Nóng bỏng ô nhiễm kênh Ba Bò

Kỳ họp thứ 13 của HĐND TP.HCM khóa VII đã khép lại nhưng "câu chuyện kênh Ba Bò" vốn nhiều lần khuấy động nghị trường vẫn còn đó…

Mái nhà phải thay tôn 3 tháng/lần

Từ đầu nhiệm kỳ HĐND TP.HCM khóa VII (2004-2009), chuyện ô nhiễm tại kênh Ba Bò, thuộc phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, giáp ranh tỉnh Bình Dương, đã được tổ đại biểu HĐND thành phố đơn vị quận Thủ Đức, đặt lên bàn nghị sự.

Trả lời chất vấn của đại biểu, ông Trần Thế Ngọc, lúc bấy giờ là Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP, giải trình: “Kênh này phải hứng chịu gần 5.000m3 nước thải công nghiệp của cả TP.HCM và tỉnh Bình Dương. Đó là chưa kể khối lượng nước thải sinh hoạt khá lớn của dân cư xung quanh. Việc cải thiện dòng chảy kênh Ba Bò cần sự phối hợp giữa chính quyền 2 địa phương TP.HCM và Bình Dương để thỏa thuận, tìm giải pháp tốt nhất về vấn đề này”.

Ô nhiễm tại kênh Ba Bò không còn là chuyện của TP.HCM. Ngày 29/09/2004, trong cuộc giám sát của Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP, ông Nguyễn Việt Chiến, lúc bấy giờ là Phó giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường, cho biết: “UBND TP.HCM đã yêu cầu các sở liên quan phối hợp để xây dựng hệ thống tiêu thoát nước Suối Nhum, đồng thời đề nghị bộ, ngành Trung ương hỗ trợ đưa vào chương trình cải thiện môi trường ưu tiên của quốc gia đối với kênh Ba Bò”.

Thế nhưng, tại kỳ họp sau, cũng chính ông Ngọc khẳng định: dự án kênh Ba Bò vẫn tiếp tục được triển khai. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề liên quan đến việc phối hợp giữa hai địa phương nên tiến độ còn chậm. Các đơn vị chưa chịu di dời do còn nhiều khó khăn.

Tại “đầu cầu” nghị trường tỉnh Bình Dương, dù không thuộc địa bàn quản lý của mình, song câu chuyện kênh Ba Bò cũng là đề tài gây tranh cãi khá sôi nổi. Trả lời chất vấn của đại biểu và cử tri, lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Bình Dương cũng “trả bài” y hệt vị đồng nghiệp ở TP.HCM: “Vì tính chất dự án liên quan đến hai địa phương nên việc triển khai còn nhiều hạn chế làm chậm tiến độ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương và TP.HCM đang tham mưu lãnh đạo sớm triển khai dự án nhằm giải quyết tình trạng ngập úng, hạn chế ô nhiễm môi trường ở khu vực”.

Không chấp nhận kiểu trả lời như “đá bóng” của hai lãnh đạo ngành tài nguyên môi trường trên, tại kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ 11, đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang đề nghị TP và Sở Tài nguyên – Môi trường phải chủ động phối hợp với tỉnh Bình Dương để xử lý vì đã ô nhiễm đến mức nhà dân phải thay tôn 3 tháng/lần, do bị mục.

Đại biểu Quang cũng đã đích thân đi gặp và được bà Trần Thị Kim Vân – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – hứa chỉ đạo, đốc thúc các sở-ngành liên quan của tỉnh giải quyết. Thế nhưng, mọi việc đến nay, đâu vẫn vào đấy. Người dân lại tiếp tục chờ đợi…

Còn đại biểu Đặng Văn Khoa làm mọi người giật mình khi trưng ra một tấm tôn bị rỉ sét và một quả chuông có màu đen, rồi giải thích: “Quả chuông này vốn dĩ có màu vàng, nhưng sau khi ngâm trong dòng nước đen kênh Ba Bò vài ngày, thì nó đã chuyển sang màu đen. Điều này cho thấy mức độ ô nhiễm của kênh thối này rất đáng sợ mà hàng ngàn hộ dân đang sinh sống dọc kênh này phải gánh chịu”.

Ông Khoa cho rằng, những người có trách nhiệm không chỉ lên tiếng mà phải hành động: “Tôi phê phán lương tâm đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp khi đã làm giàu trên sự tàn tạ của bao nhiêu con người”.

Xin đừng hứa nữa!

Tại kỳ họp lần thứ 13 HĐND TP.HCM khóa VII mới đây, các đại biểu tỏ rõ quyết tâm “đòi nợ” kênh Ba Bò. Những hình ảnh ghi lại tình hình ô nhiễm, nỗi khổ cực của người dân sinh sống hai bên bờ kênh được chiếu trên màn ảnh tại nghị trường, trước phiên chất vấn lãnh đạo Sở TN-MT TP, như “đổ dầu vào lửa”.

Người “phát pháo” chất vấn quyền Giám đốc Sở TN-MT Đào Anh Kiệt là nữ đại biểu Nguyễn Minh Hương – nhân vật được xem là “tiếng nói của kênh Ba Bò”, khi nhắc lại “món nợ” cũ mà theo bà là rất khó đòi: “Chuyện ô nhiễm ở kênh Ba Bò, tôi đã chất vấn từ đầu nhiệm kỳ, tức suốt 4 năm nay, nhưng mỗi năm sở lại trả lời một kiểu và không biết đến khi nào mới chấm dứt. Năm thứ nhất: đang làm dự án; năm thứ hai: 2 địa phương đang bàn triển khai; năm thứ ba: dự án đang chỉnh sửa và năm nay, năm thứ tư: dự án đang nằm trong danh sách phải… hoãn thi công”, bà Hương chua chát!

Không dằn được sự bức xúc, bà Hương nói: “Nếu Sở TN-MT TP chỉ làm mỗi công tác đo mức độ ô nhiễm để báo cho tỉnh Bình Dương thì không cần đến một bộ máy của sở”.

Trước sự “truy” gắt gao của các đại biểu HĐND TP, ông Đào Anh Kiệt nói rằng, Sở TN-MT đã làm việc với tỉnh Bình Dương rất nhiều lần để giải quyết xả thải. TP.HCM “sẽ không làm được dự án nếu không có sự phối hợp của tỉnh Bình Dương”.

Theo dõi phiên chất vấn và trả lời tại kỳ họp HĐND TP vừa qua, bà con cử tri không khỏi tâm tư trước lời “năn nỉ” thống thiết của đại biểu Nguyễn Minh Hương: “Xin đừng hứa nữa”.