Biến đổi khí hậu có thể hồi sinh những dịch bệnh cổ đại

Khi nóng lên toàn cầu làm tan chảy lớp băng vĩnh cửu như ở lãnh nguyên Alaska hay vùng phía bắc Siberia của Nga, những mối đe dọa mới nào sẽ lộ diện?

Sẽ thế nào khi có một ngày, nhiều loại virus bất hoạt từ lâu bỗng nhiên “tỉnh lại”, và châu Âu chứng kiến sự trỗi dậy của đậu mùa, đại dịch sốt xuất huyết và Zika?

Theo các nhà khoa học, đây có thể là kịch bản trong các bộ phim về thảm họa, nhưng cũng có thể là viễn cảnh về bùng phát dịch bệnh do sự nóng lên toàn cầu gây ra.

SARS-nCoV-2, loài virus đến nay đã càn quét toàn cầu và cướp đi sinh mạng của gần 1 triệu người, gần như được khẳng định có mầm mống từ loài dơi hoang dã, báo động về mối nguy hiểm khi loài người ngày càng bành trướng “dấu chân sinh thái” của mình trong không gian thiên nhiên đang ngày một thu hẹp.

Sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu làm biến đổi nhiều khu vực địa hình ở Siberia của Nga. Ảnh: New York Times.

Ác mộng dưới lớp băng vĩnh cửu

Biến đổi khí hậu – thứ vốn tàn phá Trái Đất khi khiến nhiệt độ tăng thêm một độ C – đang trở thành nguyên nhân lan truyền muỗi mang mầm bệnh sốt rét, sốt xuất huyết và làm tan các lớp băng vĩnh cửu chứa các mầm bệnh từ thời cổ đại ở Siberia.

“Trong những khoảnh khắc đen tối nhất, tôi thấy một tương lai thực sự khủng khiếp đối với loài người thông minh bởi vì chúng ta là một loài động vật, và khi vượt quá giới hạn của mình, tai họa sẽ ập đến với chúng ta”, bà Birgitta Evengard, nhà nghiên cứu vi sinh lâm sàng tại Đại học Umea ở Thụy Điển, dự báo.

“Kẻ thù lớn nhất là sự thờ ơ của chính chúng ta. Thiên nhiên đầy vi sinh vật”, bà nói thêm.

Lớp băng vĩnh cửu được coi là “quả bom hẹn giờ biến đổi khí hậu”, nằm trải dài khắp nước Nga, Canada và vùng Alaska, chứa lượng carbon cao gấp ba lần lượng khí thải mà con người góp phần tạo ra kể từ khi bắt đầu quá trình công nghiệp hóa.

Theo Ủy ban Khoa học Khí hậu Liên Hợp Quốc (IPCC), diện tích băng vĩnh cửu sẽ giảm 25% vào năm 2100, bất chấp những nỗ lực hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu dưới 2 độ C, vốn là mục tiêu của Hiệp định Paris năm 2015.

Và sau đó là những chiếc hộp pandora ẩn dưới lớp băng vĩnh cửu.

Vladimir Romanovsky, giáo sư địa vật lý tại Đại học Alaska ở Fairbanks, cho biết: “Các vi sinh vật có thể sống trong môi trường lạnh giá trong thời gian dài”.

Khi băng tan, các hạt phân tử đất đã từng đóng băng, vật chất hữu cơ và vi sinh vật bị nhốt hàng thiên niên kỷ sẽ được dòng nước đưa trở lại bờ. Đó cũng là lý do có những loài bọ cổ xưa bị đông cứng lâu ngày đến nay bất ngờ xuất hiện trở lại.

Jean-Michel Claverie, giáo sư gene tại Đại học Aix-Marseille ở Pháp, so sánh những gì xảy ra với virus tương tự việc gieo hạt giống: “Khi bạn gieo hạt giống vào đất và sau đó đưa nó vào trạng thái đóng băng hàng nghìn năm, sẽ không có gì xảy ra. Nhưng khi Trái Đất ấm lên, hạt giống có thể nảy mầm”.

Phòng thí nghiệm của ông đã hồi sinh thành công những con virus Siberia có tuổi đời ít nhất 30.000 năm. Những con bọ được hồi sinh này chỉ tấn công loài amip, nhưng hàng chục nghìn năm trước chắc chắn có những con khác nhắm vào chuỗi thức ăn cao cấp hơn, ông Claverie cho biết.

“Loài người tối cổ Neanderthal, voi ma mút, tê giác lông mượt đều mắc bệnh và rất nhiều trong số đó đã chết. Một số loại virus gây bệnh cho chúng có lẽ vẫn còn trong lòng đất”, ông Claverie nhận định.

Số lượng vi khuẩn và virus ẩn náu trong lớp băng vĩnh cửu là chưa thể xác định, nhưng câu hỏi quan trọng hơn là chúng nguy hiểm tới mức nào.

“Bệnh than cho thấy vi khuẩn có thể nằm yên trong lớp băng vĩnh cửu hàng trăm năm và được hồi sinh. Vào năm 2016, một đứa trẻ ở Siberia chết vì căn bệnh cho dù nó đã biến mất khỏi khu vực này ít nhất 75 năm trước đó”, bà Evangard nói.

Đầu sói 32.000 năm tuổi được phát hiện sau khi lớp băng vĩnh cửu ở Siberia tan chảy. Các nhà khoa học cho rằng sự tan chảy của lớp băng này có thể khiến nhiều loại virus hoặc vi khuẩn chưa từng được biết hoạt động trở lại. Ảnh: New York Times.

Trường hợp này được cho là bắt nguồn từ sự phân rã của một xác chết bị chôn vùi từ lâu, nhưng một số chuyên gia phản bác và cho rằng xác con vật trong diện nghi vấn có thể đã ở trong vùng bùn đất nông và do đó trải qua quá trình phân rã định kỳ.

Các mầm bệnh khác – chẳng hạn như bệnh đậu mùa hoặc chủng cúm đã giết chết hàng chục triệu người vào năm 1917 và 1918 – cũng có thể hiện diện ở vùng cận Bắc Cực. Nhưng chúng “có thể đã bị bất hoạt”, ông Romanovsky kết luận trong một nghiên cứu công bố đầu năm nay.

Tuy nhiên, đối với ông Claverie, không thể loại trừ sự trở lại của bệnh đậu mùa – căn bệnh được tuyên bố là bị xóa sổ cách đây 50 năm. Các nạn nhân của căn bệnh này vào thế kỷ thứ 18 và 19 “đã được chôn cất trong các nhà thờ ở Siberia và được bảo quản trong môi trường băng giá”, ông lưu ý.

Ông nói thêm rằng mối nguy thực sự nằm ở các tầng sâu hơn, nơi các mầm bệnh chưa từng được biết đến trong hai triệu năm hoặc hơn có thể xuất hiện cùng với sự nóng lên toàn cầu.

Bữa tiệc khai vị đã bắt đầu

Nếu không có vật chủ để ký sinh lây nhiễm thì sẽ không có vấn đề gì, tuy vậy biến đổi khí hậu đã gián tiếp can thiệp giải quyết vấn đề này.

“Với việc khai thác công nghiệp ở Bắc Cực, tất cả yếu tố nguy cơ đều có ở đó – mầm bệnh và những vật chủ ký sinh”, ông Claverie nói.

Sự hồi sinh của vi khuẩn hoặc virus cổ đại vẫn là suy đoán, nhưng biến đổi khí hậu thúc đẩy sự lây lan của các căn bệnh có khả năng giết chết khoảng nửa triệu người mỗi năm như: sốt rét, sốt xuất huyết, chikungunya, Zika.

“Những loài muỗi di cư về phía bắc hiện có thể sống sót qua mùa đông ở những khu vực lạnh giá và có thời gian sinh sản dài hơn”, bà Jeanne Fair, Phó trưởng nhóm nghiên cứu an toàn sinh học và sức khỏe cộng đồng tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos ở New Mexico, cho biết.

Loài muỗi hổ (Aedes albopictus) mang theo mầm bệnh sốt xuất huyết và virus chikungunya – có nguồn gốc ở vùng Đông Nam Á – đã xuất hiện ở vùng Nam Âu vào thập kỷ đầu tiên của thế kỷ và đang di chuyển nhanh chóng về phương bắc, tới Paris và thậm chí tới những vùng xa xôi hơn nữa.

Trong khi đó, một chủng muỗi mang bệnh sốt xuất huyết khác là Aedes aegypti cũng đã xuất hiện ở châu Âu. Dù loài nào là thủ phạm thì 40 trường hợp lây nhiễm sốt xuất huyết trong cộng đồng đã được Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Châu Âu (ECDC) ghi nhận từ năm 2010 đến năm 2019.

Đối với căn bệnh đã có phác đồ điều trị hiệu quả như sốt rét, rủi ro phơi nhiễm phụ thuộc phần lớn vào điều kiện kinh tế – xã hội.

Hơn 5 tỷ người sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bệnh sốt rét vào năm 2050 nếu biến đổi khí hậu tiếp tục gia tăng, nhưng việc tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và phát triển xã hội có thể giảm con số trên xuống dưới 2 tỷ, theo một nghiên cứu được trích dẫn bởi IPCC.

Aedes japonicus, loại muỗi mới xuất hiện ở Nam Âu, có khả năng sinh sản và tồn tại trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau và có thể mang mầm bệnh. Ảnh: CREAF.

“Kinh nghiệm gần đây ở Nam Âu cho thấy dịch bệnh có thể xuất hiện trở lại nhanh chóng như thế nào nếu các dịch vụ y tế hoạt động kém hiệu quả”, IPCC nhận định năm 2013 khi ám chỉ sự gia tăng các trường hợp lây nhiễm ở Hy Lạp vào năm 2008.

Ở châu Phi – nơi chứng kiến ​​228 triệu ca sốt rét vào năm 2018 và chiếm 94% ca nhiễm trên toàn thế giới – khuynh hướng lây lan đang di chuyển sang các khu vực mới, đáng chú ý là các cao nguyên thuộc Ethiopia và Kenya.

Cyril Caminade, nhà dịch tễ học làm việc về biến đổi khí hậu tại Viện Nhiễm trùng và Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Liverpool cho biết đối với các bệnh nhiệt đới lây truyền hiện nay đều đáng lo ngại là sự phát triển của các vật trung gian truyền bệnh.

“Chúng ta mới chỉ nếm món khai vị của bữa tiệc biến đổi khí hậu”, ông nói.