Tương lai tê tê ở Việt Nam vẫn bấp bênh

Trưởng bộ phận chăm sóc động vật hoang dã Trần Văn Trường nhẹ nhàng ôm một cá thể tê tê trong tay, dỗ dành sinh vật cả thẹn được cứu khỏi tay những kẻ buôn lậu hồi đầu tháng 9.

Cuộc sống vẫn bấp bênh đối với loài động vật có vú bị buôn lậu nhiều nhất trên thế giới dù Việt Nam tuyên bố mới sẽ dẹp bỏ nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã bị cho là nguyên nhân gây ra đại dịch virus corona.

Ảnh: AFP

Các vụ bắt giữ, truy tố và tịch thu động vật hoang dã đang tăng ở Việt Nam nhưng giới bảo tồn cảnh báo rằng nạn tham nhũng và thực thi pháp luật chắp vá đồng nghĩa với nạn buôn lậu vẫn tiếp diễn.

Trần Văn Trường làm việc tại trung tâm Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) và đã cứu được khoảng 2.000 cá thể tê tê trong 6 năm qua.

Anh nhớ lại ngày phát hiện ra hơn 100 cá thể bị trói và bị nhét trong bao tải đặt dưới đất cạnh chiếc xe tải của cảnh sát.

“Hầu hết số tê tê đã chết vì kiệt sức” do không có không khí để thở hoặc nước uống. “Chúng rất dễ bị căng thẳng”, anh cho biết.

Việt Nam vừa là nơi tiêu thụ vừa là trung tâm vận chuyển động vật hoang dã bất hợp pháp ở châu Á.

Dù được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền Trung Quốc và Việt Nam nhưng đầu năm nay, Trung Quốc đã loại bỏ các bộ phận của tê tê khỏi danh mục thuốc đông dược chính thức và cũng có một số tín hiệu đáng mừng ở Việt Nam.

Theo Trung tâm Giáo dục và Thiên nhiên (ENV), số vụ bắt giữ buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam tăng 44% trong hơn hai năm qua. Trong 6 tháng đầu năm 2020, thủ phạm 97% các vụ việc đều bị bắt và tỷ lệ truy tố cũng tăng lên đáng kể.

Sự thay đổi này có được là nhờ việc sửa đổi luật vào năm 2018 theo hướng tăng hình phạt cả về tiền phạt và án tù, đồng thời bịt bớt những lỗ hổng luật pháp. Tuy nhiên, việc thực thi vẫn là vấn đề rất lớn.

Tháng 7/2020, trước lo ngại về sự lây lan của đại dịch, chính phủ thúc giục các bộ ngành áp dụng nghiêm khắc luật này.

Tuy nhiên, giao cho các cơ quan quá căng thẳng làm nhiều việc hơn mà không có nguồn lực phù hợp chỉ đơn giản là “mời gọi thất bại”, Dan Challender thuộc Đại học Oxford, chuyên gia về tê tê và chính sách buôn bán động vật hoang dã cảnh báo.

Phó giám đốc ENV Bùi Thị Hà cho biết nhiều cơ quan cam kết loại bỏ hoạt động buôn bán nhưng những kẻ buôn lậu vẫn chưa bị xử lý đúng mức.

Đối với Giám đốc SVW Nguyễn Văn Thái, luật pháp không nên lan man và nên nhắm vào giới tiêu dùng. Nếu cảnh sát tìm thấy thịt tê tê tại một nhà hàng thì “chỉ các chủ nhà hàng sẽ gặp vấn đề chứ không phải những người ăn thịt”.

Ở VQG Cúc Phương, anh Trường tốn nhiều giờ để tạo cuộc sống thoải mái cho những cá thể tê tê sống sót sau khi thoát khỏi tay những kẻ buôn lậu.

Anh giữ cho chúng tránh xa tiếng ồn lớn và chỉ cho chúng ăn thức ăn ưa thích là trứng kiến và mối.

“Tôi yêu tất cả các loài động vật hoang dã”, anh tâm sự và nói thêm rằng sẽ có thêm những loài khác. “Có những loài khác đang trên bờ vực tuyệt chủng nên tới đây tôi muốn giúp cứu chúng”.

Nhật Anh (Theo AFP)

Nguồn: