Người dân xã Phúc Sạn lao đao vì ô nhiễm môi trường

ThienNhien.Net – Mấy năm trước, khi nghe tin xã sắp có doanh nghiệp vào đầu tư cơ sở sản xuất bột giấy và đũa ăn một lần, người dân xã Phúc Sạn (Mai Châu) mừng lắm vì bấy lâu nay, đời sống hàng ngày của hơn 500 hộ, 2.100 nhân khẩu ở đây chỉ biết trông chờ vào con tôm, con cá dưới hồ, cây luồng, củ khoai, củ sắn trên đồi, trên rẫy nên thu nhập khá bấp bênh. Ai nấy đều tràn đầy hy vọng có doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh việc tiêu thụ lâm sản thuận lợi hơn, lao động địa phương sẽ có việc làm, thu nhập ổn định và đời sống sẽ khấm khá hơn. Nhưng mỗi ngày qua đi, hoạt động của các doanh nghiệp và cơ sở sơ chế bột giấy và đũa ăn một lần đã gây biết bao hệ lụy cho chính quyền, dân cư trên địa bàn mà bức xúc nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước.

Ông Đinh Công Hanh, Chủ tịch UBND xã Phúc Sạn cho biết: Hiện tại trên địa bàn xã có 3 doanh nghiệp và cơ sở sơ chế bột giấy, sản xuất đũa ăn một lần gồm 2 cơ sở sản xuất của các ông Hứa Văn Thái và Đỗ Đức Duệ cùng Công ty TNHH một thành viên Tuấn Hưng. Trong đó, cơ sở sản xuất của ông Hứa Văn Thái và Công ty TNHH một thành viên Tuấn Hưng tại khu vực bến Bãi Sang sử dụng sút, lưu huỳnh gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của dân cư trên địa bàn. Bên cạnh đó, mặc dù sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nhưng cả doanh nghiệp và cơ sở sản xuất này đều bất hợp tác với chính quyền xóm, xã, nhất là trong quản lý nhà nước về trật tự xã hội và tài nguyên – môi trường. Cụ thể, cả cơ sở sản xuất và doanh nghiệp đều không tuân thủ quy định về trình báo tạm trú, phòng cháy chữa cháy, tình trạng ô nhiễm môi trường đã kéo dài nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động. Xã cũng không diện tích, thời gian doanh nghiệp được sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh là bao lâu.

Sau khi ngâm ủ sút được Công ty TNHH một thành viên Tuấn Hưng xả từ bể nguyên liệu thẳng ra vùng hồ sông Đà (Ảnh: Báo Hòa Bình)

Là xã nằm trong vùng lòng hồ Hòa Bình của huyện Mai Châu, đời sống của hơn 500 hộ dân ở Phúc Sạn còn nhiều khó khăn. Trong đó, thu nhập và đời sống của gần 100 hộ 2 xóm Gò Mu, Phúc và tổ Bãi Sang hoàn toàn phụ thuộc vào nghề nuôi cá lồng và đánh bắt thủy sản. ông Lò Văn Tinh, Trưởng xóm Phúc cho biết: Cả xã có hơn 150 lồng cá, những năm trước đây, hiện tượng cá lồng chết chỉ xảy ra vào tháng 5, tháng 6, đó là thời điểm giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa nhưng số lượng cá chết không đáng kể. Từ khi có doanh nghiệp, cơ sở sơ chế bột giấy và sản xuất đũa ăn một lần đi vào hoạt động ở khu vực bến Bãi Sang đến nay, do xả sút, mùn rác xuống lòng hồ nên cá lồng chết quanh năm. Gần đây nhất, trung tuần tháng 11 vừa qua, 42 hộ nghèo của 3 xóm được hỗ trợ trên 90 kg cá giống nhưng vừa thả được ít ngày thì mọc mụn, ngoài ra nổ mắt và chết hết. Đời sống của chúng tôi hoàn toàn dựa vào nuôi lá lồng, đánh bắt thủy sản trên hồ. Tình trạng này khiến mọi nhà đều lo lắng, lao đao, đơn từ đã gửi đi khắp nơi nhưng chưa có hồi âm.

Chị Bùi Thị Liên ở tổ Bãi Sang bức xúc: “Do nguồn nước bị nhiễm sút cùng rác, mùn có hóa chất nên 2 lồng cá của gia đình tôi mới thả đã chết hết không còn con nào. Vốn làm lồng và mua cá giống đều phải vay ngân hàng, giờ đây, cá chết hàng loạt, chúng tôi không biết trông chờ vào đâu để trả nợ. Không những thế, sức khỏe của người dân xung quanh khu vực sơ chế bột giấy, sản xuất đũa ăn một lần cũng bị ảnh hưởng lớn khi các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sử dụng lưu huỳnh sấy đũa chống mốc khói bay mù mịt khiến từ già đến trẻ đều ho hen, tức ngực, khó thở. Những hôm khói quẩn, nhiều gia đình không chịu nổi phải tạm lánh đi nơi khác. Bên cạnh đó, đa số các hộ ở đây dùng nước hồ để ăn uống, sinh hoạt nên việc xả sút, rác mùn xuống lòng hồ sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe mọi người. Trước thực trạng đó, chúng tôi đề nghị các cấp, ngành sớm vào cuộc và có biện pháp hữu hiệu để đảm bảo sản xuất và đời sống của dân cư trên địa bàn”.

Cùng với nguồn thu nhập từ nuôi, đánh bắt thủy sản, vào mùa lễ hội, người dân Phúc Sạn còn có thêm nguồn thu từ việc đưa, đón khách du lịch thăm quan vùng lòng hồ với số lượng bình quân 2.000 lượt khách/năm. Tuy nhiên, từ khi cơ sở sản xuất của ông Hứa Văn Thái được UBND huyện Mai Châu cho thuê toàn bộ mặt bằng và cơ sở hạ tầng của bến Bãi Sang, xung quanh bến trở thành nơi tập kết bương luồng, nhà chờ khách trở thành xưởng sản xuất, sân bãi trở thành địa điểm tập kết nguyên liệu, trụ sở Ban quản lý bến trở thành Văn phòng tư nhân. Vì vậy, cùng với tình trạng ô nhiễm môi trường , 15 thuyền chở khách luôn tình cảnh đìu hiu vì thất thu do việc đi lại rất khó khăn . Bên cạnh đó, bến Bãi Sang được đầu tư xây dựng cho mục đích để phát triển dịch vụ – du lịch, giờ đây lại thuộc sự quản lý của cơ sở chuyên sơ chế bột giấy, đũa ăn một lần nên hầu như suốt ngày cửa đóng, cổng khóa khiến những người thai sản đến ngày sinh nở hay không may bị ốm đau, tai nạn của xã Phúc Sạn cùng các xã lân cận như Tân Mai, Tân Dân cần lên bến đi trạm xá, bệnh viện gặp không ít phiền toái.

Là xã đặc biệt khó khăn, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của Phúc Sạn còn chiếm tới 48%, trước những hệ lụy từ hoạt động của các cơ sở và doanh nghiệp sơ chế bột giấy, đũa ăn một lần gây ra, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Phúc Sạn đang từng ngày mong mỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là UBND huyện Mai Châu để sớm được trả lại nhịp sống bình yên, trong lành.