Hy vọng le lói cho hổ ở ASEAN

Hổ từng lang thang hoang dã và tự do khắp các khu rừng rậm trên thế giới. Là loài săn mồi ở đỉnh chuỗi thức ăn, cuộc sống của chúng rất tốt. Nhưng ngày nay, chúng ta đều biết rằng hổ trên toàn cầu đang bị đe dọa bởi một “loài săn mồi” thậm chí còn nguy hiểm hơn – con người.

Thực trạng này cũng không ngoại lệ với Đông Nam Á – nơi chứng kiến sự tuyệt chủng của hai phân loài là hổ Bali (tuyệt chủng từ những năm 1930) và hổ Java (tuyệt chủng từ những năm 1980). Hầu hết các phân loài hổ còn lại như hổ Đông Dương và hổ Mã Lai hiện đang đối mặt với khả năng tuyệt chủng thực sự. Tháng 9/2020, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin trích dẫn một cuộc khảo sát quốc gia và cho biết hiện còn khoảng 130 đến 140 cá thể hổ Mã Lai ở các nước thành viên ASEAN.

Mark Rayan Darmaraj, chuyên gia phụ trách loài hổ thuộc WWF Malaysia cảnh báo nếu không có những biện pháp ngay lập tức và quyết liệt để hạn chế nạn săn trộm, hổ Mã Lai sẽ tuyệt chủng cục bộ trong vòng 3 – 4 năm tới.

Tương tự, từng có rất nhiều hổ Đông Dương ở Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan. Nhưng do các dự án phát triển của con người như làm đường khiến sinh cảnh bị chia cắt cũng như sau hàng thập kỷ bị săn trộm, số lượng hổ giảm mạnh.

Ngày nay, Việt Nam và Campuchia không thể tìm ra hổ Đông Dương vì các phân loài đã tuyệt chủng ở hai quốc gia này. Trong khi đó, Lào và Myanmar cũng đang chứng kiến những con số đáng buồn. Theo Diễn đàn Hổ quốc tế năm 2010, Lào chỉ còn lại tối đa 23 cá thể trong khi Myanmar chỉ còn tối đa 85 cá thể. Đó là cách đây 10 năm.

Ảnh: AFP

Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổ chức Bảo tồn và Sinh thái Toàn cầu, những cá thể hổ cuối cùng của Lào đã biến mất khỏi Khu Bảo tồn Quốc gia Nam Et-Phou Louey ngay sau năm 2013. Giới chuyên gia tin rằng rất có thể nguyên nhân là có quá nhiều bẫy, bất chấp các khoản đầu tư lớn vào khu bảo tồn. Hổ Đông Dương rất có thể đã tuyệt chủng ở Lào, giống như ở Campuchia và Việt Nam.

Các mối đe dọa

Từ tháng 1/2000 đến tháng 12/2015, ước tính khoảng 1.755 – 2.011 cá thể hổ bị giết dựa trên phân tích số lượng hổ bị bắt giữ. Ước tính này dựa trên 801 vụ bắt giữ được ghi nhận tại 13 quốc gia có hổ sinh sống gồm Indonesia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Bangladesh, Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal và Nga.

Báo cáo cho thấy trong khoảng thời gian này, trung bình mỗi năm ít nhất 110 cá thể hổ bị thu giữ trong 50 vụ. Số lượng các vụ thu giữ cao nhất được từ năm 2008 đến 2011 và chỉ riêng Ấn Độ chiếm 44% tổng số các vụ bắt giữ. Năm 2016, hổ bị tuyên bố là “tuyệt chủng về mặt chức năng” ở Campuchia do không còn quần thể sinh sản nào trong tự nhiên.

Theo WWF, số lượng hổ đang giảm nhanh trong các nước thuộc phạm vi sinh sống do sinh cảnh bị thu hẹp, dân số loài người tăng, nạn săn trộm và buôn lậu động vật hoang dã.

Các quần thể hổ quan trọng cũng đang cạn kiệt do nhu cầu đối với thịt thú rừng trong các nhà hàng ngày càng lớn. Hổ hoang dã cũng bị săn trộm để đáp ứng nhu cầu làm thuốc.

WWF cũng lưu ý rằng trong khi môi trường sống lành mạnh rộng khắp ở một số khu vực, hổ vẫn liên tục chịu áp lực từ việc phát triển nông nghiệp, nhượng địa cho khai khoáng và ngập lụt do phát triển thủy điện. Sinh cảnh bị phân mảnh do phát triển nhanh, đặc biệt là việc xây dựng mạng lưới đường bộ là một vấn đề nghiêm trọng. Sự phân mảnh này buộc số hổ còn lại sống rải rác, nhỏ lẻ, cách ly quần thể và cũng tăng khả năng tiếp cận cho những kẻ săn trộm.

Hy vọng cho hổ hoang dã

Hiện nay, có vẻ như niềm hy vọng tốt nhất cho hổ Đông Dương đến từ Vùng đất của những nụ cười.

Thái Lan thành lập một trung tâm bảo tồn hổ ở Khu bảo tồn động vật hoang dã Huai Kha Khaeng. Tại đó, kiểm lâm địa phương sẽ được huấn luyện để theo dõi quần thể hổ cực kỳ nguy cấp cùng những loài là con mồi như bò tót và mang – đều đang bị đe dọa tuyệt chủng do nạn săn bắn.

Giám đốc WCS Thái Lan Anak Pattanavibool cũng là một chuyên gia về hổ, ước tính số lượng hổ Đông Dương ở Thái Lan vào khoảng 160 cá thể: “Khu phức hợp rừng phía Tây là hy vọng lớn nhất của chúng tôi”. Được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, khu rừng đó là nơi sinh sống của khoảng 100 – 120 cá thể hổ hoang dã, phần lớn cư trú trong khu bảo tồn động vật hoang dã Thungyai-Huai Kha Khaeng.

Một tia hy vọng khác dành cho hổ Mã Lai dấy lên vào tháng trước khi bẫy ảnh WWF Malaysia thiết lập vào đầu năm nay tiết lộ những hình ảnh hiếm hoi về không chỉ 1 mà tới 4 phân loài nguy cấp. Bộ ảnh cho thấy 1 cá thể hổ cái và 3 hổ con được xác định cùng một gia đình.

Giám đốc điều hành WWF-Malaysia Sophia Lim cho biết: “Với không đầy 200 cá thể hổ Mã Lai còn lại trong tự nhiên, tin tức này là một thông điệp kịp thời mang lại hy vọng cho loài này và cho những nỗ lực tiếp tục bảo tồn hổ của chúng tôi.

“Thật vui khi biết rằng những nỗ lực chung đang tạo điều kiện cho một môi trường an toàn hơn cho hổ Mã Lai sinh sản trong môi trường tự nhiên của chúng. Đó là một con đường dài nhưng cũng mang lại cho chúng tôi một số chỉ dấu hy vọng”, Mohamed Shah Redza Hussein, giám đốc cơ quan phụ trách các VQG bang Perak nói thêm.

Nhật Anh (Theo Asean Post)

Nguồn: