữ được cội nguồn văn hóa của dân tộc, giữ được đất đai, rừng, biển thì chúng ta sẽ làm giàu được trên mảnh đất thiêng liêng mà cha ông chúng ta đã để lại – miền Trung Việt Nam.