ASEAN cần hành động chung cho vấn đề sông Mê Kông

Bài viết của chuyên gia cao cấp Chen Chen Lee xung quanh chủ đề sông Mê Kông vừa đăng tải trên tờ Bangkokpost đã thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận quốc tế.

Sông Mê Kông – chủ đề nóng

Có hai sự kiện liên quan đến sông Mê Kông xảy ra vào tháng trước mà hầu hết các phương tiện truyền thông chính thống ở Đông Nam Á đều không chú ý. Một là Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mê Kông – Lan Thương lần thứ ba (LMC) giữa Trung Quốc và năm nước thành viên Mê Kông thuộc ASEAN gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Sự kiện còn lại là Hội nghị Bộ trưởng quan hệ đối tác Mê Kông-Mỹ lần thứ nhất giữa Mỹ và các nước ASEAN đều xoay quanh chủ đề thách thức và cơ hội mà khu vực tiểu vùng Mê Kông đang đối mặt.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Quan hệ đối tác Mê Kông-Mỹ lần thứ nhất hôm 11/9/2020. Ảnh: VNA

Tại Hội nghị LMC lần thứ ba, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cam kết chia sẻ dữ liệu quản lý tài nguyên nước với các quốc gia hạ nguồn sông Mê Kông mà Bắc Kinh gọi là sông Lan Thương.

Đây được coi là một sự thay đổi đáng hoan nghênh đối với các nước ASEAN ở hạ lưu, nhất là sau cuộc khủng hoảng hạn hán lịch sử vào năm 2019, khi mực nước sông Mê Kông ở cuối nguồn giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 100 năm.

Trong khi vẫn còn tranh luận về nguyên nhân một phần do tác động của biến đổi khí hậu, các chuyên gia đều tin rằng 11 đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mê Kông có liên quan đến mực nước thấp cũng như các thảm họa hạn hán khác trong hai năm qua.

Sở dĩ nói “sự thay đổi đáng hoan nghênh” là do trước đây, Trung Quốc chỉ chia sẻ dữ liệu về nguồn nước trong mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 10 nên sự thay đổi lập trường của Bắc Kinh vừa rồi thông qua việc Thủ tướng Trung Quốc nói sẽ tôn trọng “các quyền và lợi ích hợp pháp của các nước hạ nguồn Mê Kông là để phát triển và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước”.

Bà Chen Chen Lee là chuyên gia Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Singapore, kiêm sáng lập viên Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế ASEAN. Ảnh: SIIA
Lưu vực sông Mê Kông là nơi có ngành thủy sản nội địa lớn nhất thế giới và là nguồn sinh kế của hơn 60 triệu người dân. Trong hai thập kỷ gần đây, Trung Quốc đã xây 11 con đập ở thượng nguồn Mê Kông cùng với 11 đập khác trên dòng chính ở hạ lưu và khoảng 120 đập lớn nhỏ khác thuộc các nhánh của dòng sông này.

Sự thay đổi này xảy ra sau những chỉ trích nặng nề của các quan chức Mỹ và một báo cáo của công ty nghiên cứu Eyes on Earth có trụ sở tại Mỹ về việc Trung Quốc đã thao túng vấn đề sông Mê Kông.

Trong khi đó, tại Hội nghị Bộ trưởng quan hệ đối tác Mê Kông-Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã khởi động bằng cam kết cung cấp ít nhất 153 triệu USD cho các dự án chung. Việc hợp tác này được bắt đầu từ năm 2009 trong khuôn khổ Sáng kiến ​​Hạ nguồn sông Mê Kông, nhằm tăng cường quyền tự chủ, độc lập kinh tế và phát triển bền vững của các nước đối tác Mê Kông.

Theo đó, cam kết mới của Mỹ cùng với nguồn tài trợ mới cho các nước tiểu vùng sông Mê Kông đã được cả khối ASEAN hoan nghênh, tuy nhiên liệu điều đó có trở thành “lựa chọn thay thế khả thi” để điều chỉnh lại vị thế của mình đối với Trung Quốc hay không vẫn còn phải chờ xem.

Các động thái mới diễn ra trong bối cảnh tiểu vùng sông Mê Kông đang tiếp tục biến thành một chiến trường mới cho sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, sau một loạt các cuộc chiến ăn miếng trả miếng kéo dài trên nhiều mặt trận giữa hai siêu cường. Trong một hội thảo trực tuyến, nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ, David Stilwell đã tố cáo Trung Quốc đang “thao túng” sông Mê Kông “vì lợi ích của riêng họ và khiến cho các quốc gia hạ nguồn phải trả giá đắt”.

Cho dù là chưa phức tạp so với những rắc rối của ASEAN ở Biển Đông, do các vấn đề sông Mê Kông chưa giành được quy chế “khu vực” cho phép vấn đề được đưa ra thảo luận giữa tất cả các quốc gia thành viên ASEAN.

Cần cách tiếp cận mới

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã cố gắng đưa các vấn đề sông Mê Kông vào chương trình nghị sự của khu vực nhưng cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 đã làm xoay chuyển sự chú ý sang vấn đề bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phục hồi kinh tế.

Cho đến nay, những rắc rối trên sông Mê Kông phần lớn mới chỉ được nhìn nhận qua lăng kính môi trường và kinh tế xã hội tác động ra sao đến các quốc gia ASEAN, trong khi đó mối liên hệ của nó với vấn đề an ninh và địa chính trị rộng lớn hơn của khu vực vẫn ít được chú ý.

Do đó, những tác động đối với hoạt động nghề cá và sản xuất lúa nước ở các nước hạ nguồn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng và từng nhiều lần được các chuyên gia gióng lên hồi chuông cảnh báo về “một sự sụp đổ của hệ sinh thái ở lưu vực sông Mê Kông”.

Và hậu quả đáng buồn là tình trạng người dân mất sinh kế và nguy cơ mất an ninh lương thực đã khiến nhiều người dân trong lưu vực Mê Kông phải di cư, kéo theo các vấn đề xã hội tiêu cựuc khác như nạn buôn người, buôn lậu ma túy và các hình thức tội phạm có tổ chức khác, làm suy yếu sự ổn định và phát triển của khu vực.

Nhà nghiên cứu Chen Chen Lee (giữa) tại Hội nghị An ninh và Thịnh vượng châu Á-Thái Bình Dương. Ảnh: SIIA

Một báo cáo của Fitch Solutions cho biết thiệt hại về đánh bắt thủy sản và canh tác lúa do việc xây dựng các đập thủy điện sẽ có thể buộc các nước ASEAN phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu lương thực từ Trung Quốc. Đồng thời, kế hoạch của Bắc Kinh nhằm tạo ra một “siêu xa lộ trên mặt nước” giúp nước này tiếp tục gia tăng ảnh hưởng về hàng hóa thương mại theo một dự án xuyên khắp khu vực vốn gây nhiều tranh cãi do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều quốc gia.

Tầm quan trọng chiến lược của sông Mê Kông đối với toàn khu vực Đông Nam Á đòi hỏi ASEAN phải có một cách tiếp cận cấp bách và mới mẻ. Ngoài Việt Nam, các chủ tịch luân phiên trong tương lai của ASEAN nên ủng hộ việc đưa các vấn đề Mê Kông vào chương trình nghị sự một cách kịp thời và có trọng tâm. Điều phối viên quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc hiện nay, tức là Philippines, nên chủ động đưa các vấn đề Mê Kông vào các cuộc thảo luận trong tương lai với Trung Quốc. Cũng vì lợi ích của ASEAN, thúc đẩy sự phối hợp và hợp tác nhiều hơn giữa LMC và các cơ chế liên chính phủ khác như Ủy hội sông Mê Kông.

ASEAN cần “loại bỏ cách tiếp cận hẹp đối với các vấn đề Mê Kông và tư duy về chiến lược cho toàn khu vực một cách tổng thể”. Tầm quan trọng của sông Mê Kông đối với Đông Nam Á đòi hỏi ASEAN phải có phản ứng quyết liệt và kịp thời. Nếu thiếu điều này, vai trò trung tâm của ASEAN sẽ bị suy giảm hơn nữa và sự ổn định, tăng trưởng của khu vực trong dài hạn sẽ bị thách thức.