Cập nhật 7h ngày 13/8: Dịch Covid-19 tồi tệ ở Ấn Độ. Phó Thủ tướng Nga nhiễm bệnh. Thêm quốc gia sắp công bố vaccine?

Tính đến 6h ngày 13/8, theo trang thống kê Worldometers, toàn cầu ghi nhận 20.774.696 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 751.294 người tử vong và 13.679.206 bệnh nhân bình phục.

Dịch Covid-19 tồi tệ ở Ấn Độ, số ca mắc mới tăng vọt kỷ lục. (Nguồn: TRT World)

Bắc Mỹ vẫn là khu vực có số ca nhiễm cao nhất với 6.304.129 ca, sau đó là châu Á với 5.301.239 ca và Nam Mỹ với 4.960.637 ca. Châu Âu hiện ghi nhận 3.105.845 ca nhiễm, châu Phi là 1.077.970 ca trong khi số ca nhiễm tại châu Đại Dương hiện là 24.082 ca.

* Tại châu Á, Ấn Độ ghi nhận ngày thứ 14 liên tiếp có số ca mắc mới trên 50.000 ca, tồi tệ hơn, trong 24 giờ qua ghi nhận số ca nhiễm mới tăng vọt kỷ lục lên 67.066 người mắc bệnh. Đến nay, Ấn Độ xác nhận 2.395.471 ca bệnh, trong đó có 47.138 ca tử vong.

Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số nước Đông Nam Á với hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Hiện Philippines là quốc gia có số ca mắc bệnh cao nhất khu vực này. Ngày 12/8, Bộ Y tế Philippines ghi nhận 4.444 ca mắc mới và 93 ca tử vong vì dịch bệnh, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 143.749 và 2.404 ca.

Cùng ngày, Indonesia thông báo thêm 1.942 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 130.718 ca. Trong khi đó, số ca tử vong cũng tăng lên 5.903 ca, thêm 79 ca so với một ngày trước đó. Đây là số ca tử vong cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Tại Đông Bắc Á, tình hình dịch ở Nhật Bản cũng diễn biến phức tạp. Ngày 12/8, chính quyền thành phố Tokyo xác nhận thêm 222 ca nhiễm, tăng sau 2 ngày giảm xuống dưới 200 ca mới. Tokyo và nhiều thành phố lớn khác như Osaka đang tiếp tục chứng kiến số ca nhiễm tăng cao, kể từ khi chính phủ nước này dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa toàn quốc hồi cuối tháng 5.

Trong khi đó, số liệu của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc cho biết, ở đại lục có thêm 25 ca nhiễm, trong đó có 9 ca nội địa, đều ở khu tự trị Tân Cương và 16 ca du nhập từ nước ngoài. Trong 24 giờ qua, Trung Quốc đại lục cũng phát hiện thêm 20 ca nhiễm không biểu hiện triệu chứng, trong đó có 12 ca nhập cảnh.

Cùng ngày, Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đã ghi nhận thêm 54 ca nhiễm trong ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên 14.714. Hàn Quốc cũng đã có thêm 57 bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, đưa tổng số ca được chữa khỏi lên 13.786 ca.

Israel đã vượt Trung Quốc đại lục về số ca nhiễm tính từ khi dịch bệnh bùng phát hồi đầu năm 2020. Tính đến sáng 13/8, Israel có 88.151 ca nhiễm. Tuy nhiên, số trường hợp tử vong tại nước này thấp hơn nhiều so với Trung Quốc đại lục, với 639 ca.

* Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, bang Victoria của Australia có thêm 21 ca tử vong – cao nhất từ trước đến nay, trong khi số ca nhiễm mới là 410, chấm dứt chuỗi 3 ngày liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới dưới 400. Cho đến nay, Australia ghi nhận 22.127 ca nhiễm, trong đó có 414 trường hợp tử vong.

Trong khi đó, ở New Zealand, các nhà dưỡng lão trên cả nước đều đã bị phong tỏa từ ngày 12/8 do lo ngại đây có thể trở thành ổ dịch sau khi nước này phát hiện gia đình 4 người tại thành phố Auckland nhiễm SARS-CoV-2 sau 102 ngày cả nước này không có lây nhiễm cộng đồng.

* Tại châu Âu, trước những lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai, nhiều nước đã siết chặt, gia hạn hoặc tái áp đặt các biện pháp chống dịch.

Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết, nước này sẽ gia hạn lệnh cấm các hoạt động tụ họp có quy mô hơn 5.000 người ở nơi công cộng đến ngày 30/10. Trong 24 giờ qua, Pháp đã ghi nhận thêm gần 2.524 ca nhiễm, trong đó có 17 ca tử vong. Tính từ ngày 1/3, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 30.371 người ở Pháp.

Chính phủ Na Uy sẽ tái áp đặt các biện pháp cách ly đối với du khách nước ngoài, đồng thời nhắc lại khuyến cáo người dân nên tránh ra nước ngoài. Quy định cách ly sẽ được áp dụng trong 10 ngày từ ngày 15/8 tới, đối với tất cả khách nhập cảnh từ Ba Lan, Malta, Iceland, Cyprus và Hà Lan, cũng như Quần đảo Faroe và một số vùng của Đan Mạch và Thụy Điển.

Na Uy cũng đã tái áp đặt các hạn chế đối với Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Sỹ và một số nước khác.

Tại Nga, hãng thông tấn TASS ngày 12/8 đưa tin, Phó Thủ tướng Yury Trutnev đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Theo Trung tâm ứng phó Covid-19 của Nga, trong 24 giờ qua, ghi nhận thêm 5.102 ca mắc Covid-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân tại nước này lên 902.701 người.

Trước đó, Nga thông báo đã cấp phép đăng ký cho vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên, mang tên “Sputnik-V”. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty R-Pharm, ông Alexey Repik cho biết, vaccine này có giá xuất khẩu ít nhất là 10 USD cho 2 liều.

Ông Repik nhận định, “ít nhất lô hàng đầu tiên rất có thể khá đắt”, dù lưu ý vaccine chắc chắn sẽ giảm giá khi số lượng sản xuất đạt quy mô công nghiệp đủ lớn.

Trong khi đó, tại Indonesia, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Airlangga Hartarto cho biết, Chính phủ sẽ dành khoản ngân sách trị giá 5.000 tỷ Rupiah (khoảng 339 triệu USD) trong năm nay để sản xuất 30 – 40 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 đang được thử nghiệm lâm sàng tại công ty dược phẩm nhà nước PT Bio Farma. Bộ trưởng Hartarto cho biết thêm quỹ tài trợ có khả năng sẽ lên tới 40.000 tỷ-50.000 tỷ Rupiah.

Hiện các công ty của Indonesia và Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine nói trên. Dự kiến, Indonesia sẽ bắt đầu sản xuất vaccine vào tháng 10 tới.

Cũng liên quan đến vaccine ngừa Covid-19, cùng ngày, Viện Robert Koch (RKI) của Đức cho rằng, lô vaccine đầu tiên của nước này khả năng được sản xuất vào mùa Thu, song cảnh báo có thể mất một thời gian dài để kiểm soát được đại dịch.

Cơ quan hàng đầu của Đức về kiểm soát dịch bệnh cho biết thêm, bất kỳ loại vaccine nào khả năng chỉ có tác dụng hạn chế do virus biến thể hoặc do những sản phẩm đầu tiên tung ra thị trường chỉ đem lại khả năng miễn dịch trong thời gian ngắn.

Công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) hiện đang hợp tác với “đại gia” dược phẩm Pfizer để phát triển, thử nghiệm và sản xuất vaccine phòng Covid-19. Ngày 11/8, đại diện công ty BioNTech tái khẳng định mục tiêu sẽ xin cấp phép khẩn cho vaccine của hãng vào tháng 10 tới nếu các cuộc thử nghiệm lâm sàng đang tiến hành đạt kết quả khả quan.

Việt Nam đến nay ghi nhận tổng cộng 883 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó 322 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 421 ca. Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị- Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Việt Nam có 409 bệnh nhân Covid-19 đã được công bố khỏi bệnh và 17 trường hợp tử vong do mắc Covid-19 và các bệnh lý nền nghiêm trọng.