Ngày 22/7, các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo số người có nguy cơ rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực ở miền Nam Yemen có thể tăng từ 2 triệu lên 3,2 triệu người trong 6 tháng tới.
Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, báo cáo mới nhất của Tổ chức Lương Nông (FAO), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Chương trình Lương thực thế giới (WFP) về phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC) cho biết tình trạng thiếu lương thực sẽ gia tăng nhanh chóng tại Yemen do một số yếu tố như kinh tế yếu kém, xung đột, thiên tai, châu chấu sa mạc và đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Các phân tích được tiến hành tại 133 khu vực ở miền Nam Yemen dự báo nguy cơ gia tăng đáng báo động những người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực mức độ cao.
Đại diện FAO tại Yemen, ông Hussein Gadain nhấn mạnh đến những thử thách và mối đe dọa mà người dân Yemen đang đồng thời phải đối mặt, như đại dịch COVID-19 hay châu chấu sa mạc. Ông cho rằng những hộ gia đình nông dân sản xuất nhỏ, sống phụ thuộc vào nông nghiệp cần sự hỗ trợ hơn cả. Trong năm 2019, tình trạng thiếu lương thực đã được cải thiện nhờ các chương trình hỗ trợ nhân đạo quy mô lớn.
Theo Giám đốc WFP tại Yemen, Laurent Bukera, chính phủ và cộng đồng quốc tế cần hành động quyết liệt đối với vấn đề mất an ninh lương thực tại Yemen. Bà cho biết trong năm 2019, WFP và các đối tác đã có thể đảo ngược tình thế tại những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất ở quốc gia Bắc Phi này. Bà nhấn mạnh tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn rất nhiều nếu các hoạt động hỗ trợ nhân đạo bị trì hoãn trong thời kỳ dịch bệnh hiện nay.
Báo cáo đưa ra các khuyến nghị về các hành động khẩn cấp như đảm bảo tiếp tục hỗ trợ lương thực, khôi phục cơ sở hạ tầng ở khu vực bị thiên tai tàn phá, hỗ trợ nông dân, thúc đẩy thực hiện dinh dưỡng tốt, tăng cường cảnh báo sớm cũng như hệ thống giám sát an ninh lương thực nói chung.