Lãnh đạo châu Phi họp giải quyết bất đồng về đập thủy điện Đại Phục Hưng

Ngày 21/7, lãnh đạo các nước Liên minh châu Phi (AU) sẽ tiến hành một cuộc họp trực tuyến nhằm tháo gỡ bế tắc liên quan đến đập thủy điện Đại Phục Hưng đang gây căng thẳng giữa Ai Cập, Ethiopia và Sudan.

Theo Văn phòng tổng thống Nam Phi, Tổng thống nước này Cyril Ramaphosa sẽ chủ trì cuộc họp trên cương vị là Chủ tịch AU. Đây là sự kiện nối tiếp cuộc họp trước đó về vấn đề này cũng do AU tổ chức hôm 26/6 vừa qua. Theo dự kiến, tham dự cuộc họp bao gồm lãnh đạo đến từ các quốc gia hàng đầu châu Phi như CHDC Congo, Ai Cập, Ethiopia, Kenya, Mali, Nam Phi và Sudan.

Phát ngôn viên Văn phòng tổng thống Nam Phi Khusela Diko cho biết mục đích của vòng đàm phán lần này là đưa ra một giải pháp phù hợp nhất nhằm bảo vệ quyền lợi của các quốc gia liên quan, bao gồm Ai Cập, Sudan và Ethiopia.

Trước đó, đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Ramaphosa, Ai Cập, Sudan và Ethiopia ngày 3/7 đã bắt đầu các cuộc đàm phán mới. Đây được coi là một nỗ lực nhằm giải quyết những vấn đề gây tranh cãi kéo dài hàng thập kỷ về GERD mà phía Ethiopia xây dựng trên sông Nile. Tuy nhiên, vòng đàm phán này đã kết thúc hôm 13/7 và không đạt được đột phá đáng kể nào.

Toàn cảnh công trình xây dựng đập thủy điện Đại Phục Hưng ở gần Guba, Ethiopia ngày 26/12/2019. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Là dự án thủy điện lớn nhất châu Phi, đập Đại Phục Hưng được khởi công xây dựng từ năm 2011 tại Ethiopia trên dòng sông Nile Xanh. Bất đồng về việc vận hành đập thủy điện này là nguyên nhân chính gây căng thẳng giữa Ethiopia và Ai Cập. Ai Cập lo ngại công trình này đe dọa nguồn nước sông Nile trong khi hơn 90% dân số Ai Cập phụ thuộc vào nguồn nước này. Tuy nhiên, phía Addis Ababa phủ nhận con đập sẽ làm giảm khả năng tiếp cận nguồn nước sông Nile của Ai Cập, đồng thời khẳng định dự án mà họ đang theo đuổi là rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế. Đập thủy điện Đại Phục Hưng dự kiến sẽ sản xuất hơn 6.000 MW điện, đưa Ethiopia tiến tới mục tiêu trở thành nhà xuất khẩu điện năng lớn nhất châu Phi.

Từ năm 2012, Ethiopia và hai nước ở hạ nguồn là Sudan và Ai Cập đã nỗ lực trao đổi về các vấn đề kỹ thuật, pháp lý liên quan đến dự án do có các lo ngại về tác động của dự án đối với các nước hạ nguồn. Tuy nhiên, các bên chưa đi đến thống nhất.