Rừng ở Lâm Đồng liên tục bị phá do nhiều chủ rừng buông lỏng quản lý

Nhiều doanh nghiệp (thuê đất, thuê rừng) tại huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng buông lỏng quản lý bảo vệ rừng, để rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép mà không được giải tỏa, xử lý kịp thời…

Vụ chôn lấp lâm sản với khối lượng 13,103 m3 tại tiểu khu 443, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng thuộc lâm phần do Công ty An Phú Nông quản lý. (Ảnh: Linh Đan)

Đó là đánh giá của UBND huyện Bảo Lâm tại cuộc họp sơ kết công tác quản lý, bảo vệ rừng 9 tháng đầu năm 2020 vừa tổ chức.

Theo kết luận của ông Trương Hoài Minh – Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, đến nay, tất cả các chủ rừng chưa xây dựng phương án bảo vệ rừng bền vững. Một số đơn vị không bố trí lực lượng quản lý bảo vệ rừng hoặc có bố trí nhưng số lượng ít, không đủ năng lực; chậm triển khai dự án hoặc triển khai thực hiện dự án không đúng giấy chứng nhận đầu tư được UBND tỉnh cấp.

UBND huyện Bảo Lâm cho rằng, nhiều doanh nghiệp đã buông lỏng công tác quản lý bảo vệ rừng, chưa kịp thời tuần tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ vi phạm, để rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép mà không được giải tỏa, xử lý kịp thời…

“Những tồn tại trước đây đã được UBND huyện Bảo Lâm có nhiều văn bản nhắc nhở nhưng chậm khắc phục, báo cáo, dẫn đến việc để rừng bị tranh chấp, khiếu nại, đơn thư, báo đài đưa tin, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và phát sinh điểm nóng về phá rừng trên địa bàn” – ý kiến kết luận của ông Minh.

Theo tìm hiểu của PV Lao Động, trên địa bàn huyện Bảo Lâm có 3 chủ rừng Nhà nước và 52 doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng. Thời gian gần đây, tại huyện Bảo Lâm liên tiếp xảy ra nhiều vụ phá rừng thuộc lâm phần được giao cho các doanh nghiệp lập thành dự án để quản lý.

Theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, tối ngày 5.8, Công an huyện Bảo Lâm chủ trì, phối hợp với Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm, BQL rừng phòng hộ Đam B’ri kiểm tra, phát hiện xe ôtô do ông Lê Công Đại chở 6 lóng gỗ chò có khối lượng 0.25 m3 trên đường be tại tiểu khu 614 hướng từ xã Lộc Ngãi về huyện Di Linh nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc lâm sản hợp pháp. Qua đấu tranh, đối tượng Đại khai nhận trong thời gian qua đã khai thác lâm sản tại khu vực tiểu khu 614, xã Lộc Ngãi.

Ngày 6.8, Cơ quan CSĐT công an huyện Bảo Lâm, Hạt Kiểm lâm huyện, VKSND huyện, UBND xã Lộc Ngãi và Công ty CP Hà Phong cùng đối tượng Lê Công Đại tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ vi phạm. Kết quả, vị trí khai thác rừng trái phép, một phần tiểu khu 614, địa giới hành chính xã Lộc Ngãi, lâm phần do Công ty CP Hà Phong quản lý. Khối lượng lâm sản bị thiệt hại lên đến 25,415 m3 gỗ tròn, gồm các loại thông 3 lá, chò và SP (lâm sản bị khai thác trái phép từ năm 2018 đến ngày 5.8).

Liên quan đến vụ việc này, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bảo Lâm đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “Vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng và lâm sản”.

Ngoài ra, theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, cơ quan chức năng cũng phát hiện 1 vụ chôn lấp lâm sản với khối lượng 13,103 m3 tại tiểu khu 443, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm thuộc lâm phần do Công ty An Phú Nông quản lý. Toàn bộ số lâm sản bị chôn lấp đã được lập hồ sơ để xử lý.

Chưa hết, tại tiểu khu 439 (thuộc xã Lộc Phú) do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri quản lý bảo vệ, qua phản ánh của người dân, Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm đã phát hiện 120 lóng gỗ thông 3 lá, với khối lượng 5,3m3 bị cắt và tập kết dưới tán rừng thông. Tại đây còn có hơn 2ha đất rừng với hàng trăm cây bơ được trồng xanh tốt, cao hơn 1m. Riêng tại tiểu khu 438A (gần tiểu khu 439) có 1 căn nhà làm bằng khung sắt mới dựng trái phép từ giữa tháng 8.

Trước thực trạng đáng báo động trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu lập ngay tổ kiểm tra (do Thanh tra tỉnh làm tổ trưởng) toàn diện các dự án đầu tư đầu tư liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp tại huyện này.