Cảnh báo trào lưu khoe động vật hiếm trên TikTok

Các bác sĩ thú y, chuyên gia về động vật hoang dã cảnh báo trào lưu khoe thú lạ trên TikTok sẽ truyền tải sai lệch kiến thức, thậm chí khiến nhiều người gặp nguy hiểm.

Vào tháng 1, Felicia Wilson (sống tại Alabama, Mỹ) đăng một video ngắn về con mèo rừng châu Phi của mình tên Juno. Clip này trên TikTok hút hàng nghìn lượt xem.

Không lâu sau, video về con mèo rừng thứ 2 tên Asha cũng giúp Felicia thu về hơn 2 triệu lượt xem và thả tim từ dân mạng.

Hiện nay, Felicia có hơn nửa triệu người theo dõi trên TikTok và là một trong nhiều tài khoản nổi tiếng thường chia sẻ hình ảnh của động vật lạ.

Người dùng TikTok thích xem các video về động vật, từ chú mèo dễ thương, vịt, chó và tất nhiên cả những con vật hiếm thấy. Giống Felicia, nhiều tài khoản trên TikTok cũng có hàng triệu follower nhờ chia sẻ loại nội dung này.

Felicia là người vận chuyển động vật được Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp phép, thường xuyên làm việc với các loài động vật lạ, quý hiếm. Juno và Asha đều được cô cứu khỏi những người chủ ngược đãi.

“Tôi vừa vận chuyển, vừa cứu hộ động vật quý hiếm và làm công tác kiểm tra nữa. Có rất nhiều cá thể, chúng ta không thể kiểm soát được hết người mua chúng”, Felicia nói.

Khi nhận được sự quan tâm, Felicia bắt đầu đăng các video hướng dẫn chế độ ăn uống và chăm sóc hợp lý cho động vật lạ, quý hiếm. Cô luôn nhấn mạnh rằng đó không phải là những vật nuôi bình thường.

Nhiều tài khoản trên TikTok có hàng triệu follower nhờ chia sẻ hình ảnh động vật lạ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có kiến thức, kinh nghiệm như Felicia. Trước sự gia tăng các video về động vật lạ, quý hiếm trên TikTok thời gian gần đây, nhiều bác sĩ thú y và chuyên gia về động vật hoang dã cảnh báo trào lưu này có thể truyền tải sai lệch kiến thức hay thậm chí khiến nhiều người gặp nguy hiểm.

Chủ, thú nuôi đều có thể bị thương

Con vật bị thương hoặc chết là tình huống tệ nhất có thể xảy ra đối với những người thích nuôi thú lạ.

@tod_the_foxx là tài khoản TikTok có 1,9 triệu người theo dõi, chuyên đăng các video về một con cáo tên Tod. Người chủ thường xuyên đăng thông tin về việc chăm sóc cùng các clip quay cảnh Tod ở trong lồng và đi dạo.

Vào tháng 5, con cáo được chẩn đoán bị suy thận và chết không lâu sau đó. Ở một bài đăng trên Instagram, chủ Tod một phần đổ lỗi cho bác sĩ thú y vì đã không phát hiện bệnh cho nó sớm hơn.

“Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là sự an toàn của cộng đồng, bao gồm cả động vật. Chúng tôi không cho phép nội dung thể hiện hành vi ngược đãi động vật. Nếu phát hiện, chúng tôi sẽ xóa video, tạm ngưng tài khoản đó và làm việc với cơ quan pháp luật”, một phát ngôn viên của TikTok cho biết.

Theo Rebecca Greenstein, làm việc tại Bệnh viện Thú y Kleinburg ở Canada, rất khó để tìm được bác sĩ phù hợp cho các thú nuôi đặc biệt này, ngay cả ở thành phố lớn.

“Tại các vùng quê, khả năng tìm được người có kinh nghiệm và trang thiết bị cần thiết là gần như bằng không”, cô cho biết thêm.

Ở chiều ngược lại, người chủ sở hữu cũng có thể gặp rủi ro. Đôi khi, động vật sẽ cào, cắn vào tay hoặc mặt của con người. Trong những trường hợp nghiêm trọng, người chủ cần được trợ giúp y tế chuyên nghiệp.

Tháng 2 vừa qua, người phụ nữ ở Wisconsin, Mỹ đã bị một con vượn cáo cắn khi cố quay cảnh con vật này đang ăn.

Evan Antin, bác sĩ thú y có chuyên môn về động vật quý hiếm tại Bệnh viện Thú y Thung lũng Conejo (Mỹ), cho biết vấn đề lớn nhất là chủ của các con thú không biết cách chăm sóc chúng đúng cách.

“Mạng xã hội khuyến khích mọi người mua những con vật này về nuôi, thường chỉ là bốc đồng, mà không có nghiên cứu đầy đủ về cách chăm sóc thích hợp cho chúng”, anh nhận định.

Động vật hoang dã đáng yêu lúc nhỏ song có thể trở nên nguy hiểm khi lớn lên. Ảnh: Getty Images.

Bác sĩ Evan cho biết dù động vật hoang dã dễ thương và vô hại khi còn nhỏ, nhưng có thể trở nên khó kiểm soát hơn nhiều khi bước vào tuổi dậy thì.

“Khi chúng phát triển và kích thích tố sinh dục tăng lên, chúng có thể trở thành những con vật hoàn toàn khác và giai đoạn đó rất nguy hiểm”.

Evan lấy ví dụ về gấu mèo. Loài này có thể “vô hại và hoàn toàn đáng yêu” lúc nhỏ song khi trưởng thành, chúng có thể “gây thương tích nghiêm trọng cho người hoặc bản thân trong môi trường nuôi nhốt”.

Trên TikTok, các video quay cảnh động vật tấn công hoặc người làm tổn thương động vật vi phạm nguyên tắc cộng đồng của nền tảng này. Tuy nhiên, không ít video như vậy vẫn tồn tại.

Học chăm sóc đúng cách

Trong khi những người có chuyên môn, kinh nghiệm về động vật hoang dã chia sẻ cách nuôi nhốt đúng đắn, có không ít kẻ đăng video chỉ với mục đích câu view, kiếm lời.

Trên TikTok, dễ dàng tìm thấy nhiều tài khoản đăng clip về kinkajou (thuộc họ gấu mèo) – loài động vật có vú sống về đêm, được tìm thấy trong các khu rừng nhiệt đới Nam Mỹ – hay hình ảnh của nhiều loài linh trưởng. Một số người thậm chí chia sẻ hình ảnh con cu li nhỏ – loài bị đe dọa bởi nạn buôn bán động vật bất hợp pháp – đang ăn mỳ Ý.

Các chuyên gia động vật cho rằng những video dạng này có thể gây ảnh hưởng đến người xem, truyền tải kiến thức sai lệch.

Không phải ai cũng đủ kiến thức để chăm sóc động vật hoang dã. Ảnh: Gcvs.

Bên cạnh đó, theo Stephanie Mantilla, làm công việc quản lý vườn thú 12 năm, những người vào TikTok thường chỉ với mục đích giải trí. Vì vậy, họ chỉ quan tâm đến clip con vật làm điều dễ thương và vui nhộn, chứ chẳng mấy chú ý về quyền sở hữu hay mua bán hợp pháp chúng.

Theo cô, việc buôn bán động vật lạ, hoang dã rất khó theo dõi và ngăn chặn. Ở Mỹ, luật sở hữu những con vật này khác nhau tùy theo tiểu bang. Vì vậy những người đăng hình ảnh các loài động vật này thường không vi phạm luật. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, họ có thể mua chúng mà không phải chịu sự giám sát nào.

“Ở những vùng nông thôn, nhiều khi mọi người thậm chí chẳng biết ai đó có một con vật kỳ lạ, vì vậy chủ sở hữu khó bị phát hiện. Đây là tình trạng rất cần được lưu tâm”, cô nhận định.

Nguồn: