Hải Phòng: Gần 1.500 hộ dân bức xúc vì nước sạch nhiễm bẩn

Liên tiếp nhiều ngày, người dân xã Đông Phương (Kiến Thụy, Hải Phòng) phản ánh việc nước sạch sinh hoạt có màu vàng, vẩn đục, mùi hôi, gây ngứa, dị ứng da khi sử dụng…

Người dân xã Đông Phương (Kiến Thụy, Hải Phòng) lưu lại hình ảnh nước nhiễm bẩn nhiều ngày trong tháng 8. (Ảnh: ĐL)

Vừa qua, Báo Lao Động nhận được đơn kiến nghị của hơn 1.000 hộ dân xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng phản ánh nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng. Trong đơn kiến nghị, người dân phản ánh nước của Nhà máy nước mini Đông Phương (thuộc Công ty TNHH Xây dựng và dịch vụ thương mại Đại Thái) thường xuyên xảy ra sự cố, nguồn nước cung cấp cho nhân dân thường xuyên có màu vàng, mùi hôi.

Cụ thể, anh Nguyễn Văn Công, 43 tuổi, thôn Đại Trà Bắc, xã Đông Phương cho biết, việc nước có hiện tượng nhiễm bẩn xảy ra nhiều lần; đỉnh điểm là ngày 7.8, gia đình anh Công xả nước sinh hoạt phát hiện nước có màu vàng, đục, mùi hôi như chưa qua xử lý. Những hộ dân khác trong xã cũng có hiện tượng tương tự. Theo tìm hiểu, nguồn nước trước khi xử lý được Công ty Đại Thái khai thác từ kênh Hòa Bình, một trong những kênh ô nhiễm trên địa bàn thành phố.

“Nguồn nước thô từ kênh ô nhiễm, quá trình xử lý không bảo đảm dẫn đến người dân phải dùng nước bẩn nhiều ngày liền. Nhiều người trong làng sau khi dùng nước bị ngứa, dị ứng. Bản thân con gái tôi 3 tuổi bị nổi mẩn khắp người, đi khám thì bác sĩ chẩn đoán dị ứng da, lưu ý gia đình về nguồn nước đang sử dụng”. – anh Công cho biết.

Chị Đ.T.H, 40 tuổi, thôn Lạng Côn, xã Đông Phương còn phản ánh, thôn Lạng Côn hiện có hơn 20 hộ sản xuất bánh đa cung cấp thị trường Hải Phòng và các tỉnh lân cận, việc nguồn nước nhiễm bẩn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Nhiều hộ phải đầu tư bộ lọc để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt và sản xuất.

Bên trong Nhà máy nước Đông Phương (Kiến Thụy, Hải Phòng). Ảnh: ĐL

Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Văn Hậu – Chủ tịch UBND xã Đông Phương cho biết, Nhà máy nước Đông Phương hoạt động theo chủ trương của thành phố từ năm 2009, được thành phố hỗ trợ kinh phí ban đầu 200 triệu đồng. Hằng tháng, Trung tâm Y tế huyện Kiến Thụy đều tiến hành lấy mẫu nước gửi Trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng xét nghiệm, kết quả các chỉ tiêu đều đạt quy định.

Tuy nhiên trong 3 ngày 7, 8, 9.8, nước do nhà máy này cung cấp có màu đục khiến người dân bức xúc. Qua kiểm tra, nguyên nhân do nhà máy sục rửa hệ thống lọc nhưng không thông báo khiến người dân phải sử dụng nước đục trong nhiều ngày. Chiều 10.8, UBND xã tổ chức đối thoại, giải quyết kiến nghị người dân. Tại cuộc họp, UBND xã yêu cầu Nhà máy nước trong thời gian 2 tháng (từ 14.8 đến 14.10) không lấy nước đầu vào từ kênh Hòa Bình mà lấy từ sông Đa Độ. Ngay sau ngày 11.8 phải cấp nước lại ổn định, không để xảy ra hiện tượng nước vẩn đục. Từ nay đến ngày 14.10, địa phương kiểm định độc lập chất lượng nước theo quy chuẩn 01 năm 2009 của Bộ Y tế.

“Vừa qua, ngày 3.9, địa phương kiểm tra, xác nhận nhà máy lắp đặt hệ thống và bơm lấy nước từ sông Đa Độ theo yêu cầu tại cuộc họp 10.8” – ông Hậu cho biết.

Về việc người dân xã yêu cầu nhà máy này dừng cấp nước, ông Hậu cho biết, theo quy định của Chính phủ, một đơn vị hành chính không thể song song 2 đơn vị cấp nước cùng hoạt động. Bởi vậy, nhà máy Đông Phương vẫn bảo đảm chỉ số về chất lượng, điều kiện thì chưa thể chấm dứt hợp đồng. Trong trường hợp đơn vị này vi phạm về chất lượng (xét nghiệm từ 1-3 lần chất lượng không đạt), công suất không bảo đảm thì địa phương mới đơn phương chấm dứt hợp đồng, để đơn vị khác cung cấp thay thế.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Giám đốc Công ty TNHH XD và DVTM Đại Thái (Nhà máy nước mini xã Đông Phương) cho biết nhà máy hiện cung cấp nước cho gần 1.500 hộ dân trên địa bàn xã. “Sai sót ở chỗ khi sục rửa hệ thống lọc theo chu kì, nhà máy chưa thông báo thời gian cụ thể để người dân biết. Sau sự cố, nhà máy có tiếp nhận các ý kiến phản hồi của khách hàng, giải thích nguyên nhân nguồn nước có hiện tượng đục trong những ngày qua và cam kết sẽ khắc phục”.